Vào nội dung chính
CUBA - MỸ

Giới ly khai Cuba trông cậy vào sự hỗ trợ mạnh mẽ của Mỹ

Giới ly khai Cuba vốn có thái độ khác nhau trong việc cải thiện quan hệ giữa La Habana và Washington, đang rất cần đến sự hỗ trợ của Mỹ, để có được tiếng nói và thoát ra khỏi tình thế cô lập, bị gạt ra bên lề xã hội.

Hiệp hội "Những phụ nữ áo trắng" Cuba tuần hành hàng tuần tại La Habana, để phản đối chính phủ, ngày 04/01/2015
Hiệp hội "Những phụ nữ áo trắng" Cuba tuần hành hàng tuần tại La Habana, để phản đối chính phủ, ngày 04/01/2015 Reuters
Quảng cáo

Sau thông báo gây trấn động, ngày 17/12/2014, về bình thường hóa quan hệ Cuba-Mỹ, nhiều nhà đối lập Cuba đã tuyên bố thất vọng vì trong các cuộc đàm phán trước đó, Washington không đạt được gì từ phía La Habana trong lĩnh vực nhân quyền.

Theo bà Berta Soler, Chủ tịch hiệp hội « Những phụ nữ áo trắng », một phong trào ly khai, được giải thưởng Sakharov năm 2005, được AFP trích dẫn, thực ra, « việc xích lại (gần với Hoa Kỳ) không phải là một tin tốt đẹp. Đó là một cách bơm thêm oxy cho chính phủ Cuba » và bà nhấn mạnh : « Chúng tôi không thấy trong mối quan hệ này một mối lợi nào cho nhân dân Cuba ».

Trong khi đó, ông Jose Daniel Ferrer, lãnh đạo Hiệp hội yêu nước Cuba, một tổ chức hoạt động ở phía đông hòn đảo, nhưng bị chính quyền coi là bất hợp pháp, lại cho rằng « đó có thể là một tin tốt », nhưng Hoa Kỳ phải tranh thủ các cuộc thương lượng để buộc chính quyền Cuba phải có những thay đổi trong lĩnh vực nhân quyền. Cụ thể là ngay trong cuộc họp đầu tiên, dự kiến vào 21 và 22/01/2015, tại La Habana, « Hoa Kỳ phải đòi Cuba có những hành động cụ thể về tự do, dân chủ và nhân quyền ». Cuộc thương lượng này phải đặt nền móng cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao song phương.

Nếu như Tổng thống Mỹ Barack Obama có một chính sách mới đối với Cuba, ông đã trấn an ngay từ hồi tháng 12 vừa qua rằng điều này giúp cho Hoa Kỳ thúc đẩy vấn đề nhân quyền tại Cuba.

Trong tuần, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jennifer Psaki khẳng định, « các chủ đề liên quan đến nhân quyền », sẽ được đề cập đến trong cuộc gặp vào cuối tháng Giêng và cả trong những cuộc thảo luận sau đó. Theo Washington, « cách tiếp cận mới của Mỹ đối với Cuba sẽ hỗ trợ xã hội dân sự và các nhà tranh đấu cho nhân quyền » tại Cuba.

Tuy nhiên, một số nhà đối lập vẫn bi quan và đòi phải có những cam kết, bởi vì lãnh đạo Cuba, ông Raul Castro, đã khẳng định sẽ không nhượng bộ trong các vấn đề nội bộ thuộc về chủ quyền quốc gia.

Chính vì thế, theo bà Soler, hiệp hội « Những phụ nữ áo trắng », « Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ phải đưa ra các điều kiện đối với chính phủ Cuba. Nếu họ không đòi hỏi gì cả, thì chính phủ Cuba sẽ tiếp tục làm những điều mà họ muốn. Chúng tôi không chờ đợi gì từ phía chính phủ ».

Đây cũng là quan điểm của ông Elizardo Sanchez, Chủ tịch Ủy ban nhân quyền Cuba, một tổ chức bị đặt ngoài vòng pháp luật nhưng La Habana nhắm mắt làm ngơ. Theo ông, trước mắt, sẽ không có bất kỳ thay đổi nào về « những chủ đề nhân quyền, các quyền dân sự và chính trị ».

Bị chính quyền cấm hoạt động, không được tiếp cận với truyền thông và ít được người dân trên đảo biết đến, giới ly khai Cuba đang cố gắng tồn tại, đặc biệt thông qua internet, trong lúc chính quyền tìm mọi cách hạn chế tiếp cận mạng thông tin toàn cầu.

Từ năm 2013, các nhà đối lập có tên tuổi và các blogger trẻ đã tranh thủ luật di dân mới mềm dẻo hơn, để ra nước ngoài tố cáo chính quyền La Habana, nhưng không ít người lại đi chệch khỏi mục tiêu ban đầu.

Kể từ khi có thông báo bình thường hóa quan hệ song phương, giới ly khai Cuba đang hứng chịu tình cảnh « mưa nắng thất thường » trong cách đối xử của chính quyền La Habana.

Tuần trước, khoảng năm chục nhà ly khai bị bắt giữ trong lúc họ chuẩn bị tham gia một diễn đàn chính trị được tổ chức ở thủ đô Cuba. Vài ngày sau, chính quyền bắt thêm nhiều người được cho là thuộc nhóm 53 tù chính trị mà Washington đòi trả tự do. Tối thứ Sáu, khoảng bốn chục người được thả.

Theo ông Ferrer, lãnh đạo Hiệp hội yêu nước Cuba, sự hỗ trợ về tinh thần là quan trọng, nhưng việc Mỹ gia tăng giúp đỡ về vật chất lại còn quý báu hơn. Ông nói : « Nếu Hoa Kỳ giúp đỡ chúng tôi nhiều hơn về truyền thông, internet, điều này sẽ giúp chúng tôi tập hợp được xã hội dân sự và người dân ».

Còn ông Sanchez, Chủ tịch Ủy ban nhân quyền Cuba, thì bi quan hơn vì có quá ít người dân Cuba tiếp cận với internet và điều này bất lợi cho giới ly khai. Ông hy vọng sẽ có những thay đổi quan trọng, đặc biệt là ở cấp lãnh đạo cao nhất của Cuba.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.