Vào nội dung chính
CÔNG GIÁO

Giáo hoàng và điệu tango của thời đại

Ngày 17/12/2014 vừa qua, hàng trăm người đã kéo đến quảng trường Thánh Phêrô ở Roma để nhảy tango trong tiếng đàn bandoneon, theo lời mời trên các mạng xã hội, để mừng sinh nhật 78 tuổi của Đức Giáo hoàng Phanxicô, người gốc Achentina.

Giáo hoàng Phanxicô gặp gỡ gia đình các nhân viên Tòa Thánh nhân dịp Noel, Vatican, 22/12/2014.
Giáo hoàng Phanxicô gặp gỡ gia đình các nhân viên Tòa Thánh nhân dịp Noel, Vatican, 22/12/2014. REUTERS/Osservatore Romano
Quảng cáo

Một vũ công đến Roma cùng với bạn nhảy cho biết anh không phải là một tín đồ, nhưng muốn đến đây nhảy tango để tôn vinh Giáo hoàng « vì những gì Ngài đã làm, vì những thay đổi mà Ngài đang thúc đẩy ».

Bản thân Giáo hoàng Phanxicô cũng rất thích thú khi thấy vũ điệu xuất xứ từ quê hương của Ngài hiện diện trên quảng trường Thánh Phêrô. Giáo hoàng còn mời gọi những người nhảy tango « hãy thổi vào nơi này một ít làn gió pampa ( vùng đồng bằng ở Achentina ) ».

Nhưng trong khi Giáo hoàng Phanxicô tỏ vẻ thoải mái như thế, thì Vatican trước đó đã vội thanh minh rằng buổi nhảy tango mừng sinh nhật Ngài không phải là do sáng kiến của Tòa Thánh.

Có thể xem chi tiết nói trên phản ánh sự đối chọi giữa một vị Giáo hoàng có đầu óc cách tân, cởi mở với một định chế tôn giáo ngày càng bị xem là sơ cứng, lỗi thời.

Ngày 22/12 vừa qua, khi tiếp các các vị lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh, trong đó có các hồng y và giám mục, đến chúc mừng Ngài nhân lễ Giáng sinh, Đức Giáo hoàng Phanxicô, tuy không nêu đích danh ai, đã thẳng thừng nêu lên tổng cộng 15 « căn bệnh » đang đe dọa sự tồn vong Giáo triều Roma, đó là « Alzheimer về tinh thần », « sơ cứng về đầu óc », « bộ mặt đưa đám », « hủ hóa », « ganh đua và háo danh »...

Trong bài diễn từ hôm đó, vị Giáo hoàng gốc Achentina đã đặc biệt lên án những người « sống hai mặt », tạo cho mình một thế giới song song, trong đó họ « gạt sang một bên tất cả những gì họ nghiêm khắc dạy người khác, và sống một cuộc sống lén lút và thường là trụy lạc ».

Trong một bầu không khí im lặng nặng nề, Ngài đã kêu gọi các hồng y, giám mục, linh mục phải ý thức về những căn bệnh đó để có thể tự chữa trị. Giáo hoàng cũng kêu gọi các vị lãnh đạo Giáo hội phải « luôn cải tiến và tăng trưởng trong tình hiệp thông, thánh thiện và khôn ngoan để chu toàn sứ mạng.»

Bài diễn từ nói trên một lần nữa phản ánh thái độ kiên quyết của Giáo hoàng Phanxicô làm trong sạch guồng máy lãnh đạo Vatican, cho dù điều này sẽ làm tăng thêm căng thẳng trong nội bộ Tòa Thánh.

Kể từ khi nhậm chức vào tháng 03/2013, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã cực lực chỉ trích những hành vi phô trương, hám danh, thậm chí trụy lạc trong Giáo triều Roma, nhưng chưa bao giờ Ngài dùng những từ ngữ nặng nề như thế.

Thật ra thì theo một nhà Vatican học Andrea Tornielli, được hãng tin AFP trích dẫn, cũng cần phải hiểu bài diễn từ nói trên trong một viễn cảnh thuần túy Phúc âm, vì Giáo hoàng không phải chỉ nhắm đến các hồng y, giám mục hay linh mục mà muốn mời gọi tất cả mọi người, kể cả chính bản thân Ngài, nên tự cải hóa.

Một điều thú vị : một trong những lời khuyên mà Giáo hoàng Phanxicô đưa ra trong bài diễn từ ngày 22/12 đó là nên có tinh thần hài hước. Để làm dịu bầu không khí hôm đó, bản thân Ngài đã nói đùa : « Các linh mục cũng giống như máy bay. Báo chí chỉ nói nhiều khi có máy bay bị rơi, trong khi có biết bao máy bay khác bay bình thường. »

Cũng cần phải thấy là tuy có đầu óc thông thoáng hơn, từ khi lên lãnh đạo Giáo hội đến nay, Đức Giáo hoàng Phanxicô vẫn không hề thay đổi quan điểm về các vấn đề xã hội, đạo đức, nhưng Ngài có vẻ đặt trọng tâm nhiều hơn vào người nghèo và công bằng xã hội. Có nghĩa là Ngài dấn thân nhiều hơn cho những người thấp cổ bé miệng, cho hòa bình thế giới, hòa nhịp vào xã hội hiện nay, để cố đưa Giáo hội theo kịp với thời đại. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.