Vào nội dung chính
LIBYA - KHỦNG HOẢNG

Quân đội Libya lần đầu tấn công phe Hồi giáo tại Misrata

Hôm qua, 28/12/2014, theo AFP, lần đầu tiên quân đội Libya tấn công vào các vị trí của lực lượng Hồi giáo tại thành phố Misrata, căn cứ địa của các nhóm vũ trang từng xâm nhập thủ đô Tripoli. Cuộc tấn công hôm nay cũng nhằm ngăn chặn chiến dịch đánh phá cảng dầu Al-Sadra, hiện nằm dưới sự kiểm soát của phe chính phủ.

Quân chính phủ Libya oanh kích các cơ sở do lực lượng Hồi giáo kiểm soát - REUTERS /E.O. Al-Fetori
Quân chính phủ Libya oanh kích các cơ sở do lực lượng Hồi giáo kiểm soát - REUTERS /E.O. Al-Fetori
Quảng cáo

Người phát ngôn quân đội Libya thông báo : Cuộc tấn công vào thành phố lớn thứ ba của Libya, cách Tripoli 200 km về phía đông, nổ ra chỉ vài giờ sau khi các dân quân Hồi giáo xâm chiếm thủ đô. Trả lời AFP, các nhân chứng tại chỗ cho biết các cuộc không kích vào Misrata nhắm vào Học viện không quân gần sân bay, hải cảng và một nhà máy luyện kim, tuy nhiên không có ai thiệt mạng.

Cuộc tấn công hôm nay của quân đội Libya nhằm trả đũa chiến dịch đánh phá của phe Hồi giáo thuộc liên minh Fajr Libya nhắm vào cảng dầu Al-Sedra (miền đông), một trong ba cảng dầu quan trọng nhất Libya. Có đến 7 kho chứa dầu – trên tổng số 19 kho – đã bị cháy do chiến sự. Đây là thông tin từ ông Mohamed El Hedjazi, người phát ngôn quân đội Lybia, trung thành với chính phủ Libya được quốc tế công nhận. Đây là cuộc tấn công đầu tiên nhắm vào thành phố Misrata, kể từ sau cuộc nổi dậy 2011 lật đổ chế độ Kadhafi. Ngoài chiến sự tại cảng dầu nói trên, hai bên còn đụng độ tại Benghazi và Derna (miền đông Libya).

Trước đó, hai cảng dầu Es Sider et Ras Lanouf đã không còn hoạt động nữa, sau khi bị tấn công. Các cuộc tấn công của phe Hồi giáo vũ trang vào các cảng dầu Libya khiến giá dầu trên thế giới hôm nay nhích lên 60 xu, tức 55,33 đô la/một baril WTI.

Tình trạng hai chính quyền ở Libya và nguy cơ khủng bố phát triển tại miền nam

Phái bộ Liên Hiệp Quốc tại Libya lên án các cuộc tấn công nhắm vào các cơ sở dầu mỏ của Libya, và kêu gọi các bên đối địch chấm dứt bạo lực.

Tình hình hỗn loạn tại Libya khiến quốc tế đặc biệt lo ngại nguy cơ miền nam Libya trở thành địa bàn dung dưỡng khủng bố. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian, trong những tháng tới vùng Sahel, phía nam Libya, có nguy cơ « biến thành chảo lửa », nơi lực lượng thánh chiến từ Mali tràn sang hay tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo Daesch thiết lập quan hệ với các nhóm Al-Qaida tại khu vực này. Nhiều lãnh đạo Châu Phi yêu cầu can thiệp quân sự không chậm trễ. 

Kể từ khi chế độ Kadhafi sụp đổ sau cuộc nội chiến kéo dài 8 tháng năm 2011, Libya trở thành đấu trường giữa nhiều thế lực. Hiện tại ở Libya, tồn tại song song hai Quốc hội và hai chính phủ, một gần gũi với phe Hồi giáo (có trụ sở tại Tripoli/miền tây), một được quốc tế công nhận (có trụ sở tại Benghazi/miền đông).

Quốc hội mới được bầu hồi tháng 6/2014, có trụ sở tại Benghazi, nhưng không được Tòa án tối cao công nhận. Ngược lại, Quốc hội này cũng bác bỏ quyết định của Tòa. Trong khi đó, Hội đồng quốc gia CGN, xuất thân từ một Quốc hội cũ do phe Hồi giáo kiểm soát, lại tiếp tục hoạt động với sự thúc đẩy của lực lượng vũ trang Fajr Libya. Quốc hội này đã lập nên một chính phủ song song tại Tripoli.

Theo AFP ngày 23/12, phái bộ Liên Hiệp Quốc tại Libya – đóng vai trò môi giới - dự trù ngày 05/01/2015, các bên xung đột Tripoli sẽ họp lại để tìm giải pháp cho khủng hoảng. Theo đại sứ Tchad, một trong các điểm chủ chốt được bàn thảo là việc thành lập một chính phủ liên hiệp với đại diện của cả hai phe đối địch.

Hoãn phiên tòa xử các cựu lãnh đạo chính quyền Kadhafi

Tại Tripoli, phiên tòa xét xử hơn 35 lãnh đạo của chế độ Kadhafi trước đây, trong đó có con trai Kadhafi Seif al-Islam và lãnh đạo cơ quan tình báo Al-Senoussi, đã được hoãn đến ngày 11/01/2015. Các bị cáo bị cáo buộc tội giết người, bắt cóc, phá hoại, biển thủ công quỹ và chống lại khối đoàn kết quốc gia.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.