Vào nội dung chính
DÂN CHỦ - BẮC PHI

Tunisia : Các cải cách quan trọng còn ở phía trước

Vòng một cuộc bầu cử Tổng thống Tunisia chủ nhật, ngày 23/11/2014, vừa diễn ra. Cuộc bầu cử tự do trực tiếp đầu tiên, để chỉ định người đứng đầu đất nước, của cử tri Tunisia được sự quan tâm rộng rãi từ các quốc gia dân chủ, cũng như những cư dân sống dưới các chế độ độc tài đang mong muốn một thay đổi. Nhân dịp này, RFI có cuộc phỏng vấn nhà nghiên cứu Viện quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (IRIS), bà Khadija Mohsen Finan, giảng viên Đại học Paris I, chuyên gia về khu vực Bắc Phi.

Cử tri ủng hộ đảng Nida Tounes xuống đường tại Tunis, ngày 28/10/2014.
Cử tri ủng hộ đảng Nida Tounes xuống đường tại Tunis, ngày 28/10/2014. REUTERS/Zoubeir Souissi
Quảng cáo

RFI : Sau cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua, liệu chúng ta có thể nói rằng tiến trình dân chủ tại Tunisia đã được khẳng định vững chắc trong hiện tại, rằng tiến trình này đã đi đúng đường, bốn năm sau Cách mạng ?

Khadija Mohsen Finan : « Đúng như vậy, nói chung, mọi việc đang trôi chảy. Tất nhiên, dân chủ là một viễn cảnh mà ta hướng tới, tuy nhiên, sự năng động của tiến trình dân chủ đã hiện hữu, các cuộc bầu cử vừa diễn ra cho thấy rõ điều này ».

Cuộc bầu cử tổng thống có thể là một hy vọng đối với các quốc gia trong khu vực, cũng từng biết đến một cuộc nổi dậy tương tự cách đây ít năm ? Nhìn sang Ai Cập, hay đặc biệt là Libya, tình hình trở nên phức tạp…

Khadija Mohsen Finan : « Sự kiện này có thể là một nguồn hy vọng. Sự kiện này cho thấy rõ ràng là nền dân chủ không phải là không tương thích với văn hóa của khu vực này. Tại các nước Bắc Phi có một khát vọng sâu sắc hướng đến dân chủ hóa ».

Tunisia không phải là « một ngẫu nhiên của lịch sử »

Tiến trình dân chủ diễn ra rất khác nhau tại Tunisia, tại Ai Cập và Libya, vốn là các quốc gia cùng trong một vùng địa lý. Tại sao lại có một sự khác biệt như vậy ?

Khadija Mohsen Finan : « Bởi sự chuyển hóa của mỗi nước diễn ra tùy theo chế độ chính trị của mình, theo chế độ kinh tế, theo các điều kiện trong nước và bên ngoài. Và mỗi nước chuyển biến theo tốc độ của riêng mình. Lịch sử chính trị của Tunisia không thể so sánh được với các nước láng giềng. Việc các nước cùng thuộc về một khu vực địa lý không mang lại cùng một số nền tảng mang tính quyết định.

Nói một cách văn chương, Tunisia không phải là một ngẫu nhiên của lịch sử. Quốc gia này có một truyền thống chính trị lâu đời. Tunisia là nước đầu tiên trong khu vực có một công đoàn, trước đó khá lâu Tunisia đã có một Hiến pháp vào năm 1861, cho dù Hiến pháp này  tồn tại không bao lâu. Tunisia có nhiều thành tựu riêng, ví dụ như sau khi độc lập, Tổng thống Bourguiba đã chủ trương nâng cao vị thế của người phụ nữ, và mang lại cho họ các quyền tự do, hay chủ trương giáo dục phổ cập…

Tất cả những yếu tố này chắc chắn tạo thuận lợi cho bước tiến hướng về dân chủ. Điều đó không có nghĩa là các nước khác không có điều kiện đi được tới cái đích này và đi được đến nơi theo cách riêng của mình. Hiện tại các diễn biến tại Tunisia đang được quan sát, tôi hy vọng rằng sẽ có một thành công tại Tunisia và điều này sẽ tạo ra hiệu ứng vết dầu loang, như đã từng xẩy ra vào thời điểm Cách mạng Hoa Lài năm 2011 ».

Tìm liên minh chính trị : Thách thức của nền dân chủ

Về việc tại sao ứng cử viên Beji Caid Essebsi vượt trội hơn so với các ứng viên khác và các thách thức trong việc tìm kiếm liên minh chính trị hiện nay tại  Tunisia, nhà nghiên cứu Khadija Mohsen Finan giải thích thêm.

« Ông Essebsi là một người đoàn kết rộng rãi, ông đi theo truyền thống hiện đại hóa của cố Tổng thống Bourguiba, cho dù đối với nhiều người ông bị coi là một đại diện của chế độ cũ. Đúng ông là người của chế độ cũ, nhưng ông đã lựa chọn chủ trương xây dựng cho Tunisia một Nhà nước mạnh, một Nhà nước ''của thế kỷ XXI'', như chính ông thường nói. Dù thế nào, hiện tại ứng cử viên này cũng là người chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội, và chính trị gia này có một chỗ đứng vững chắc trên trường chính trị. (…)

Ông Essebsi chắc chắn không cần phải liên minh với đảng Đại hội vì nền Cộng hòa (CPR) của Tổng thống mãn nhiệm Marzouki, chỉ có được bốn ghế tại Quốc hội. Ông Marzouki là ứng cử viên vừa lọt vào vòng hai bầu cử Tổng thống.

(…) Ông Marzouki đã tiến hành tranh cử với tư cách một đảng cách mạng, chống lại đảng của những người thuộc chế độ cũ. Nhưng chính trị gia này sẽ phải liên minh với nhiều đảng phái chính trị khác và đặc biệt với cánh Hồi giáo chính trị, trước hết là đảng Ennahda và ông ta sẽ buộc phải đoàn kết được các đảng, vốn không dễ dàng nói chuyện được với nhau. (…)

Về phần mình, đảng Hồi giáo chính trị Ennahda không cử ứng viên tranh cử Tổng thống, nhưng đây lại là đảng phái lớn thứ hai của đất nước, chiếm một phần ba số ghế  tại Quốc hội. Hiện tại đảng Ennahda không vội vã tham chính, hay tìm cách liên minh với phe đa số, nhưng điều hết sức quan trọng (đối với đảng thắng cử Nidaa Tounes của cựu Thủ tướng Essebsi) là phải liên kết được với đảng Ennahda. Người đứng đầu của đảng này cổ vũ cho một chính phủ đoàn kết quốc gia đại diện được cho xã hội. Tuy nhiên, trong hiện tại, đảng Ennahda lại không vội vã giành lấy quyền lãnh đạo một số bộ ngành chủ chốt.

Tất cả các cải cách cần phải làm đều ở trước mắt, trong đó có những cải cách rất ít được lòng dân ».

Theo kết quả chính thức vòng một được Ủy ban bầu cử công bố hôm qua, ứng cử viên Essebsi dẫn đầu với 39,46% phiếu, chênh sáu điểm so với Tổng thống mãn nhiệm (33,43%). Khoảng cách giữa hai đối thủ của vòng hai, như vậy, sít sao hơn rất nhiều so với các dự đoán. Ứng cử viên cánh tả Hamma Hammami về thứ ba, với gần 8% phiếu được coi là người có nhiều khả năng ảnh hưởng đến kết quả chung cuộc. Hiện tại, ông Hamma Hammami chưa đưa ra bất cứ một định hướng nào cho các cử tri ủng hộ ông.

Các cải cách kinh tế bị trì hoãn

Về các cải cách tại Tunisia, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, đầu tháng này, chương trình tạp chí « Eco d’ici, Eco d’ailleurs » của RFI (bài "Sau cách mạng dân chủ là cách mạng kinh tế ?") có cuộc phỏng vấn một trí thức – doanh nhân nổi tiếng người Tunisia, ông Radhi Meddeb, chuyên gia kinh tế, người sáng lập Hiệp hội kinh tế đoàn kết (ADS). Ông bắt đầu dấn thân cho hoạt động để thay đổi mô hình kinh tế tại Tunisia từ năm 1986, đặc biệt với nhóm chuyên gia Comete Engineering. Ông Radhi Meddeb nhận xét :

« Tình hình kinh tế của Tunisia rất xuống cấp. Cuộc cách mạng vừa qua bùng nổ do ba đòi hỏi : nhiều quyền tự do ngôn luận hơn, các điều kiện xã hội được cải thiện và kinh tế có được các cơ hội thay đổi lớn.

Chúng tôi đã tiến bộ về mặt tự do ngôn luận, nhưng không tiến về các mặt xã hội và kinh tế. Ngược lại, đời sống của người dân đi xuống. Thất nghiệp nặng nề hơn, từ 13% trước cách mạng lên 15,6% hiện nay, theo con số chính thức. Con số này trên thực tế bị giảm nhẹ đi nhờ nhiều biện pháp xã hội tốn kém và điều này làm ngân sách công bị thâm hụt. (…)

Chính quyền Tunisia vừa qua đã dũng cảm đưa ra được một chẩn đoán rõ ràng về thực trạng kinh tế đất nước, cụ thể là các thâm hụt tăng gấp bội, các cân bằng vĩ mô bị phá vỡ. Tuy nhiên, tiếp đó, chính quyền đã lo sợ phải đối mặt với các vấn đề này. Họ đã tiến hành một cuộc đối thoại kinh tế với 21 đảng phái trong giai đoạn tranh cử. Như vậy, cho đến nay, có rất ít điều được đưa ra thực hiện. Các cải cách tại Tunisia, giống như những món ăn rất nóng, ai cũng muốn nhường người khác ăn trước. (…)

Môi trường kinh doanh tại Tunisia trước Cách mạng bị xuống cấp nhiều (…) nhưng môi trường hiện nay cũng không khá hơn. Tại Tunisia, kinh doanh chủ yếu dựa trên lợi tức, những ưu đãi và mối quan hệ với giới có chức quyền. Tất cả các công ty lớn đều tham gia vào khoảng 12 lĩnh vực kinh tế chủ chốt (như ngành xe hơi, ngân hàng, bất động sản hay hệ thống siêu thị…, thậm chí cả ngành du lịch trong một giai đoạn), có mối quan hệ mật thiết với hệ thống quyền lực, nhận được các ân huệ từ trên.

Cần phân biệt các tập đoàn lớn có mối quan hệ gắn bó với chế độ cũ và những công ty khác. Trong số các tập đoàn lớn, gần gũi với chính quyền Ben Ali, nhiều tập đoàn đã bị giải thể, tài sản của họ bị tịch thu. Nhưng cái cơ chế nói trên thì vẫn còn nguyên vẹn. (…)

Tunisia thiếu tham vọng trong dự án phát triển. Các doanh nghiệp Tunisia chỉ lớn mạnh trong khuôn khổ sân nhà, đây là điều mà tôi gọi là tình trạng của ‘‘một kinh tế lợi tức’’. Các doanh nghiệp Tunisia không đối đầu với các cạnh tranh thực sự buộc chúng phải tìm kiếm sự phát triển ở những vùng đất mới. Hiện tại, tình trạng này có thay đổi nhưng quá chậm ».

Xem thêm

Cửa ải lớn đầu tiên của nền dân chủ Tunisia : Thông qua Hiến pháp mới

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.