Vào nội dung chính
CUBA - MỸ

Sina – đấu trường quan hệ Mỹ-Cuba trong 38 năm qua

Cơ quan đại diện quyền lợi Mỹ tại Cuba – Sina – là tâm điểm của các cuộc đọ sức và khiêu khích giữa La Habana và Washington trong gần bốn chục năm qua.

Phía trước cơ quan đại diện quyền lợi Mỹ tại La Habana, Cuba (ảnh chụp ngày 30/12/2014)
Phía trước cơ quan đại diện quyền lợi Mỹ tại La Habana, Cuba (ảnh chụp ngày 30/12/2014) REUTERS
Quảng cáo

Luôn luôn có cảnh sát đứng canh gác, khu nhà 6 tầng này được xây bằng bê tông vào năm 1953, trên một mảnh đất thuộc sở hữu ngoại giao của Thụy Sĩ, ngự trị đại lộ Malecon, đại lộ chạy ven theo bờ biển. Không thể dừng xe hơi hoặc đi bộ ngang qua khu nhà này.

Cho đến nay, phạm vi hành động của cơ quan đại diện quyền lợi Mỹ và 360 nhân viên, chủ yếu là người Cuba, về mặt chính thức, chỉ là những hoạt động lãnh sự, thúc đẩy nhân quyền. Cùng với việc Cuba – Mỹ cải thiện quan hệ song phương, nơi đây đang từng bước trở thành sứ quán Hoa Kỳ tại La Habana.

Bị đóng cửa vào năm 1961, sau khi hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao, khu nhà này trở thành cơ quan đại diện cho quyền lợi của Hoa Kỳ vào năm 1977, sau khi Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và lãnh đạo Cuba Fidel Castro đạt được đồng thuận. Trong một thời gian dài sau đó, chính quyền La Habana coi cơ quan đại diện này như là một công cụ của Washington để tài trợ và tổ chức các âm mưu lật đổ chế độ Cuba.

Phía trước tòa nhà là một quảng trường rộng lớn, trên đó có một bục cao – được gọi là « diễn đàn chống đế quốc » và có ghi câu nói nổi tiếng của Fidel Castro : Tổ quốc hay là chết. Chúng ta nhất định thắng. Đây là nơi diễn ra các cuộc biểu tình khổng lồ chống Mỹ trong nhiều thập niên qua. Ở góc phía đông quảng trường có tượng nhà giải phóng dân tộc José Marti, một tay ôm một đứa bé và tay kia chỉ về phía cơ quan đại diện Hoa Kỳ.

Năm 1980, cơ quan đại diện Mỹ đã cấp visa nhập cảnh cho 400 nhà ly khai bị chính quyền La Habana trấn áp và sự kiện này đã làm cho Fidel Castro giận dữ. Vào thời điểm đó, các cuộc biểu tình chống Mỹ đã diễn ra với sự tham gia của tới 5 triệu người, tức là gần bằng một nửa dân số Cuba.

Tuy nhiên, cao trào kịch tính là vào những năm 2000. Năm 2004, chính quyền La Habana gần như nổi đóa khi tòa nhà cơ quan đại diện Mỹ được trang trí nhân dịp lễ Giáng sinh với một biểu tượng hình số 75 nổi bật, hàm ý nói đến 75 nhà ly khai bị bắt vào năm trước đó.

Vài ngày sau, chính quyền Cuba cho dựng một tấm biển khổng lồ ngay phía trước cơ quan đại diện Mỹ, trên đó có nhiều ảnh chụp các cảnh lính Mỹ tra tấn tù nhân tại nhà tù Irak Abou Graib, với hàng chữ « Những tên phát xít do Mỹ tạo ra ».

Từ năm 2006, cơ quan đại diện Mỹ có thêm một động thái mà La Habana coi là khiêu khích, khi dựng một tấm bảng điện lớn sáng rực, với các hàng chữ mang thông điệp chính trị hướng tới người dân Cuba. Đáp lại, Fidel Castro cho dựng phía trước cơ quan đại diện Mỹ 138 cột mang cờ đen để che khuất tấm bảng điện tử này.

Vài tháng sau khi Barack Obama vào Nhà Trắng, cơ quan đại diện Mỹ tắt tấm bảng điện tử.

Các đại diện Mỹ tại Cuba thường xuyên là đối tượng bị chính quyền La Habana công kích, truyền thông Nhà nước bôi nhọ. Từ vài năm lại đây, các vụ khiêu khích, đấu khẩu, công kích đã giảm dần, khơi mở cho một tiến trình hòa dịu trong quan hệ giữa hai nước.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.