Vào nội dung chính
KHỦNG BỐ

Thanh niên Hồi giáo Bỉ theo thánh chiến vì 'tương lai bế tắc' ?

Trong lực lượng Al Qaida và Nhà nước Hồi giáo tại Syria và Irak, thành phần chiến binh hăng say cuồng tín nhất đến từ châu Âu là thanh niên Bỉ theo đạo Hồi. Hiện tượng này được thấy rõ hơn sau cái chết của hai nghi can trong chiến dịch chống khủng bố khai diễn hôm qua tại Bỉ. Theo giới phân tích, tâm lý bị bỏ rơi bên lề xã hội là một trong những lý do dẫn đến hành động cực đoan của một bộ phận giới trẻ gốc Ả Rập.

Cảnh sát khám xét một tòa nhà tại trung tâm thành phố Verviers, miền Đông nước Bỉ, ngày 15/01/2015.
Cảnh sát khám xét một tòa nhà tại trung tâm thành phố Verviers, miền Đông nước Bỉ, ngày 15/01/2015. Reuters
Quảng cáo

Vào lúc nước Pháp và cả thế giới bị chấn động vì vụ Tòa soạn báo trào phúng Charlie Hebdo bị khủng bố mà thủ phạm tự nhân danh Thượng đế Allah, tại Vương quốc Bĩ, cảnh sát phát hiện một âm mưu tấn công với quy mô lớn. Đối tượng bị theo dõi, bị nghe lén là ba chiến binh Hồi giáo vừa từ Syria trở về. Tổ khủng bố đặt « bản doanh » trong một lò bánh mì cũ, trang bị súng lục và tiểu liên AK47, loại súng dùng trong chiến tranh.

Theo nhiều nhân chứng, khi thấy cảnh sát tiến gần, họ đã khai hỏa trước và chiến đấu tới cùng, nhưng không chống lại được với lực lượng chống khủng bố tinh nhuệ. Kết quả là hai nghi can bị bắn chết, người thứ ba bị thương và bị bắt.

Tại những nơi khác, nghi can khủng bố bỏ trốn kịp, để lại nhiều loại chất nổ.

Tư pháp Bỉ, qua tuyên bố của Phó biện lý Viện Công tố Liên bang, chưa có chứng cớ để kết luận mạng lưới thánh chiến tại Bỉ có liên hệ gì với tổ khủng bố tại Paris của hai anh em Kouachi, thủ phạm vụ thảm sát ban biên tập tuần báo Charlie Hebdo.

Tuy nhiên, theo nhận định của Reuters, nếu vụ tấn công tại Paris xác nhận một mối lo ngại từ nhiều năm nay là nước Pháp bị Hồi giáo cực đoan xem là đối tượng phải trả thù, thì ngược lại nước Bỉ lại là quốc gia cung cấp cho thánh chiến nhân sự đông nhất tính theo tỷ lệ dân số.

Mặc dù chỉ có hơn 11 triệu dân, nhưng Bỉ đứng hàng thứ ba, sau Pháp và Anh, về số công dân tham gia hàng ngũ thánh chiến tại Syria và Irak. Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu về Xu hướng Cực đoan hóa ICSR (Centre for the Study of Radicalisation) tại Luân Đôn, từ cuối năm 2011 đến hết năm 2013, khoảng 300 công dân Bỉ đã sang Syria và Irak.

Chính phủ Bruxelles thẩm định hiện nay khoảng 170 người Bỉ chiến đấu tại Syria, không kể 50 chiến binh đã tử trận. Ngoại trưởng Didier Reynders cho biết thêm là trong những chiến binh trở về nước, 101 người đang bị theo dõi chặt chẽ.

Câu hỏi đặt ra là tại sao nước Bỉ trở thành trung tâm tuyển mộ chiến binh Hồi giáo ?

Nhà nghiên cứu về các đường dây Hồi giáo khủng bố Matthew Levitt cho rằng chỉ cần đi một vòng thủ đô nước Bỉ là tìm ra câu trả lời. Chuyên gia của Viện Nghiên cứu Washington thường xuyên sang Bỉ để tìm hiểu căn nguyên nguồn cội của hiện tượng này giải thích : Bruxelles được cả thế giới biết đến là nơi đặt trụ sở của Liên Hiệp Châu Âu nhưng ở nhiều khu ngoại ô như Molenbeek, tỷ lệ thất nghiệp lên đến 50% lượng người ở tuổi lao động.

Cựu bộ trưởng bộ tư pháp Laurette Onkelinx không dám cả quyết vì sao đông đảo thanh niên Bỉ sang Syria đầu quân vào các tổ chức Hồi giáo võ trang, nhưng bà nhìn nhận thực trạng những khu phố nghèo khó là nguồn cội làm cho thành phần trẻ gốc Ả Rập thất vọng về xã hội họ đang sống.

Trả lời đài truyền hình quốc gia RTBF, nhà chính trị một thời nắm bộ tư pháp phân tích : Tâm lý thất vọng là một trong những yếu tố chính. Khi người ta cảm thấy mất hết hy vọng ở tương lai, thì sẽ dễ dàng trở thành con mồi ngon cho những giáo sĩ tuyên truyền tâm lý hận thù.

Nước Bỉ là quốc gia công nghiệp đứng vào vị trí tệ nhất về tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ. Đông đảo di dân nhập cư từ Bắc Phi sang Bỉ trong thập niên 1960, để lao động trong ngành luyện kim và lấp ráp xe hơi cơ cực mà người Bỉ không thích làm.

Giờ đây, khi hàng loạt cơ xưởng đóng cửa, con cái của họ không có công việc như thế hệ cha mẹ.

Thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra tại Bỉ còn phải đối đầu với tình trạng kỳ thị vì họ thuộc cộng đồng Hồi giáo trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, rất khó tìm việc làm và chổ đứng trong xã hội Bỉ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.