Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Đàm phán hạt nhân Iran : Giải pháp kỹ thuật cho xung khắc chính trị

Đăng ngày:

Iran và cộng đồng quốc tế đã để lở một cơ hội lịch sử để giải quyết hồ sơ hạt nhân của Teheran. Tuy nhiên, hai bên cố tránh không để giải pháp đàm phán bị tan vỡ sau khi thời hạn cuối cùng đã trôi qua mà không đạt được thỏa hiệp quan trọng nào tại Vienna ngày 24/11 vừa qua. Từ quả bom hạt nhân đến tham vọng địa lý chính trị, đâu là những điểm bất đồng cốt lõi và đâu là cội nguồn của vấn đề ?

Lãnh đạo ngoại giao Iran Javad Zarif, và Mỹ John Kerry cùng đại diện Liên hiệp châu Âu Cahterine Ashton tại Vienna, ngày  20/11/2014
Lãnh đạo ngoại giao Iran Javad Zarif, và Mỹ John Kerry cùng đại diện Liên hiệp châu Âu Cahterine Ashton tại Vienna, ngày 20/11/2014 REUTERS/Leonhard Foeger
Quảng cáo

Từ mười năm nay, nhiều đợt đàm phán đã được tổ chức về hồ sơ hạt nhân của Iran với mục đích không cho chế độ Hồi giáo tại Teheran chế tạo bom nguyên tử. Điều kiện của các cuộc thương lượng này là nếu Iran chấp thuận giảm khả năng tinh lọc Uranium thì các quốc gia Tây phương cam kết sẽ không ban hành các biện pháp trừng phạt mới và sẽ từng bước giải tỏa cấm vận đang thi hành . Đối với phương Tây thì đây là một hình thức gây áp lực với Iran bỏ tham vọng trang bị vũ khí hạt nhân đánh đổi tự do thương mại và triển kinh tế.

Từ năm 2006, tính từ khi Liên Hiệp Quốc ban hành nghị quyết đầu tiên, Iran đã lãnh hàng loạt biện pháp trừng phạt nặng nề cộng thêm các biện pháp riêng biệt của Mỹ và của Liên Hiệp Châu Âu. Nền kinh tế, thương mại và tài chính Iran trả giá rất đắt với hơn 515 tỷ đôla thiệt hại, tương đương với tổng sản lượng quốc gia GDP của một năm.

Đàm phán hạt nhân giữa Iran và lục cường gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc : Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cộng với Đức đã kết thúc vào ngày 24/11 ngày được xem là kỳ hạn sau cùng. 24 giờ trước đó, các nhà ngoại giao Tây phương và nhất là Iran họp tại Vienna đều có thái độ hòa nhã, không căng thẳng như những đợt đàm phát thời tổng thống Ahmadinejad, nhân vật có tiếng là « bảo thủ ».

Thế nhưng hội nghị đã thất bại mà theo thuật ngữ của Washington là do còn những điểm dị biệt « nghiêm trọng ». Tuy vậy tại thủ đô nước Áo, các Ngoại trưởng Mỹ, Pháp, Anh, Iran đều tỏ vẽ lạc quan cho rằng không có gì đáng lo vì đàm phán sẽ được kéo dài đến tháng 7 năm 2015. Ngoại trưởng Anh, Pháp, Đức còn nói đến những sáng kiến mới « về kỷ thuật » đã được đặt lên bàn thương lượng và cần phải có thời gian để xem xét sâu rộng.

Biện pháp « kỷ thuật » đó là gì ? Tại sao lại có chướng ngại kỷ thuật trong khi Iran bị nghi ngờ có âm mưu trang bị bom hạt nhân vì tham vọng địa lý chính trị làm bá chủ khu vực ? Ngượi lại tại Iran, chính quyền Hồi giáo cũng nghi ngờ mục tiêu sau cùng của tây phương, nhất là Hoa Kỳ là làm thay đổ chế độ chính trị tại Teheran. Nói chung, không bên nào tin tưởng bên nào. 

Ehsan Manoochehri, trưởng ban RFI tiếng Ba Tư giải đáp các câu hỏi này : 

Vì những nguyên nhân nào mà đàm phán vẫn bế tắc sau 10 năm thương lượng thăng trầm :

Sở dĩ đàm phán hạt nhân Iran giữa Iran và Tây phương bị bế tắc vì không có sự tin cậy. Từ lâu rồi, Iran đã tiến hành một số việc nhưng che dấu cộng đồng quốc tế vi phạm những điều mà nhà nước Iran đã cam kết với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế AIEA. Do vậy, đối với cộng đồng quốc tế, điều mà họ xem là quan trọng nhất, cần thiết nhất là “xây dựng niềm tin” lẫn nhau.

Khi ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nói đến những sáng kiến mới, những bảo đảm kỷ thuật, đã được đặt lên bàn đàm phán tại Vienna ngày 24/11 cũng vì lý do trên.

Đó là những phương tiện khoa học giúp Iran tạo được niềm tin cậy đối với quốc tế, không cho Iran có thể né tránh hay che dấu các hoạt động tại các trung tâm hạt nhân đi ngược lại những cam kết.

Cụ thể tây phương nói với Iran là quý vị đã hứa với chúng tôi sẽ tuân thủ điều kiện này điều kiện nọ để được giải tỏa cấm vận. Nhưng làm sao chúng tôi biết được quý vị tôn trọng lời hứa. Phải có cách nào chứng minh? Biện pháp hiệu quả nhất là kiểm soát bằng phương tiện khoa học kỷ thuật ngay tại chổ: gắn máy quay phim ngay ở các trung tâm hạt nhân, để cho thanh tra của cơ quan AIEA thường trú tại chổ và đi lại dễ dàng, có thể đến viếng nơi nào và bất cứ lúc nào. Nói cách khác Iran phải để cho quốc tế kiểm chứng mọi thông tin mà không bị cản trở…. 

Tại sao tây phương không thể tin tưởng vào chính quyền Iran? 

Một là vì Iran đã nhiều lần nói dối trong quá khứ. Những sự dối trá này được khám phá qua các phương tiện công nghệ tối tân như vệ tinh quan sát và từ các nguồn tin đến từ Iran đặt biệt là qua giới đối lập. Từ những khám phá này, chuyên gia quốc tế đã tiếp cận được những sự kiện mà chế độ Teheran muốn dấu kín.

Bây giờ thì chính quyền mới của tổng thống Hassan Rohani tỏ thiện chí muốn đàm phán chân thật với cộng đồng quốc tế. Vấn đề là hệ quả của những sự dối trá trước đây tiếp tục đè nặng lên cuộc thương lượng hiện nay và vì thế những lời hứa miệng của các nhà thương thuyết Iran không đủ sức thuyết phục.

Do vậy, khi phía Iran yêu cầu tây phương hãy tin tưởng vào lời cam kết, hãy tin rằng Iran không nói dối nữa thì tây phương đồng ý nhưng đặt điều kiện là phải có biện pháp kiểm chứng. 

Vì sao Tây phương không tỏ thiện chí thỏa mãn điều kiện của Iran là hủy bỏ cấm vận ngay tức khắc để đổi lấy hiệp ước?

 Đây là một điểm rất quan trọng. Chuyện gì sẽ xẩy ra nếu Iran nuốt lời hứa? Tây phương có 4 loại trừng phạt: lệnh trừng phạt do tổng thống Mỹ ký và ban hành, lệnh trừng phạt do Quốc hội Mỹ biểu quyết, lệnh trừng phạt do Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc biểu quyết và các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu 28 nước.

Đối với lệnh trừng phạt của tổng thống Mỹ thì vấn đề tương đối đơn giản. Nếu Iran vi phạm lời hứa thì có thể lệnh này sẽ được tái lập được ngay. Còn đối với ba loại biện pháp còn lại thì rất khó tái lập một khi đã đình chỉ một khi Iran nuốt lời. Do vậy mà cộng đồng quốc tế không sẵn sàng bỏ các biện pháp trừng phạt Iran tức khắc. Ngược lại, tây phương đề nghị giải tỏa từng phần theo nhịp độ trang bị các phương tiện kỷ thuật kiểm chứng và kiểm soát xem Iran có thực hiện đúng lời cam kết không gia tăng tinh lọc uranium chất phóng xạ hay không. 

Đằng sau phái đoàn thương thuyết Iran, bộ ngoại giao, chính phủ kể cả Tổng thống Rohani, ai mới là kẻ nắm quyền quyết định sau cùng? Người ta đã thấy trong chế độ giáo quyền Iran, Tổng thống không phải là nhân vật số một. 

Đúng vậy, chính quyền Iran không phải là chính quyền thống nhất. Chính phủ không phải là cơ quan thẩm quyền cao nhất. Ngay tổng thống chỉ là lãnh đạo số hai. Lãnh đạo có thực quyền tại Iran là Giáo chủ Ali Khamenei. Chung quanh vị Giáo chủ này còn có những nhóm thế lực như lực lượng võ trang vệ binh Hồi giáo, như hàng giáo phẩm và nhiều nhóm khác nữa. Cho nên, khi đàm phán với chính phủ Iran, các chính phủ tây phương biết rõ là quyết định sau cùng không phải do chính phủ đang thương lượng với họ định đoạt. Tây phương biết rõ là những người quyết định ở một vị trí cao hơn theo hiến định nhưng cũng có thể là ở trong hậu trường.

Chính trường Iran không ổn định cho nên những người thương thuyết với tây phương hôm nay không chắc ngày mai họ còn ngồi ở đó và tây phương biết rõ tình hình này. 

« tranh cãi về hạt nhân chỉ là bề mặt »

Thật ra, phái đoàn Iran không về nhà với bàn tay trắng. Để tránh bế tắc, tây phương nới nhẹ cấm vận tài chính cho phép Iran sử dụng 700 triệu đô la mỗi tháng từ nay cho đến tháng 7 năm sau thương thuyết lại.

Theo chuyên gia Iran Karim Sadjadpour thuộc viện nghiên cứu chiến lược Carnegie Endowment for International peace ở Washington thì bế tắc hiện nay là do các nhà thương thuyết cố tìm một giải pháp kỷ thuật cho một vấn đề mà cơ bản là xung đột chính trị. Bất đồng giữ Mỹ và Iran không bắt nguồn từ chương trình hạt nhân của Iran mà từ « bản chất » của chế độ chính trị tại Teheran. Hoa kỳ không thể tin cậy vào một chính quyền luôn luôn chống đối ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực và muốn tiêu diệt Israel.

Tại Teheran, chính quyền Hồi giáo cũng lo sợ Mỹ có ý đồ chính trị. Họ nghĩ rằng, mục tiêu sau cùng của Washington là làm thay đổi chế độ chính trị.

Kế đến mới đặt ra những vấn đề kỷ thuật vì khi đi sâu vào chi tiết đàm phán các nhà thương thuyết mới phát hiện ra những bất đồng khó vượt qua.

Tây phương không đồng ý con số máy ly tâm mà Iran đòi hỏi. Hai bên cũng bất đồng về tỷ lệ và khối lượng uranium tinh lọc mà Iran tích trữ. Tiếp đến là những bất đồng về cơ chế kiểm soát xem Iran có tôn trọng lời hứa nay không. Iran đã dứt khoát từ chối nhân danh chủ quyền quốc gia. Từ năm 2005 đến nay, thanh tra quốc tế không thể đến tận nơi quan sát trung tâm hạt nhân ở Parchin mà tây phương nghi ngờ là nơi tiến hành chế tạo vũ khí.

Cũng theo chuyên gia Karim Sadjadpour, nhà nước Hồi giáo Iran chỉ thương thuyết khi các biện pháp chế tài cô lập ngoại giao, phong tỏa kinh tế gây tác hại nghiêm trọng. Thái độ của phái đoàn Iran đã thay đổi không còn căng thẳng kể từ khi Liên Hiệp Châu âu ban hành biện pháp cấm vận dầu hỏa Iran và Ngân hàng trung ương Iran vào mùa hè 2012. Do vậy, Iran đã bí mật liên lạc thương lượng với Mỹ ngay trước khi Tổng thống Hassan Rouhani được bầu vào mùa hè 2013.

Một câu hỏi khác được đặt ra là Tây phương có nhu cầu mua dầu hỏa của Iran hay không ? Liệu thị trường Iran có hấp dẫn đến mức độ nào ?  Trưởng đoàn Mỹ Wendy Sherman nói đến « hàng hóa sẽ tràn ngập Iran » một khi hai bên đạt được thỏa thuận tren hồ sơ hạt nhân. Về điểm này, chuyên gia Karim Sadjadpour của Viện Carnegie Endowment for International peace nhắc lại hai yếu tố : giá dầu và bản chất của chính quyền Hồi giáo.

Mặc dù dầu khí Iran bị cấm vận từ hàng chục năm nay, giá dầu trên thế giới không lên mà còn rẽ đi. Do vậy, lập luận của Teheran cho rằng dầu hỏa của mình cần thiết cho kinh tế thế giới đã bị lung lay. Thứ hai, là với 75 triệu dân, đa số có trình độ học vấn cao, có đầu óc cởi mở thân tây phương, lực lượng này sẽ là tiềm năng đáng kể cho ngành thương mại. Thật ra thì thực tế tại Iran không phải vậy. Iran là một quốc gia độc tài và tràn ngập nạn tham nhũng. Một thỏa thuận về hạt nhân không phải là đũa thần cho phép Iran biến thành Dubai.

Người nắm quyền quyết định tại Iran hiện nay là giáo chủ Khameini. Suốt 35 năm nay, bài giảng đạo mỗi tuần của ông chỉ tập trung trên một ý chính : chống Mỹ. Bộ sậu ủng hộ ông và đám đông ca tụng vỗ tay không phải là những người thân Mỹ. Do vậy, vị lãnh đạo tinh thần này vừa không thể thay đổi tư tưởng ở tuổi 75 và dù có canh tân tư tưởng thì lời kêu gọi của ông chưa chắc sẽ tạo được ảnh hưởng. Nếu Hoa Kỳ tỏ thái độ bằng mọi giá đạt được thỏa thuận thì Iran sẽ dựa vào đó để treo giá cao hơn. 

« diều hâu các bên phục kích » 

Cho đến giờ này thì Iran và lục cường tránh được kịch bản xấu nhất là đám phán đứt đoạn. Vì như thế Iran sẽ gia tăng tinh lọc Uranium và tây phương sẽ leo thang, đưa ra thêm các biện pháp chế tài. Trong khi chờ đợi ngồi lại vào bàn hội nghị vào mùa xuân năm tới, chế độ Hồi giáo Iran duy trì chương trình hạt nhân của họ ở mức độ hiện thời. Tây phương sẽ tiếp tục duy trì lệnh cấm vận.

Từ nay đến tháng 7/2015, Iran và lục cường có hai điểm hẹn quan trọng. Tháng ba năm tới, hai bên phải tìm ra một thỏa thuận chính trị. Một khi có thoả thuận này, lúc đó, mới tính đến đàm phán một hiệp ước toàn diện mà ngày ký kết được ấn định trước tháng 7/2015. Triển vọng lày có nguy cơ bị phe diều hâu ở hai bên thọc gậy.

Tại Mỹ , trong đảng Cộng hòa hiện kiểm soát hai viện quốc hội, nhiều nghị sĩ muốn tăng cường trừng phạt Iran buộc giới giáo sĩ cầm quyền phải từ bỏ tham vọng hạt nhân.

Từ Vienna trở về tay không, trưởng đoàn đàm phán Mỹ Wendy Sherman ngày thứ ba 04/12 hôm nay phải ra điều trần kín trước một ủy ban quốc hội. Hành pháp Mỹ cố gắng thuyết phục lập pháp bỏ ý định tăng cường cấm vận Iran hay không.

Phe bảo thủ Iran cũng phục kích chính phủ Rohani. Nhân vật được giáo chủ Khamenei lựa chọn làm Tổng thống để thương thuyết với tây phương bỏ lệnh cấm vận cần phải đạt được kết quả cụ thể nào đó. Ông tuyên bố là « hai bên đang tiến về một thỏa hiệp ». Thế nhưng, phe bảo thủ chỉ trích chính phủ nhường nhịn Mỹ quá nhiều trong một năm qua mà không đòi được đối phương bỏ hết cấm vận.

Nếu trong những tháng tới đây không có một kết quả nào cụ thể thì Tổng thống Rohani sẽ gặp nhiều bất trắc. Chỉ cần đèn xanh của giáo chủ Khamenei, quốc hội Iran trong tay phe bảo thủ sẽ ra tay. Phe này đã biểu dương sức mạnh trong chiến lược đương đầu có hệ thống Tổng thống Rohani. Từ khi ông lên cầm quyền các nay một năm, Iran mới có bộ trưởng bộ giáo dục cao đẳng. Quốc hội đã bốn lần biểu quyết bác bỏ đề nghị của Tổng thống hoặc cách chức giữa chừng một vị bộ trưởng với lý do là các nhà khoa bản này từng ủng hộ phong trào sinh viên biểu tình phản đối bầu cử gian lận 2009.

Ngay khi tổng thống Rohani trực tiếp bênh vực cho ứng cử viên thứ tư, ra trước quốc hội khẳng định vai trò gương mẫu của vị giáo sư này lúc còn trong lực lượng võ trang vệ binh hồi giáo, cuối cùng quốc hội vẫn phủ quyết với đa số áp đảo. Ngày 19/11 vừa qua Tổng thống Iran giới thiệu ứng cử viên thứ năm, một bác sĩ nhãn khoa, thì quốc hội mới đồng ý. Một dân biểu bảo thủ cảnh báo, giáo chủ đã ấn định một làn ranh đỏ, không ai có thể vượt qua. Phe bảo thủ Iran cũng đang chờ trưởng đoàn thương thuyết Jadva Zarif ra điều trần. Bộ ngoại giao bị lên án là « tay mơ ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.