Vào nội dung chính
THUYỀN NHÂN

Úc quan ngại về tình hình trại giam người tỵ nạn ở Papua New Guinea

Chính quyền Úc hôm nay 16/01/2015 cho biết là rất lo ngại trước tình hình trong một trại giam giữ người xin tỵ nạn ở Papua New Guinea. Một hiệp hội bảo vệ nhân quyền cho biết họ tuyệt vọng đến nỗi đã nuốt lưỡi lam và bột giặt để đánh động công luận.

Người xin tỵ nạn bị giữ bên trong trại giam tại đảo Manus (Papua New Guinea) ngày 13/01/2015.
Người xin tỵ nạn bị giữ bên trong trại giam tại đảo Manus (Papua New Guinea) ngày 13/01/2015. DR
Quảng cáo

Những thuyền nhân đến Úc đều bị gởi đến các trại ở Papua New Guinea và đảo Nauru ở Thái Bình Dương. Cho dù đơn xin tỵ nạn của họ được đánh giá là chính đáng sau khi hồ sơ được xem xét, chính phủ vẫn không cho phép họ định cư tại Úc.

Hơn 400 thuyền nhân trong trại trên đảo Manus, ở Papua New Guinea đã tuyệt thực để phản đối điều kiện giam cầm, theo tin các hiệp hội bảo vệ nhân quyền.

Bộ trưởng Nhập cư Úc, Peter Dutton, phát biểu trước báo giới cho là « tình hình rất nghiêm trọng » và ông rất « lo ngại về những sự kiên xẩy ra trong 24 tiếng đồng hồ qua », cũng như về « những điều biết được và chắc chắn là tình hình chuyển biến bất ngờ ». Tuy nhiên ông Peter Dutton không cho biết cụ thể về các sự kiện khiến ông lo ngại.

Hãng tin Pháp AFP trích Ian Ritoul, một nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền của một tổ chức trợ giúp người tỵ nạn, cho biết là có đến 40 thuyền nhân ở trại nói trên đã may miệng lại, 3 người khác đã nuốt lưỡi dao cạo râu, 4 người đã nuốt bột giặt.

Đài truyền hình Úc ABC cho biết họ có một video quay trong trại cho thấy 2 người đàn ông được khiêng đi sau khi uống bột giặt.

Ông Peter Dutton nhậm chức vào tháng 12/2014, sau một cuộc cải tổ nội các, trong lúc mà Úc thực hiện một chính sách nhập cư rất khắt khe.

Ông Peter Dutton đã khẳng định việc thay đổi bộ trưởng không có nghĩa là thay đổi chính sách, ông còn nhấn mạnh là phải « đảm bảo sao cho những thuyền nhân này không bao giờ đến được Úc ».

Theo chính phủ Úc, những biện pháp khắc nghiệt được đưa ra là để làm nản chí giới buôn người, lợi dụng tình cảnh thuyền nhân mà đa số đến từ Trung Đông – Irak, Iran, Afghnistan.

Bộ trưởng Nhập cư còn đánh giá là « thuyền nhân phải giải quyết vấn đề của họ một cách ôn hòa ».

Theo số liệu vào cuối tháng 12/2014 của Bộ Nhập cư Úc, có khoảng 1000 bị giam ở trại trên đảo Manus, toàn bộ là đàn ông. Ở đây không có phụ nữ hay trẻ em. Còn trong trại ở Nauru, có gần 900 người, trong đó có 164 phụ nữ và 135 trẻ em.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.