Vào nội dung chính
CUBA - XÃ HỘi

Cuba : Những hy vọng đổi đời

Dịp Noel năm nay đối với rất nhiều người dân Cuba có một ý nghĩa lịch sử vô cùng đặc biệt, sau hòa giải bất ngờ giữa Washington và La Habana, cho phép chấm dứt hơn nửa thế kỷ cấm vận. Báo La Croix số kép dịp Noel, ngày 24-25 tháng 12/2014, có bài phóng sự « Người Cuba hy vọng một tương lai tốt hơn », truyền đến độc giả các cảm xúc và dự toán của một số người Cuba sau biến cố 17/12.

Noel 2014 : Một tin vui lớn đối với người dân Cuba. Mỹ chấm dứt nửa thế kỷ cấm vận - Reuters
Noel 2014 : Một tin vui lớn đối với người dân Cuba. Mỹ chấm dứt nửa thế kỷ cấm vận - Reuters
Quảng cáo

Leonardo, một chủ công ty môi giới bất động sản vô cùng phấn chấn với tin mừng này kể từ một tuần nay. Ông hy vọng quan hệ được tái lập với Hoa Kỳ sẽ cho phép bán được nhà cho các công dân Mỹ, cho dù trong hiện tại cấm vận chưa hoàn toàn được dỡ bỏ và không có gì cho thấy người Mỹ có quyền mua nhà tại Cuba. Người Cuba chỉ mới được phép buôn bán nhà cửa từ năm 2011. 

Đối với Franck, một sinh viên tin học vừa ra trường, tương lai kinh tế Cuba chắc chắn sẽ cải thiện. Anh hy vọng mở một nhà hàng riêng, một dự định cho đến nay chỉ có rất ít người Cuba dám nghĩ đến. Mở một cửa hàng chăm sóc sắc đẹp hay làm đầu cũng là ước mơ mới của Judi, 24 tuổi, hiện đang làm thợ sửa móng tay. Judi cũng tin nếu tình hình cải thiện, thậm chí cô còn có cơ hội sang Mỹ. 

Cha Pablo, phụ trách một nhà thờ nhỏ ở vùng lân cận thủ đô La Habana thì nhận xét : « Nhờ Chúa và Giáo hoàng Phanxicô – người có vai trò lớn trong sự tái hòa giải -, người dân Cuba kể từ nay có nhiều cơ sở để hy vọng ». 

Bài phóng sự kết thúc với những suy nghĩ của Celia, một phụ nữ lớn tuổi, có bằng tiến sĩ, và có người cha chủ đồn điền cafe, từng ủng hộ lực lượng « cách mạng ». Celia – người cũng ủng hộ cuộc cách mạng tại Cuba trong quá khứ (vì trước đó có quá nhiều người thất học và đói khổ) – dè dặt trước khả năng thay đổi ngay trước mắt, sau khi quan hệ với Hoa Kỳ được bình thường hóa. Tuy nhiên, bà cũng cho rằng nếu như nhà cách mạng Che Guevara có sống lại, ông cũng sẽ ủng hộ việc khép lại một trang sử đã qua. 

Trả lời câu hỏi của La Croix về việc liệu tính chính đáng của chế độ hiện hành, với các đàn áp nhắm vào những người chống lại chế độc đảng còn được duy trì, sau khi kẻ thù không còn nữa ? Celia cho biết, việc chấm dứt cấm vận sẽ là thời khắc của sự thật. Bà nói : « Ở đây, chế độ (cộng sản) quy cho Hoa Kỳ là nguyên nhân mọi đau khổ của chúng tôi. Nhưng một khi cấm vận được dỡ bỏ, chúng ta sẽ thấy mỗi bên phải chịu trách nhiệm như thế nào về phần mình ». 

Đối thoại liên tôn giáo : Cốt lõi của thông điệp Giáng sinh 

« Hướng về Cận Đông » là hàng tựa bài xã luận của La Croix ra vào dịp Noel. Tờ báo Công giáo giới thiệu lá thư của Giáo hoàng Phanxicô gửi « cộng đồng Thiên chúa giáo Phương Đông » đã trải qua nhiều khổ nạn và tình hình tiếp tục trở nên tồi tệ đi trong những tháng gần đây với những hành động tàn bạo, vô nhân tính « không thể nào tưởng tượng nổi » của lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo. 

Người đứng đầu đạo Công giáo kêu gọi ki tô hữu thuộc tất cả các nhóm phái « không tuyệt vọng và giữ vững đức tin qua các thử thách ». Ông nhấn mạnh đến trách nhiệm lớn lao của cộng đồng Thiên chúa giáo Phương Đông, là thiểu số trong thế giới Hồi giáo, được ví « giống như chất men nở làm nên bột bánh ». Điều đặc biệt quan trọng mà những người Thiên chúa giáo có thể làm được là cổ vũ các đối thoại liên tôn giáo, « phương tiện tốt nhất để chế ngự xu thế cuồng tín tôn giáo, mối đe dọa đối với tín đồ của mọi tôn giáo ». Xã luận La Croix kết luận, tinh thần đối thoại giữa các tôn giáo này chính là « cốt lõi của thông điệp về ngày Thiên chúa giáng sinh ». 

Homs : Hai nửa trái ngược của một thành phố nội chiến 

Liên quan đến Syria, nơi nhiều khu vực vẫn chìm trong nội chiến, báo Le Monde có một phóng sự ảnh, ngắn nhưng mang lại những thông tin bất ngờ về cuộc sống tại Homs, đô thị từng được gọi là « thành trì » của phong trào nổi dậy. Phóng sự - mang tựa đề « Homs, quà tặng của Assad » - cho thấy một gương mặt khác của cuộc nội chiến Syria. 

Kể từ khi rơi vào chiến tranh, Homs – thành phố lớn thứ ba của Syria – được chia thành hai nửa đối lập. Khu vực của người Hồi giáo Sunni rơi vào hoang tàn, trong khi đó các khu phố của người Hồi giáo theo hệ phái Alaouit và người Thiên chúa giáo vẫn hoạt động gần như bình thường. Chỉ cần bước qua một con phố là người ta có thể bước từ một thế giới này sang thế giới khác : một bên gần như không còn dấu vết của cuộc sống, còn bên kia, học sinh vẫn đi học, các cửa hiệu vẫn mở, thậm chí những nhà hàng sang trọng vẫn đón khách. 

Trung Quốc : Học sinh nhiều nơi bị cấm tổ chức Noel 

Cũng về ngày Noel nhưng tại Trung Quốc, báo Le Figaro bản điện tử có bài « Trung Quốc : Noel bị cấm vì quá ‘‘Phương Tây'’ ». Le Figaro đưa ra một số ví dụ tại các trường phổ thông và đại học. 

Theo tờ báo Trung Quốc Global Times, tại thành phố Ôn Châu (Wenzhou) tỉnh Chiết Giang, sở giáo dục địa phương cấm mọi hoạt động « liên quan đến Noel » tại các trường học. Lý do được đưa ra là, chính quyền muốn học sinh chú ý đến các lễ hội theo truyền thống Trung Quốc, hơn là hướng về các lễ hội Phương Tây. Quyết định này không phải ngẫu nhiên, vì Ôn Châu đôi khi được mệnh danh là « Jerusalem Phương Đông », nổi tiếng với một cộng đồng Thiên chúa giáo hơn một triệu tín đồ. 

Đại học Tây An (Xi’an), tỉnh Thiểm Tây (miền tây bắc Trung Quốc) cũng cấm tổ chức Noel tại khuôn viên của trường. Ngược lại, sinh viên buộc phải xem các bộ phim tuyên truyền về văn hóa đạo Khổng. Thông tin nói trên được nhiều báo Trung Quốc đăng tải. 

Kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh nhờ tiêu thụ 

Kinh tế Hoa Kỳ với tỷ lệ tăng trưởng cao là chủ đề chú ý của nhật báo Les Echos. « Tiêu thụ khiến tăng trưởng Mỹ ở mức kỷ lục ». Bài viết ghi nhận mức tăng GDP 5% trong quý 3 so với cùng kỳ năm ngoái của Hoa Kỳ - theo ước tính của Bộ Thương mại - là cao nhất kể từ 2003. Lý do chính được Les Echos đưa ra để giải thích là người Mỹ tiêu nhiều cho sức khỏe, giải trí và các dịch vụ tài chính, bên cạnh đó, giá xăng lại hạ thấp nhất kể từ năm 2009.

Quỹ Tiền tệ quốc tế dự đoán giá dầu hạ sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 0,3% đến 0,7% trong năm tới. Bài viết về cùng chủ đề trên Le Monde cũng tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ giảm xuống còn 5,8% tháng 11, với hơn 300 nghìn việc làm mới được tạo ra, nhưng cũng lưu ý, dù có nhiều thuận lợi, nhưng mức tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ sẽ giảm trong quý 4, với tỷ lệ khoảng 2,3% (theo Ngân hàng Mỹ), sau hai tháng tăng đột biến. 

Khủng hoảng Nga đe dọa các nước đang trỗi dậy 

Trái ngược với Hoa Kỳ, kinh tế Nga đang rơi khủng hoảng, và điều này có thể mang lại những ảnh hưởng dây chuyền. « Tại sao khủng hoảng Nga đe dọa các nước đang nổi lên » là phần nhận định trên Les Echos của chuyên gia kinh tế Laurence Daziano. Nhà nghiên cứu Pháp so sánh khủng hoảng của đồng rúp Nga hiện nay với các hệ quả tương tự như đồng peso Mêhicô năm 1994. 

Ba nguồn gốc của khủng hoảng được giới chuyên gia nói đến nhiều là các trừng phạt của Phương Tây do Matxcơva can thiệp vào Ukraina, giá dầu sụt giảm và lương bổng công nhân viên gia tăng tại các quốc gia khối BRICS.

Điều mà chuyên gia Pháp nhấn mạnh là khủng hoảng tiền tệ của Nga có thể ảnh hưởng tiêu cực tới các nước đang nổi lên, đặc biệt qua hai con đường : thứ nhất là sự sụt giá của đồng tiền quốc gia tại các nước này, nhất là Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia và Mêhicô, và thứ hai là khu vực kinh tế tư nhân tại phần lớn các nước đang trỗi dậy sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc trả nợ, do tín dụng tăng trưởng nhanh hơn GDP.

Theo tác giả, nguy cơ khủng hoảng dây chuyền hiện nay là ít hơn so với năm 1994 hay 1998, do các nền kinh tế nói trên đã trở nên đa dạng hóa hơn và dự trữ ngoại tệ cũng lớn hơn. Dù sao nguy cơ này cũng buộc Châu Âu phải nhanh chóng tìm ra một thỏa thuận chính trị với Putin, cho phép thoát khỏi khủng hoảng. 

Các đảng cực tả đang lên khiến Bruxelles lo ngại 

Về Châu Âu, báo Le Monde chú ý đến sự nổi lên mạnh mẽ của các đảng phái cực tả, với hồ sơ trên trang nhất « Hy Lạp, Tây Ban Nha : sự trỗi dậy của cánh tả làm Châu Âu hoảng sợ ». Các đảng Syzia (Hy Lạp) và Podemos (Tây Ban Nha) đang nhận được nhiều sự ủng hộ của cử tri nhất. Le Monde dự đoán thắng lợi của các đảng này trong kỳ bầu cử Quốc hội năm tới sẽ là gây ra một « cơn địa chấn chính trị ». 

Le Monde có hồ sơ mô tả cặn kẽ về đảng cực tả Tây Ban Nha với tựa đề « Làn sóng Podemos ». Podemos (có nghĩa là « Chúng ta có thể »), bắt nguồn từ phong trào « Những người phẫn nộ » (indignados), chỉ mới xuất hiện đầu năm 2014. Trong cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu, đảng Podemos đã giành chiến thắng bất ngờ, giành được 5 ghế dân biểu với 1,2 triệu phiếu. Theo một số điều tra dư luận, có tới hơn 24% cử tri Tây Ban Nha lựa chọn ủng hộ đảng, bao gồm cả các cử tri cánh hữu. Hiện tượng Podemos cho thấy sự kiệt sức về ý thức hệ của các đảng phái truyền thống, tả cũng như hữu. 

Một trong những điều khiến Podemos thu được nhiều ảnh hưởng là do nhà lãnh đạo Pablo Iglesias, 36 tuổi, cựu giáo viên khoa học chính trị. Thành công của Pablo Iglesias một phần quan trọng xuất phát từ một chương trình giao lưu với công chúng hàng tuần trên mạng, được ông duy trì đều đặn từ 5 năm nay. Hỗ trợ Pablo Iglesias còn có nhiều đồng nghiệp khoa chính trị học, đại học Complutense. 

Chống khủng bố EI không chỉ trên chiến trường 

Trở lại nước Pháp, trong bối cảnh ba vụ « tấn công » xảy ra dồn dập trong những ngày trước Noel, xã luận Le Monde - mang tựa đề « Đừng nhường chỗ cho sự bối rối » - lưu ý các biến cố nói trên gây lo ngại, đó là chuyện bình thường, nhưng việc lẫn lộn giữa những kẻ Hồi giáo cực đoan với tín đồ Hồi giáo, giữa kẻ khủng bố và người tâm thần lại là điều cần chú ý.

Le Monde đặt câu hỏi liệu có thể coi người kêu vang « Thượng đế vĩ đại » là kẻ khủng bố, khi anh ta từng là bệnh nhân tâm thần từ 15 năm nay ? Trong trường hợp vụ tấn công ở Joué-lès-Tours, thủ phạm cũng « hành động có vẻ ngẫu nhiên », chứ không phải sau khi lên kế hoạch một cách kỹ càng ... Dù không phủ nhận nguy cơ khủng bố hiện nay ở Pháp là thực tế, chắc chắn cao chưa từng thấy, nhưng vấn đề chủ yếu là không để sợ hãi chi phối, sợ người lạ và co mình lại. 

Theo Le Monde, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo không chỉ diễn ra trên chiến trường, mà cả trong lĩnh vực đời sống thường nhật và các giá trị tinh thần. Bài xã luận nhấn mạnh, xã hội Pháp cần phải trả lời những thách thức đặt ra trong việc hỗ trợ hàng nghìn người trẻ tuổi hội nhập, thách thức đặt ra đối với các giá trị dân chủ, thế tục, đa nguyên rộng mở, vốn « là nền tảng của xã hội chúng ta ». 

Nước Pháp : Làm cách nào nhìn được nửa đầy của ly nước ?  

Cũng trên phương diện đời sống tinh thần nhưng nhìn rộng hơn, Libération có bài phân tích « Những định kiến của một nước Pháp khoái đau (maso) », cụ thể như việc nhiều người Pháp tự coi mình là người thua thiệt, tự coi là nạn nhân của một quá trình toàn cầu hóa gây lo ngại. Câu hỏi Libération đặt ra là « liệu chúng ta có học được cách nhìn thấy nửa đầy của một ly nước ? ». 

Libération nhắc lại « thái độ siêu lạc quan của Tổng thống Hollande trong một đất nước hết sức chán chường ». Những hứa hẹn dễ dãi, nhưng không kèm theo kết quả thực tế là điều khiến ông Hollande mất uy tín nghiêm trọng và đã buộc phải thay đổi định hướng. 

Đây cũng là tinh thần chính mà Libération muốn thể hiện qua số báo kép đặc biệt – với phông màu hồng - dành cho dịp Noel. Trước hết, tờ báo cánh tả muốn soi tỏ « những quan niệm nuôi dưỡng các suy nghĩ đen tối trong đầu người Pháp », đồng thời cũng chỉ ra những sáng kiến đã được kiến tạo tại Pháp và trên thế giới, nhằm xây dựng một thái độ lạc quan thông qua hành động.

Một loạt định kiến được Libération điểm mặt như « nước Pháp đang suy thoái », « chúng ta sợ toàn cầu hóa », « chúng ta không ưa các láng giềng », « giới tinh hoa của chúng ta đang sống trong một thế giới khác với người thường », « giai tầng trung lưu không còn tồn tại nữa », « Pháp đã mất Nhà nước » hay « quá khứ tốt đẹp hơn hiện tại »… 

Trong bài trả lời phỏng vấn dành cho Libération dịp này, nhà triết học và phân tâm Pháp Cynthia Fleury nhận xét « Có một niềm ái kỷ bị tổn thương trong chủ nghĩa bi quan của người Pháp ». Cũng trên Libération có bài điểm lại « 24 lý do khiến không nên vứt năm 2014 vào sọt rác ».

« Exodus » : Bộ phim tốn kém về Kinh Cựu ước bị chế giễu

Exodus (Thiên di), bộ phim hoành tráng hơn 100 triệu đô la của đạo diễn Anh Ridley Scott, về cuộc di cư vĩ đại của người Do Thái thoát khỏi gông cùm của đế chế Ai Cập thời cổ đại, vừa ra mắt tại Pháp. Nhân dịp này, tờ Libération có bài bình luận : « ‘Thiên di’, phim cổ đại thập cẩm », chế giễu hết lời cách làm phim pha lẫn những cảnh quay thô thiển và những thủ pháp quen thuộc của điện ảnh chiến tranh.

Theo Libération, người xem có thể dễ dàng thiếp đi nhiều lần trong khi xem bộ phim dài 2 giờ 30 phút này, mà vẫn biết câu chuyện quen thuộc (đối với những ai biết rõ văn hóa Thánh Kinh) diễn ra như thế nào. Christian Bale – trong vai nhà tiên tri Moise – thể hiện « không phải như một bậc thượng phụ hay một nhà tư tưởng, mà như một thủ lĩnh chiến tranh đầy cơ bắp và bốc lửa ». Theo Libération, đạo diễn của « Võ sĩ giác đấu » đã không mang lại gì mới mẻ cho điện ảnh về lịch sử theo Kinh Thánh và « bộ phim Exodus là tiêu biểu cho sự bất lực của Holywood trong việc thoát khỏi cái bóng của huyền thoại Cựu ước », « Ridley Scott đã (chỉ) thành công trong việc giúp cho hàng triệu khán giả phát hiện ra một thứ điện ảnh ngây ngô ».

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.