Vào nội dung chính
SYRIA - CHÂU ÂU

Người Syria phải trả đến 8.000 đô la để vượt biển sang Châu Âu

Trong đêm qua, 03/01 qua ngày 04/01/2014, con tàu hàng chở 359 người di cư Syria bất hợp pháp đã được đưa về một bến cảng miền nam nước Ý. Tổng cộng trong hai tuần lễ qua, gần 2.000 người di tản Syria bị kẹt trên ba chiếc tàu bị bỏ rơi ngoài khơi nước Ý, đã được quân đội nước này giải cứu. Theo nhiều người kể lại, để được có mặt trên những chuyến tàu vượt biển vào Châu Âu bất hợp pháp, người tỵ nạn đã phải trả hàng nghìn đô la. Cuộc chiến tàn khốc, kéo dài tại Syria biến một nửa dân cư nước này thành dân tỵ nạn.

Người tỵ nạn Syria trên boong tàu Ezadeen, tại bến cảng Corigliano Calabro, Ý, 03/12/2014.
Người tỵ nạn Syria trên boong tàu Ezadeen, tại bến cảng Corigliano Calabro, Ý, 03/12/2014. REUTERS/Antonino Condorelli
Quảng cáo

Trả lời phỏng vấn báo giới, người phụ trách cảnh sát thị trấn Cosenza, Calabra (Ý) cho biết, 359 người di cư trên con tàu Ezadeen, đã phải trả từ 4.000 đến 8.000 đô la cho một chỗ. 

Ngày thứ Tư, 31/12/2014, tàu hàng mang tên Blue Sky M, với gần 800 người nhập cư chủ yếu từ Syria, được hải quân Ý đưa vào bờ, sau khi bị bỏ rơi. Sau khi bị cảnh sát Ý bắt giữ trên bờ cùng ngày, « thuyền trưởng » con tàu nói trên khai báo « các hành khách » buộc phải trả từ 4.500 đến 5.500 đô la một người. Bản thân người này được chủ tàu hứa hẹn sẽ trả 15.000 đô la cho chuyến đi, và cho phép cả gia đình đoàn tụ tại Châu Âu.

Trước đó, theo AFP, rất nhiều người Syria đã phải trả từ 1.000 đến 2.000 đô la để có được chỗ trên một con tàu cũ kỹ sang Châu Âu. Số người nhập cư lậu vào Ý năm 2014 là hơn 160.000, tức trung bình 450 người/ngày, trong đó hơn một nửa là người Syria hay Eritrea, quốc gia đông bắc Châu Phi.

Thảm kịch Syria : Làn sóng di tản lớn nhất từ nhiều thập niên

Xung đột Syria, kéo dài từ tháng 3/2011 đến nay, khiến gần một nửa trên tổng số hơn 22 triệu dân Syria phải rời nhà đi nơi khác, trong đó khoảng 3,2 triệu người tỵ nạn chạy sang các nước láng giềng.

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố tiếp nhận 1,7 triệu người Syria, trong đó đa số hiện đang sống trong những điều kiện tồi tệ. Hơn 1,1 triệu người sơ tán sang Liban. Jordani đón nhận hơn 618.000 người. Ngoài ra còn có Irak, 225.000 và Ai Cập, 137.000.

Những người tỵ nạn phải đối mặt với tình trạng đói khát, bệnh tật và căng thẳng với cộng đồng địa phương, nơi họ tạm cư. 

Theo Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, cho đến nay các nước Liên Hiệp Châu Âu mới chấp nhận khoảng gần một nửa đề nghị trong tổng số 144.632 người Syria xin tỵ nạn, kể từ 2011. Trong số các nước Châu Âu, Thụy Điển và Đức đứng đầu về số lượng người tiếp nhận.

Theo Phủ Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, làn sóng di tản khỏi Syria là « khủng hoảng nhân đạo lớn nhất mà thế giới chưa từng phải đối mặt từ lâu ».

Tháng 3/2011, nội chiến Syria bùng nổ tiếp theo các đàn áp khốc liệt của chính quyền nhắm vào các cuộc biểu tình. Cho đến nay, ít nhất hơn 200.000 người chết vì chiến tranh, theo Đài quan sát nhân quyền Syria. Xung đột đối đầu chính quyền Syria với lực lượng nổi dậy vũ trang đã biến thành một cuộc chiến phức tạp, với sự trỗi dậy của lực lượng thánh chiến Hồi giáo, đặc biệt là tổ chức mang tến « Nhà nước Hồi giáo ». Cuối tháng 9/2014, liên quân quốc tế do Hoa Kỳ dẫn đầu tiến hành không kích các vị trí của lực lượng này tại Syria.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.