Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Tình hình Trung Đông 2014 và hệ quả cho năm 2015

Đăng ngày:

Liệu 2015 sẽ là tiếp nối của thời cuộc Trung Đông 2014 ? Hơn 3 triệu dân Syria vượt biên tỵ nạn tại các nước láng giềng, hàng trăm ngàn người vượt biển Địa Trung hải sang châu Âu. Nhà nước Hồi giáo với chủ trương tiêu diệt những người không cùng hệ phái và tôn giáo sẽ đưa chiến binh sang tây phương sau khi vùng kiểm soát bị chận đứng tại Trung Đông ? Vụ tàn sát toàn ban biên tập tuần báo Pháp Charlie Hebdo ngày 07/01/2015 gây lo ngại cho cả thế giới.  

Một lễ tuworng niệm nạn nhân cuộc chiến tranh Syria đêm giao thừa bước sang năm 2015, trong khu phố  Salah ad-Din tại Alep, Syria.
Một lễ tuworng niệm nạn nhân cuộc chiến tranh Syria đêm giao thừa bước sang năm 2015, trong khu phố Salah ad-Din tại Alep, Syria. REUTERS/Hosam Katan
Quảng cáo

Một ngày sau vụ tấn công hạ sát hầu như toàn bộ ban biên tập tuần báo trào phúng Charlie Hebdo tại Pháp, báo chí Iran liên kết vụ khủng bố tại Paris với chính sách của Pháp ủng hộ đối lập võ trang tại Syria và tham gia liên minh quốc tế chống Nhà nước Hồi giáo : Thủ đoạn cực đoan của thánh chiến là hệ quả tất yếu của chính sách can thiệp của Pháp tại các nước theo đạo Hồi, từ Mali cho đến Irak.

Báo bảo thủ Reselat cho rằng " nước Pháp nếm mùi cay đắng ủng hộ khủng bố ", ám chỉ đối lập chống chế độ Damas mà Teheran hậu thuẫn. Ngay nhật báo Shargh, được gọi là ôn hòa cũng bình luận : " Vụ vẽ tranh biếm họa tiên tri Mohamed gây làn sóng phản đối trong thế giới Hồi giáo trong hai năm 2005 và 2006 có thể " tạo cớ cho khủng bố ra tay nhân danh đạo Hồi ".

Năm 2014 cũng ghi dấu với hiện tượng hàng trăm ngàn thuyền nhân mà đa số là người Syria vượt biển Địa Trung hải sang châu Âu lánh nạn trong bối cảnh chiến sự khốc liệt tại Syria giữa quân đội chính phủ, phe đối lập võ trang và lực lượng thánh chiến Al Qaida liên minh với Nhà nước Hồi giáo.

Nhận định về tình hình 2014, giám đốc Viện quan hệ quốc tế Iris, Pascal Boniface cho rằng giai đoạn bành trướng của Nhà nước Hồi giáo đã chấm dứt với sự can thiệp ồ ạt của tây phương trên không phối hợp với lực lượng Irak và dân quân Kurdistan trên bộ. Cho dù tổ chức thánh chiến Nhà nước Hồi giáo bị chận đứng ở chiến trường Irak và Syria , họ vẫn tồn tại. Chế độ Damas cũng không thắng được đối lập bằng vũ lực vì đa số dân chúng chống lại Bachar al Assad, nhưng Syria đã kiệt quệ với 200.000 người thiệt mạng và hơn 3 triệu người tỵ nạn say 4 năm chiến tranh.

Tuy nhiên, 2015 sẽ là năm đầy bất trắc vì không ai có thể tiên đoán chuyện gì sẽ xẩy ra tại Syria : lập trường các phe tham chiến hoàn toàn trái ngược nhau không thể hàn gắn, liệu Nga có đủ ảnh hưởng để làm trung gian cho một giải pháp ngoại giao ? Còn Iran liệu có đủ sức hậu thuẫn tài chính cho Damas trong bối cảnh vẫn còn bị cấm vận và dầu hỏa mất giá ? Châu Âu khó tránh được hai hiểm họa : Sẽ phải đối đầu với hiện tượng vượt biển và nạn khủng bố mà thủ phạm là những " con sói đơn độc "  tuân theo lệnh của lãnh đạo Nhà nước Hồi Giáo.

Báo động khủng bố đã được nâng lên cấp tối đa tại Pháp. Nhà báo Nguyễn Văn Huy, ban biên tập báo mạng Thông Luận tại Paris sẽ phân tích trong phần phỏng vấn sau đây.

Thảm trạng thuyền nhân trên Địa Trung Hải năm 2014 ?

Năm 2014, gần 130.000 di dân bất hợp pháp đã đến Châu Âu bằng đường biển, trong đó hơn 108.000 người đã đổ bộ lên đất Ý, gấp đôi năm 2013. Được quyền tị nạn hay không là chuyện khác. Theo Tổ chức di dân quốc tế (OIM), đại đa số di dân bất hợp pháp đến từ Syria, nơi đang xảy ra một các nội chiến đẫm máu nhất và tàn bạo nhất từ năm 2000 trở lại đây, và Erythrée, nơi đang xảy ra một cuộc săn lùng thanh niên để thi hành nghĩa vụ quân sự vô thời hạn. Số còn lại đến từ Mali, Nigeria, Gambia và Somalia. Nói chung, tuyệt đại đa số đến từ Trung Đông và Châu Phi.

Cũng nên biết, phần lớn người vượt biên gốc Syria là những thành phần ưu tú của xã hội (giống như người Việt miền Nam vượt biên sau ngày 30/04/1975), giá trung bình cho mỗi đầu người vượt biên bất hợp pháp từ 4.000 đến 8.000 USD. Trước phong trào tìm đường vượt biên của người Syria trốn chạy nội chiến, những tổ chức đưa người vượt biên bất hợp pháp đã tận dụng mọi mánh khóe để làm tiền những người này. Nhiều chiếc tàu chở hàng phế thải đã được làm mới lại để đưa người vượt biên từ các quốc gia dọc bờ biển Địa Trung Hải, như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Lybia, Algeri và Maroc ra tới hải phận quốc tế rồi để trôi dạt đến bờ biển các quốc gia miền nam Liên Hiệp Châu Âu (Hy Lạp, Ý và Tây Ban Nha). Nhiều tàu đã bị chìm cùng với số người trên tàu.

2014 có lẽ là năm đã xảy ra nhiều vụ đắm tàu gây chết người nhất từ trước đến nay. Theo Tổ chức di dân quốc tế (OIM), trong năm 2014 thi thể của hơn 3.000 di dân bất hợp pháp đã được tìm thấy trên các bờ biển Địa Trung hải thuộc Châu Âu. Đây là số người chết cao nhất từ trước đến nay, tương đương với 75% tổng số người bị chết trên đường tị nạn khắp thế giới (hơn 4.000 người). Phần lớn số người bị chết đến từ Châu Phi và Trung Đông. Trước thảm trạng này, Giáo hoàng Phanxicô đã phải lên tiếng kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu giúp đỡ tích cực hơn.

Biện pháp cứu vớt và giúp đỡ thuyền nhân và người tỵ nạn chiến tranh

Phần lớn người vượt biên bằng đường biển chỉ đến hoặc được cứu vớt trên những lãnh địa của Tây Ban Nha và Ý. Một số đã đến Malta, một quốc gia-hải đảo thuộc Liên Hiệp Châu Âu nhưng sau đó đã được đưa đến đảo Lampedusa của Ý.

Trên nguyên tắc, không quốc gia nào trong Liên Hiệp Châu Âu muốn đón nhận nhiều di dân bất hợp pháp, nhưng một khi được đặt chân lên lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào trong Liên Hiệp, người di dân bất hợp pháp được chăm sóc và đối xử rất nhân đạo. Rất ít trường hợp người di dân bất hợp pháp bị trục xuất về quê quán cũ.

Từ năm 2004, Liên Hiệp Châu Âu thành lập cơ quan FrontEx (Biên giới ngoại vi) để bảo vệ các vùng biên giới và đi vào công tác tháng 10/2005. Tại Địa Trung Hải, ba quốc gia đã được FrontEx yểm trợ là Tây Ban Nha (Hera, 12/2006), Hy Lạp (Rabit, 11/2010-03/2011) và Ý (Triton, từ tháng 11/2014). Tháng 10/2013, chính quyền Ý khởi động chiến dịch quân sự nhân đạo mang tên Mare Nostrum (Vùng Biển của Chúng Ta) để dò tìm và cứu trợ thuyền nhân vượt biên.

Vì luật pháp Liên Hiệp Châu Âu không cho phép quốc gia thành viên trục xuất người nhập cư bất hợp pháp, một số quốc gia thành viên đã tài trợ những quốc gia "trung chuyển" (Ma-rốc, Algerie, Tunisia, Lybya) ngăn chặn và xua đuổi họ về nước. Nhưng từ khi chế độ Khadafi tại Lybia bị sụp đổ năm 2011, phong trào đưa người vượt biên sang Châu Âu phát triển mạnh mẽ trở lại và chưa có biện pháp hữu hiệu nào có thể ngăn chặn.

Các lý do thúc đẩy người dân châu Phi và Trung Đông vượt biển ?

Có nhiều nguyên nhân, nhưng phải chia ra thành nhiều mốc để hiểu rõ hơn.

Trước năm 2011, phong trào vượt biên của người Bắc Phi và Châu Phi bằng đường biển vào Châu Âu rất hạn chế, vì bị các chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ và phạt vạ rất nặng. Số người vượt thoát được không nhiều, chưa tới 20.000 người/năm. Lý do xin tị nạn của phần lớn những di dân bất hợp pháp này là kinh tế và nhân đạo (nghèo đói, bệnh tật, chủng tộc).

Từ sau năm 2011, năm nổ bùng phong trào Mùa Xuân Ả Rập, số người di dân bất hợp pháp tăng lên đột ngột (gần 69.000 người), sau đó có giảm xuống năm 2012 (22.500 người), rồi tăng lên năm 2013 (60.000 người) và nổ bùng năm 2014 với 130.000 người. Lý do xin tị nạn của những di dân bất hợp pháp hoàn toàn vì chính trị : đại đa số là nạn nhân của độc tài, chiến tranh, phân biệt đối xử tôn giáo và chủng tộc, v.v.

Riêng tại Syria, xung đột giữa chính quyền Bachar al-Assad với phe nổi dậy trên khắp miền Bắc đã làm gần 200.000 người thiệt mạng. Nguyên nhân chính là tôn giáo, độc tài và dân chủ chỉ là phụ.

Chế độ của Tổng thống Bachar al-Assad đã dùng nhóm Hồi giáo thiểu số Alaouite (thuộc giáo phái Shia) để thống trị người Hồi giáo Sunni đa số. Mỗi phe Sunni tự tổ chức thành những nhóm vũ trang chiến đấu chống lại al-Assad. Mạnh nhất và hung bạo nhất là những nhóm vũ trang thuộc tổ chức khủng bố al-Qaeda, như al-Nusra, al-Sham, al-Islam… và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS hay Daesh). Bên cạnh đó là những nhóm Hồi giáo địa phương của người Kurd tại Syria, Turkey và Iraq.

Sự hung bạo của những tổ chức khủng bố Hồi giáo đã vượt khỏi mọi chịu đựng, tất cả những người chống đối và bất đồng ý kiến đều bị hành quyết một cách dã man.

Tình hình xung đột hiện nay tại Syria?

Tình hình xung đột hiện nay rất phức tạp. Đây là nồi thuốc súng mà không ai biết làm cách nào để dập tắt hay tìm một lối thoát.

Lúc đầu cả thế giới phương Tây lên án những cuộc trấn áp bằng vũ lực của chính quyền Bachar al-Assad với những người đối lập trong nước. Dư luận tin rằng số phận của al-Assad sẽ giống như Khadafi ở Lybia, nhưng thực tế đã không giãn dị như vậy vì chế độ này được sự giúp đỡ tận tình của Nga và sự ủng hộ của Trung Quốc, mọi nghị quyết trừng phạt tại Liên Hiệp Quốc đều bị Nga và Trung Quốc phủ quyết.

Hiện giờ không ai biết ai thuộc phe nào và liên minh với ai. Đã xảy ra nhiều vụ thanh toán đẫm máu giữa những phe thánh chiến Hồi giáo với nhau.

Quốc gia lo âu nhất hiện nay không phải là Syria hay Iraq mà là Thổ Nhĩ Kỳ và Liban, hai cửa ngõ chuyển người và vũ khí vào Syria cho quân thánh chiến. Bây giờ lãnh đạo của hai quốc gia hỗ trợ thánh chiến chống Bachar al-Assad mới nhận ra ảnh hưởng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) có nguy cơ lan rộng và xâm nhập vào khu vực dân cư nằm sâu trong nội địa. Riêng chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ còn lo sợ những nhóm vũ trang Peshmerga được phương Tây yểm trợ sẽ trở nên thiện chiến và có thể trở thành một đối thủ đáng lo ngại lôi kéo người Kurd chống lại Ankara.

Các quốc gia phương Tây lại càng bối rối hơn vì không biết phải liên lạc với ai để thành lập một lực lượng chống chế độ độc tài Bachar al-Assad. Cách mà mọi cường quốc phương Tây và các quốc gia ả rập tham gia liên minh chống al-Assad là tấn công quân thánh chiến IS bằng không quân, giúp Baghdad xây dựng một lực lượng quân đội thiện chiến hơn và yểm trợ quân Peshmerga tấn công trên bộ tại Syria.

Giới phân tích dự đoán tình hình năm 2015 như thế nào? Vì sao các chuyên gia không dám phiêu lưu xác quyết ?

Với những gì đang xảy ra tại Syria hiện nay, cuộc chiến chống chế độ độc tài Bachar al-Assad và Nhà nước Hồi giáo sẽ vẫn tiếp tục và không ai có thể tiên đoán khi nào chế độ al-Assad sẽ sụp đổ và chừng nào tổ chức IS bị tiêu diệt.

Tuy nhiên cả chính quyền Damas của Bachiar al-Assad và tổ chức IS (Daesh) sẽ bị suy yếu rất nhiều vì thiếu tiền do giá dầu thô sụt giảm. Dầu thô là nguồn lợi duy nhất để điều hành guồng máy tổ chức và mua thêm vũ khí mới.

Cả hai tổ chức cực đoan này cũng sẽ gặp thêm một khó khăn khác là việc tuyển dụng tân binh bổ sung quân đội hay tham gia thánh chiến, vì số người đào thoát khỏi Syria ngày càng đông và những ngõ ra vào Syria tại Lenbannon và Turkey bị kiểm soát chặc chẽ.

Riêng Damascus, chính quyền của Tổng thống Putin đang gặp khó khăn nên sự nồng nhiệt với chính quyền Bachir al-Assad cũng sẽ giảm theo thời gian. Có thể trong những ngày sắp tới, Matxcơva sẽ đề nghị một hội nghị bàn tròn giữa những phe tranh chấp để ra một giải pháp, dưới sự điều động của Liên Hiệp Quốc.

Về phong trào thuyền nhân, số người trốn chạy khỏi Syria sẽ tiếp tục gia tăng nhưng vấn đề là không quốc gia nào muốn tiếp nhận thêm người tị nạn. Chính quyền Lebannon vừa ra lệnh kiểm soát người Syria nhập cư bằng chiếu khán (visa). Chính quyền Turkey tuyên bố sẽ hạn chế người Syria tị nạn qua biên giới vì… thiếu tiền. Trong khi Liên Hiệp Châu Âu, qua Ý và Tây Ban Nha, tăng cường tàu tuần tra để ngăn chặn những tàu chở người vượt biên và giúp quay về bến cũ.

Thảm trạng thuyền nhân trên Địa Trung Hải sẽ tiếp tục trong năm 2015.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.