Vào nội dung chính
QUỐC TẾ

NATO kiểm điểm một năm căng thẳng với Nga

Họp tại Bruxelles, nơi đặt Tổng hành dinh của Liên Minh Bắc Đại tây Dương NATO Ngoại trưởng của các nước thành viên có suốt ngày hôm nay 02/12/2014 để kiểm điểm tình hình khủng hoảng sát cạnh biên giới. Syria, Irak, Afghanistan. Đặc biệt hơn hết là tình hình Ukraina nơi mà Nga trực tiếp can thiệp quân sự tuy không nhìn nhận.

Tân tổng thư ký Jens Stoltenberg, tại trụ sở NATO, Bruxelles. Ảnh ngày 01/12/2014.
Tân tổng thư ký Jens Stoltenberg, tại trụ sở NATO, Bruxelles. Ảnh ngày 01/12/2014. REUTERS/Yves Herman
Quảng cáo

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã tóm lược tình hình năm 2014 trong vài từ ngắn : xâm lược, khủng hoảng và xung đột. Để đối phó với các cuộc khủng hoảng này, vào tháng 9 năm nay, chính phủ các thành viên NATO đã quyết định thành lập một lực lượng phản ứng cực nhanh, có thể tham chiến ngay trong 48 tiếng đồng hồ và sẽ hoạt động kể từ 2016. Trong khi chờ đợi, một tiểu đoàn đầu tiên gồm quân nhân ba nước Đức, Hà Lan và Na Uy sẽ được thành lập ngay vào năm 2015.

Cũng trong năm tới, NATO tiếp tục thi hành các biện pháp bảo đảm an ninh cho Ba Lan và ba nước vùng Baltic, thành viên ở bắc châu Âu. Các biện pháp quân sự này gồm gia tăng tập trận với nhịp độ thường xuyên hơn, với số phi cơ chiến đấu và trinh sát 5 lần nhiều hơn và số tàu chiến tuần tra trong vùng Hắc hải và biển Baltic cũng tăng theo.

Ukraina mặc dù chưa gia nhập NATO cũng sẽ được Liên Minh Bắc Đại Tây dương trợ giúp một ngân khoản 15 triệu đôla để canh tân quân đội mà theo Kiev đang trực diện với cuộc chiến xâm lược của Nga tại miền đông.
Chính phủ và Quốc hội mới tại Ukraina đã chính thức thông báo nguyện vọng thương lượng với NATO xin làm thành viên.

Theo phân tích của AFP, nguyện vọng của Ukraina được NATO thông hiểu và do vậy không đóng cánh cửa liên minh với Kiev dù cho Matxcơva có đe dọa, cảnh cáo xem đây là hành động « khiêu khích » sát biên giới của Nga.

Nhưng do tình hình nóng bỏng và tế nhị, mọi người đều tránh đề cập thẳng vấn đề. Mặt khác, để làm thành viên NATO không phải là chuyện một sớm một chiều. Kiev được cảnh báo là phải mất nhiều thời gian và nỗ lực cải cách mới hội đủ điều kiện.

Thế nhưng chính quyền Nga dường như không hài lòng về thái độ thận trọng đề phòng của Tây phương. Từ Thổ Nhĩ Kỳ, tổng thống Nga Putin thông báo hủy bỏ dự án xây đường ống dẫn khí cung cấp cho châu Âu được gọi là Nam hải lưu, không qua Ukraina.

Thứ trưởng ngoại giao Alexei Meshkov tố cáo « NATO muốn gây bất ổn định tại bắc Âu  » với những cuộc tập trận « không ngưng nghỉ » với những máy bay « trang bị vũ khí hạt nhân ».

Trong lời tuyên bố chuyển đến hãng tin Nga Interfax, ông Alexei Meshkov còn đe dọa « những ai lôi kéo Ukraina vào NATO sẽ chịu trách nhiệm nặng nề về địa lý chính trị vì Ukraina gia nhập NATO sẽ làm hỏng tất cả hệ thống an ninh tại châu Âu ».

Nga đưa ra lời đe dọa này vài giờ trước khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và các đồng sự châu Âu họ tại Bruxelles. Cũng từ thủ đô vương quốc Bỉ, tân chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Donald Tusk, nguyên là thủ tướng Ba Lan đã cùng tổng thống Mỹ Barack Obama, công bố thông điệp chung kêu gọi Nga « rút quân khỏi miền đông Ukraina » và « chấm dứt cung cấp nhân lực và vũ khí cho phe nổi loạn, phải để cho quan sát viên quốc tế OSCE (Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu) kiểm soát biên giới và chu toàn nhiệm vụ.

Dường như để đáp trả lời tố cáo của Matxcơva đổ trách nhiệm cho NATO« gây bất ổn ở vùng Baltic », chiều hôm qua 01/12, Tổng thư ký Jens Stoltenberg nhắc lại là trong năm 2014 này, máy bay NATO đã phát hiện, ngăn chận 400 lần máy bay Nga bay sát không phận các nước thành viên, tăng 50% so với năm trước.

Sáng nay, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, trước khi chủ tọa cuộc họp đã một lần nữa kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraina.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.