Vào nội dung chính
VATICAN

Giáo hoàng mang thông điệp hòa giải đến Thổ Nhĩ Kỳ

Đức Giáo hoàng Phanxicô sang nay rời Ankara đến Istanbul, nơi Ngài gặp gỡ Giáo chủ Chính thống giáo Bartholomée Đệ nhất. Cũng như người tiền nhiệm Benedicto 16, Đức Giáo hoàng Phanxicô đến cầu nguyện tại Đền thờ Xanh Hồi giáo.

Đức Giáo hoàng Phanxicô đến cầu nguyện tại Đền thờ Xanh Hồi giáo và thăm giáo đường Thánh Sophie - REUTERS /Stoyan Nenov
Đức Giáo hoàng Phanxicô đến cầu nguyện tại Đền thờ Xanh Hồi giáo và thăm giáo đường Thánh Sophie - REUTERS /Stoyan Nenov
Quảng cáo

Đây là dấu hiệu mới chứng tỏ ý hướng xúc tiến hòa giải tôn giáo, trong một đất nước Hồi giáo thân cận với Irak và Syria đang bị chiến tranh tàn phá. Từ Istanbul, đặc phái viên của RFI Geneviève Delrue gởi về bài tường trình : 

Vùng Cận Đông còn phải chịu đựng sự thiếu vắng hòa bình đến bao lâu nữa ? Với sự giúp đỡ của Thượng đế, chúng ta phải lặp lại sự can đảm cho hòa bình ». Đó là lời cổ vũ của Đức Giáo hoàng Phanxicô được đưa ra ngay sau khi Ngài đặt chân đến một đất nước đã đón tiếp gần hai triệu người tị nạn. 

Trong khi kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ, Đức Giáo hoàng cũng khuyến khích chính quyền nước này gây ảnh hưởng tích cực, bằng sự lựa chọn và gương mẫu của mình, ngõ hầu hòa bình quay lại với khu vực. 

Cũng với tinh thần đó, Đức Giáo hoàng Phanxicô trong một bài nói chuyện dài đã đề cao sự cởi mở về tín ngưỡng, đưa quan hệ giữa các tôn giáo đi vào chiều sâu, và đòi hỏi tất cả các tín đồ Hồi giáo, Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo cần phải có cùng quyền lợi và nghĩa vụ.

Đây cũng là yêu cầu quan trọng của thiểu số người Thiên Chúa giáo phương Đông, mà trước hết là tại Thổ Nhĩ Kỳ. Bài diễn văn kêu gọi một cuộc đối thoại liên tôn giáo, chấp nhận những khác biệt một cách thanh thản, kêu gọi thoát khỏi sự sợ hãi – nguồn cơn của mọi các ác. 

Sau đó Đức Giáo hoàng Phanxicô không sử dụng chiếc xe hơi Đức bọc thép sang trọng do chính quyền Ankara dành cho, mà dùng một chiếc xe hơi bình thường của Pháp, đê đến thăm giáo đường Thánh Sophie. Giáo đường nổi tiếng này bị chuyển thành đền thờ Hồi giáo năm 1453 rồi trở thành bảo tàng năm 1934, và sau 15 thế kỷ vẫn tiếp tục gây căng thẳng vì người Hồi giáo muốn chuyển trở thành đền thờ. 

Buổi chiều, Đức Giáo hoàng làm lễ tại giáo đường Đức Chúa Thánh Thần cho thiểu số gần 80.000 người Thiên Chúa giáo tại Thổ Nhĩ Kỳ, một cộng đồng bị chìm lấp trong 75 triệu người Hồi giáo tại đất nước này. Từ khi lên nắm quyền, Thủ tướng Erdogan, một người Hồi giáo sùng đạo điều hành Thổ Nhĩ Kỳ một cách độc đoán, luôn tuyên bố là người bảo vệ các tôn giáo, nhưng lại bị tố cáo là muốn « Hồi giáo hóa » nhà nước thế tục thành lập năm 1923.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.