Vào nội dung chính
KHÍ HẬU

Hội nghị khí hậu tại Peru : Các tổ chức phi chính phủ bất bình

Hội nghị của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (từ ngày 01/12 đến ngày 12/12/2014), gọi tắt là COP 20) đang diễn ra tại Peru. Kết thúc tuần làm việc thứ nhất, nhiều tổ chức phi chính phủ, có mặt tại chỗ để quan sát, đã đưa ra nhiều chỉ trích lên án sự chậm trễ trong các đàm phán.

Ảnh một số ngiười tham Hội nghị COP 20 và tổ chức thanh niên Youngo biểu tình đòi phải  giảm sử dụng  nhiên liệu  hóa thạch, ngày 04/12/2014 tại Lima.
Ảnh một số ngiười tham Hội nghị COP 20 và tổ chức thanh niên Youngo biểu tình đòi phải giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, ngày 04/12/2014 tại Lima. Reuters
Quảng cáo

Người phát ngôn của tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới WWF, Tasneem Essop, than phiền : « Kể từ đầu tuần đến nay, có nhiều bước khởi đầu không phù hợp, đặc biệt những tranh cãi về thủ tục… Các nhà thương thuyết vẫn không hiểu được là các thương lượng hiện nay mang tính khẩn cấp đối với toàn nhân loại ».

Một đại diện của mạng lưới các tổ chức phi chính phủ khu vực các nước đang phát triển, Third world network, Meena Raman, nhấn mạnh nguyện vọng của các nước thế giới thứ ba là vấn đề thích nghi với biến đổi khí hậu cần phải được bao hàm trong thỏa thuận dự kiến sẽ được thông qua tại Paris cuối năm tới. Cho đến nay, theo đại diện của Third world network, quan điểm tập trung vào việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, theo tinh thần của Nghị định thư Kyoto, vẫn là mối quan tâm chính của cộng đồng quốc tế.

Đối với một đại diện của mạng lưới hành động vì khí hậu Pháp (Reseau action climat – RAC), Alix Mazounie, « các thương thuyết chưa thực sự bắt đầu » và điều này này thường xảy ra trong tuần lễ đầu tiên (trong các cuộc họp thường niên của Liên Hiệp Quốc về khí hậu) ». Thành viên RAC tỏ ý tiếc vì, bất chấp những thảm họa mới đây (cụ thể là siêu bão mới tại Philippines), cũng như việc năm 2014 được coi là năm nóng nhất chưa từng thấy trong lịch sử, « cảm nhận về tính khẩn cấp vẫn còn chưa đến được (hội nghị) ».

LHQ ước tính hàng trăm tỷ đô la/năm để đối phó với biến đổi khí hậu

Một đánh giá do Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc, công bố hôm thứ Sáu 05/12, đưa ra một con số lớn hơn liên quan đến chi phí để thích ứng với quá trình Trái đất nóng lên, chủ đề nằm ở trung tâm hội nghị Lima. Theo đó, từ 2025 đến 2030, cần khoảng 150 tỷ đô la/năm để thích ứng với biến đổi khí hậu, và ở ngưỡng cửa 2050, số tiền này sẽ lên tới từ 250 đến 500 tỷ đô la.

Con số nói trên cao hơn rất nhiều so với mức được đưa ra trước đây, từ 70 đến 100 tỷ đô la, dựa trên các số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2010.

Theo kỳ vọng, hội nghị khí hậu tại Lima (Peru) phải đặt ra được những bước đệm cho phép toàn thể cộng đồng quốc tế tại Paris năm 2015, lần đầu tiên đạt được một thỏa thuận cho phép giới hạn mức độ tăng nhiệt độ Trái đất không quá 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Các thảo luận sẽ phải tăng tốc trong tuần tới, sau khi các bộ trưởng đến Lima vào thứ Ba và thứ Tư.

Hiện tại các thảo luận vẫn dừng lại ở một số chủ đề thường gây tranh cãi : các nước giàu có trách nhiệm lịch sử đến mức độ nào đối với quá trình Trái đất nóng lên ? Các nước phát triển cần cam kết đóng góp ở mức nào ? Từ đây đến năm 2020, tức thời điểm thỏa thuận Paris 2015 có hiệu lực, cần làm những gì để thúc đẩy các hành động nhằm giảm bớt tốc độ Trái đất nóng lên ?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.