Vào nội dung chính
UKRAINA - NGA - LIÊN HIỆP CHÂU ÂU

Thủ tướng Ukraina lo ngại việc giảm nhẹ trừng phạt Nga

Thủ tướng Ukraina Arseni Iatseniouk hôm nay 08/01/2015 gặp gỡ Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Berlin, để cố gắng thuyết phục duy trì áp lực kinh tế lên Nga, trong lúc chỉ còn một tuần nữa sẽ diễn ra cuộc thương lượng hòa bình quan trọng cho miền đông Ukraina.

Thủ tướng Ukraina Arseny Yatseniuk  và đồng nhiệm Đức Angela Merkel tại Berlin trước giờ họp báo ngày 8/1/2015.
Thủ tướng Ukraina Arseny Yatseniuk và đồng nhiệm Đức Angela Merkel tại Berlin trước giờ họp báo ngày 8/1/2015. REUTERS/Hannibal Hanschke
Quảng cáo

Nhiều lãnh đạo châu Âu trong những ngày gần đây đã nêu ra khả năng giảm nhẹ trừng phạt đối với Nga.Trong khi đó, các cuộc thương thảo về tương lai hai vùng ly khai thân Nga Donetsk và Lougansk từ nhiều tháng qua vẫn giẫm chân tại chỗ.

Một cuộc gặp gỡ mới giữa Tổng thống Ukraina Petro Porochenko và Tổng thống Nga Vladimir Putin, dưới sự bảo trợ của hai lãnh đạo Pháp, Đức là ông François Hollande và bà Angela Merkel, dự kiến sẽ được tổ chức tại Astana (Kazakhstan).

Cuộc xung đột ở miền đông Ukraina đã làm cho trên 4.700 người chết kể từ tháng 4/2014, nhưng cuộc thương lượng gần nhất giữa nhóm tiếp xúc (gồm đại diện Ukraina, Nga, OSCE và phe nổi dậy) hôm 24/12/2014 tại Minsk chỉ đạt được việc trao đổi hàng loạt tù binh, chứ chưa tìm ra giải pháp.

Để ra khỏi ngõ cụt, Liên hiệp Châu Âu (EU) dự định xem xét lại các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, được tiến hành sau khi Matxcơva chiếm Crimée tháng 3/2014 và tăng cường thêm sau vụ máy bay MH17 bị bắn rơi. Các biện pháp này sẽ hết hạn trong sáu tháng tới, và những tuần lễ sắp tới Châu Âu sẽ phải bàn bạc xem sẽ hủy bỏ, giảm nhẹ hay tiếp tục trừng phạt.

Tổng thống Pháp François Hollande cho biết ủng hộ việc « dỡ bỏ trừng phạt nếu có những tiến bộ ». Ông Edgars Rinkevics, Ngoại trưởng Latvia, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên EU cũng nói rằng : « Có những dấu hiệu chủ động từ phía Nga nhằm làm việc chặt chẽ hơn với Châu Âu. Nếu tình hình được cải thiện, chúng tôi ủng hộ giảm nhẹ trừng phạt ». Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel cảnh báo các hậu quả không mong muốn, vì « Mục đích trừng phạt không phải là đẩy nước Nga vào tình trạng hỗn loạn kinh tế hay chính trị ».

Cuộc khủng hoảng Ukraina đang đè nặng lên các bên liên quan. Trừng phạt kinh tế của Âu-Mỹ cộng với dầu lửa sụt giá đã khiến Nga lần đầu tiên từ năm năm qua đã bước vào suy thoái, đồng rúp mất đi 1/3 giá trị. Kinh tế Ukraina thì tệ hại nhất kể từ 1945 với tổng sản phẩm nội địa giảm 7,5%, đồng tiền mất giá 50%.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.