Vào nội dung chính
NGA

Triển lãm Khrushchev : Con người thật của "nhà cải cách"

Đầu tháng 11/2014, tại Matxcơva vừa khai mạc triển lãm các kỷ vật của Nikita Sergeyevich Khrushchev, người từng được mệnh danh là nhà cải cách, tác giả của tiến trình giải thể chế độ độc tài Staline. Những kỷ vật của Khrushchev và các hiện vật liên quan soi rọi nhiều góc tối của lịch sử. Một số hiện vật cho thấy một gương mặt khác của « nhà cải cách ».

Triển lãm Khrushchev giới thiệu với công chúng hơn 700 tài liệu và hiện vật - @Wikipedia
Triển lãm Khrushchev giới thiệu với công chúng hơn 700 tài liệu và hiện vật - @Wikipedia
Quảng cáo

Trong số hơn 700 tài liệu và hiện vật, mà một số được trưng bày lần đầu tiên cho công chúng, có sắc lệnh Nga tặng bán đảo Crimée cho nước Cộng hòa Ukraina năm 1954. Đây là sắc lệnh có chữ ký của lãnh đạo Liên Xô Khrushchev, vốn sinh ra tại miền Đông Ukraina. Một trong các tài liệu xuất hiện sau đó ít ngày, do một giới chức cao cấp của chính quyền Liên Xô ký, giải thích lý do của việc tặng bán đảo này là vì Crimée và Ukraina là « một chỉnh thể kinh tế », hai vùng lãnh thổ gần gũi về địa lý và có quan hệ kinh tế và văn hóa mật thiết. 60 năm sau, cũng với lý do này, Matxcơva biện minh cho việc sáp nhập trở lại Crimée.

Theo ông Andrei Sorokine, người phụ trách cuộc trưng bày nhân dịp 120 năm ngày sinh của cố lãnh đạo Liên Xô (1894-1971), mục tiêu của hoạt động này là nhằm xua tan « các huyền thoại » bao phủ nhân vật lịch sử này.

Lần đầu tiên người ta trưng bày bản thảo bài diễn văn Khrushchev đọc tại đại hôi XX đảng Cộng sản Liên Xô, lên án tệ sùng bái « lãnh tụ » Staline. Nhưng một số tài liệu khác cũng nhắc lại một sự thật ít người biết đế hơn. Đó là vai trò của Khrushchev trong giai đoạn thanh trừng khủng bố hàng loạt những năm 1930. Người phụ trách cuộc triển lãm, cũng là giám đốc ban xã hội-chính trị của Trung tâm lưu trữ quốc gia Nga, đã chọn để giới thiệu các lệnh hành quyết « những kẻ thù của nhân dân » tại vùng Matxcơva, do lãnh đạo Khrushchev ký.

Người xem có thể đọc được một nhận xét của Khrushchev năm 1962, sau một cuộc đàn áp đẫm máu phong trào phản đối của công nhân, vì cuộc sống đói khổ. Một báo cáo của cơ quan an ninh KGB xác nhận có 31 người chết trong vụ này, Khrushchev chua thêm : « Đi cùng với sự ‘‘tan băng" (từ dùng để chỉ chính sách cải cách những năm 1960), có nhiều cỏ dại mọc lên. Mà cỏ dại thì cần phải trừ bỏ ».

Một hiện vật nối tiếng khác gây nhiều tranh cãi. Đó là chiếc giày, mà nhiều người mô tả, chính Khrushchev đã dùng để đập lên một chiếc bàn hội nghị tại Liên Hiệp Quốc ngày 12/10/1960. Theo người phụ trách triển lãm, không hề có chuyện lãnh đạo Liên Xô đập giày lên bàn, và tất cả các bức ảnh chụp cảnh này đều là ngụy tạo, tuy nhiên, chuyện Khrushchev, vì bất bình, mà giơ giầy lên là có thực. Thực tế là, AFP còn lưu trữ một số bức ảnh Khrushchev ngồi bên bàn, với một chiếc giày nằm trên mặt bàn. Vào thời điểm đó, AFP và một số phương tiện truyền thông khác đã ghi lại diễn biến sự việc Khrushchev rút chiếc giày bên phải ra, đó là một chiếc giày màu vàng được đánh xi cẩn thận, ông huơ giầy trên đầu, rồi lấy hết sức đập lên mặt bàn.

Cuộc triển lãm cũng cho người xem biết đến không khí căng thẳng tột độ giữa Washington và Matxcơva, với cuộc khủng hoảng Cuba 1962, khi vũ khí hạt nhân được Liên Xô đưa sát Hoa Kỳ, khiến hai siêu cường tiến sát bờ vực chiến tranh hạt nhân. Cuộc khủng hoảng được tháo gỡ, với việc Liên Xô rút tên lửa ra khỏi Cuba. Kỷ vật mang tính biểu tượng ghi dấu thời kỳ hòa dịu trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh này là « chiếc điện thoại đỏ ». Trên thực tế, phiên bản đầu tiên của « điện thoại đỏ » không hề có màu đỏ, và cũng không phải là điện thoại. Đây là một chiếc máy điện báo, giúp cho Tổng thống Kennedy và lãnh đạo Liên Xô Khrushchev có thể chuyển cho nhau các thông điệp viết, được mã hóa.

Triển lãm tại Trung tâm lưu trữ Nga sẽ mở tới ngày 25/01/2015. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.