Vào nội dung chính
TRUNG MỸ

Hai người phản đối dự án kênh đào Nicaragua thiệt mạng

Hai ngày sau khi Nicaragua chính thức khởi công (ngày 22/12/2014) kênh đào nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương với kinh phí đầu tư 50 tỷ đô la, xung đột đẫm máu giữa cảnh sát và người biểu tình chống dự án kênh đào Nicaragua tại vùng Managua, đã làm hai người thịêt mạng.

Dân Nicaragua biểu tình chống dự án kênh đào tại vùng Managua - © Reuters.
Dân Nicaragua biểu tình chống dự án kênh đào tại vùng Managua - © Reuters.
Quảng cáo

Theo các thành phần chống đối dự án, hai người biểu tình bị nhân viên an ninh Nicaragua sát hại. Cảnh sát lập tức bác bỏ cáo buộc trên. Giám đốc ngành cảnh sát quốc gia Nicaragua Aminta Granera cho biết trong 24 giờ qua đã làm 21 người biểu tình bị thương, 33 người bị câu lưu trong lúc cảnh sát tìm cách giải tán đám đông.

Về phía nhân viên an ninh, cũng có 15 người bị thương. Bà Granera xác định không một ai thiệt mạng trong các vụ xung đột nói trên như tin từ phía người biểu tình đã đưa ra. 

Một trong những nhà tổ chức, Daniel Lorio khẳng định với hãng thông tấn Pháp, cảnh sát Nicaragua đã trấn áp bằng lựu đạn cay và đạn giả. Chính mắt ông Lorio đã trông thấy hai xác người trên vệ đường. Cũng ông Loria giải thích cảnh sát đã thẳng tay can thiệp để trả đũa vụ nông dân và những nhà bảo vệ môi trường chống đối dự án kênh đào Nicaragua đốt một đồn cảnh sát tại Tule. 

Ngày 22/12/2014, Nicaragua vừa chính thức khởi công kênh đào Nicaragua, dài 278 km, nối liền vùng biển Caribê của Đại Tây Dương với Thái Bình Dương. Một tập đoàn Trung Quốc đã trúng thầu dự án có kinh phí lên tới 50 tỷ đô la này, tương đương với 5 lần GDP của Nicaragua. Kênh đào Nicaragua dự trù đi vào hoạt động từ năm 2020. 

Chính quyền của Tổng thống Daniel Ortega coi dự án quy mô nhất ở châu Mỹ La Tinh này là cơ hội để phát triển kinh tế tại quốc gia nghèo thứ nhì ở Trung Mỹ. Thế nhưng, giới nông dân ở những vùng liên quan bất bình vì bị trưng thu đất đai phục vụ cho dự án. 30.000 người có nguy cơ phải di dời chỗ ở. 

Về phía giới bảo vệ môi trường, họ coi dự án khổng lồ nói trên là một thảm họa đối với thiên nhiên. Công trình xây dựng kéo dài trong 5 năm, điểm khởi đầu được quy định tại cửa sông Brito ở phía nam Thái Bình Dương.

Con kênh sẽ xuyên ngang hồ Cocibolca, hồ chứa nước ngọt lớn nhất của Trung Mỹ, trước khi hướng tới cửa sông Pinta Gorda ở vùng biển Caribê.

Rủi ro hồ nước ngọt này bị nhiễm mặn là dân cư trong vùng lo ngại. Với chiều sâu 30 mét, kênh đào Nicaragua sẽ cho phép các tàu lớn có trọng lượng tới 400.000 tấn đi qua.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.