Vào nội dung chính
LIÊN HIỆP CHÂU ÂU - NGA

Bruxelles chỉ trích bản án hai anh em nhà dân chủ Nga Navalny

Chiều 30/12, hàng ngàn người dân Nga, bất chấp giá lạnh mùa đông, đã xuống đường biểu tình gần chân tường điện Kremli. 130 người bị câu lưu. Sự kiện luật sư Alexei Navalny, khắc tinh của tổng thống Putin bị kết án tù treo và người em trai bị tù giam làm công luận trong và ngoài nước bất bình.

cảnh sát trấn áp người biểu tình ủng hộ  Alexei Navalny  tại Matxcơva  ngày 30/12/2014.
cảnh sát trấn áp người biểu tình ủng hộ Alexei Navalny tại Matxcơva ngày 30/12/2014. REUTERS/Tatyana Makeyeva
Quảng cáo

Theo AFP, luật sư Alexei Navalny cho biết ông kháng cáo, chống lại bản án kéo dài thời gian quản thúc tại gia, một ngày sau khi ông bị tuyên án ba năm sáu tháng tù treo. Em trai của ông là Oleg bi lãnh án tù giam cùng thời gian.

Ngày hôm qua, nhà đối lập 38 tuổi kêu gọi dân chúng Nga xuống đường « đập tan » chế độ tham nhũng đã bị an ninh tạm giữ nhiều tiếng đồng hồ khi ông trên đường đến địa điểm biểu tình. Theo cảnh sát Nga thì chiều hôm 30/12, hơn 1500 người đã xuống đường theo lời kêu gọi này.

Nhà văn Natalya Gromova, có mặt trong đoàn biểu tình không che dấu bất bình : « Đây là những bản án bất công. Hơn thế nữa, chính quyền bắt em trai của Alexei làm con tin ». Theo AFP, khoảng 130 người bị bắt và cho đến hôm nay vẫn còn 70 người bị câu lưu và có thể ra tòa. Tại thành phố Saint Petersbourg cũng có một cuộc biểu tình phản đối với 600 người tham dự.

Bản án dành cho hai anh em luật sư Navalny đã bị Liên Hiệp Châu Âu lên án là có « mục tiêu chính trị ». Trưởng Ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu, bà Feredica Mogherini, tuy có tiếng thân Putin, đã ra thông cáo cho hay :  " Tòa án đã không đưa ra được chứng cớ để xác định những lời buộc tội. Công chúng và đại diện ngoại giao tây phương không được tham dự quan sát phiên tòa". Người Phát ngôn viên của bà Mogherini kêu gọi chính quyền Nga phải tôn trọng quyền tư pháp độc lập trong một nhà nước thượng tôn pháp luật.

Theo giới phân tích, qua phản ứng này, Bruxelles chứng tỏ với Nga là Liên Hiệp Châu Âu quan tâm từ tình hình địa lý chính trị tại Ukraina cho đến nhân quyền tại nước Nga. Hôm qua, trong thông điệp đón năm mới 2015, thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố trong cuộc khủng hoảng Ukraina,Châu Âu sẽ không để cho Nga « xem thường công pháp quốc tế ». Châu Âu không để cho Nga gây chia rẽ, ngược lại châu Âu sẽ đoàn kết « bảo vệ trật tự hòa bình cũng như những giá trị » của mình.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.