Vào nội dung chính
HOA KỲ

Thượng viện Mỹ vạch trần phương thức tra tấn tàn bạo của CIA

Hôm qua, 09/12/2014, Ủy ban tình báo Thượng viện Hoa Kỳ công bố bản báo cáo rất được trông đợi về các hành động tra tấn của Cơ quan tình báo CIA dưới thời chính quyền Bush, sau vụ khủng bố 11/09. Hơn 500 trang tài liệu đã trình ra công chúng bất chấp các áp lực từ phía CIA.

Cơ quan CIA đã cố ngăn cản việc Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ công bố bản báo cáo - REUTERS /Larry Downing
Cơ quan CIA đã cố ngăn cản việc Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ công bố bản báo cáo - REUTERS /Larry Downing
Quảng cáo

Trong hơn một giờ đồng hồ, trước Thượng viện Mỹ, nữ thượng nghị sĩ Dianna Feinstein, Chủ tịch Ủy ban tình báo, đã trình bày các kết luận chính của bản báo cáo. Bà phát biểu : « Các hành động của CIA, hơn mười năm trước, là một nỗi ô nhục làm vấy bẩn các giá trị của chúng ta và lịch sử chúng ta. Việc phổ biến bản tài liệu 500 trang này không thể xóa được điều đó, nhưng việc này cho nhân dân chúng ta và thế giới thấy rằng Hoa Kỳ đã khá trưởng thành để thừa nhận cái gì là ác, và đủ tự tin để học hỏi từ những sai lầm của chính mình ».

Thượng nghị sĩ Dianna Feinstein – đại biểu của California từ 22 năm nay - đã làm việc ngoan cường, bất chấp áp lực, thậm chí đe dọa, để bản báo cáo được công bố. Bên cạnh các tra tấn tàn bạo của CIA, bản báo cáo còn vạch rõ những thủ đoạn mà Cơ quan tình báo Mỹ đã làm để che giấu và bóp méo thông tin.

Chủ tịch Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ nhiều lần nhấn mạnh rằng báo cáo sở dĩ thành công là nhờ sự hậu thuẫn của nhiều cơ quan chính quyền, đặc biệt là từ phía Nhà Trắng. Phát biểu ngay sau Chủ tịch Ủy ban tình báo, thượng nghị sĩ John McCain - vừa với tư cách là nghị sĩ, vừa với tư cách cựu tù nhân chiến tranh, từng bị tra tấn trong nhà tù tại Việt Nam – khẳng định tra tấn các tù nhân « mang lại các thông tin sai nhiều hơn là thông tin đúng ». Ông John McMcain là người có quan điểm trái ngược với đa số nghị sĩ cùng đảng Cộng hòa trong chủ đề này. Báo cáo của Thượng viện cũng kết luận tra tấn không có hiệu quả trong « cuộc chiến chống khủng bố ».

Theo Reed Brody, nhà tư vấn về tư pháp của tổ chức nhân quyền Human Right Watch, cho rằng dù Tổng thống Obama quyết định chấm dứt việc sử dụng tra tấn (khi ông lên nắm quyền – ndr), nhưng đối với ông, việc sử dụng tra tấn « chỉ là một lựa chọn đáng tiếc về chính trị, chứ không phải một tội ác ».

Chuyên gia của HRW đề nghị « hành pháp (Mỹ) dựa trên bản báo cáo để điều tra và truy tố các giới chức cao cấp trong chính quyền Bush trước đây, có trách nhiệm trong chuyện này ». Reed Brody khẳng định, nếu chính quyền Mỹ không tự làm việc này, sẽ có các nước khác. Ông khuyến nghị « cần làm sao để các nạn nhân có thể kiện lên các tòa án, có thể là Pháp hay Tây Ban Nha, nơi đã có một số cuộc điều tra về các tội ác tại Guantanamo, Abou Ghraib hay nơi khác ».

Từ Washington DC, nhà báo Phạm Trần cho biết cụ thể các nội dung chính của báo cáo và phản ứng trong xã hội Mỹ.

11:39

Nhà báo Phạm Trần (Washington)

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.