Vào nội dung chính
IRAN - HOA KỲ

Iran: Đàm phán hạt nhân quan trọng nhất bắt đầu tại Vienna

Việc thương lượng về hồ sơ nguyên tử Iran hôm nay 21/11/2014 bắt đầu bước vào giai đoạn tối hậu, mà mỗi bên đều phải chấp nhận những nhượng bộ khó khăn nếu không muốn vuột mất cơ hội đạt được một thỏa thuận lịch sử.

Lãnh đạo ngoại giao Iran Javad Zarif, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và đại diện châu Âu Catherine Ashton - REUTERS /Leonhard Foeger
Lãnh đạo ngoại giao Iran Javad Zarif, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và đại diện châu Âu Catherine Ashton - REUTERS /Leonhard Foeger
Quảng cáo

Khởi đầu là cuộc bàn luận kéo dài tối qua tại Vienna giữa Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và người đồng nhiệm Iran Mohammad Javad Zarif. Cả hai sẽ gặp lại vào lúc 11 giờ hôm nay (10 giờ GMT).

Sau nhiều tháng thương lượng gay go, các quan điểm các bên có vẻ đã xích lại gần nhau trên nhiều điểm. Tuy nhiên hai bất đồng chủ yếu vẫn tồn tại giữa Iran và các cường quốc nhóm 5+1 (Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cộng thêm Đức), trong khi ngày 24/11 sắp tới sẽ phải đạt đến một thỏa thuận.

Nhóm 5+1 muốn nước Cộng hòa Hồi giáo phải giảm mạnh năng lực làm giàu uranium, để tránh khả năng chế tạo được bom nguyên tử. Ngược lại, Iran đòi hỏi duy trì việc này thậm chí còn tăng cường thêm, nói rằng cần làm giàu uranium để cung cấp cho các nhà máy điện hạt nhân. Bên cạnh đó Teheran còn đòi dỡ bỏ ngay lập tức các biện pháp trừng phạt kéo dài từ một thập kỷ qua, gây ảnh hưởng nặng nề lên nền kinh tế.

Iran luôn chối cãi cáo buộc chương trình này là nhằm mục đích quân sự, tố cáo việc trừng phạt trên là bất công. Nhưng các nước 5+1 cho rằng việc dỡ bỏ lập tức cấm vận chỉ là ảo tưởng. Hai ngoại trưởng Pháp và Anh, Laurent Fabius và Philip Hammond chiều nay đến tham dự để tăng thêm sức nặng cho cuộc thương thảo.

Thỏa thuận nếu đạt được sẽ thổi một làn gió mới vào nền kinh tế Iran, đặc biệt là việc dỡ bỏ cấm vận dầu lửa nước này. Đồng thời mở ra con đường bình thường hóa quan hệ giữa Iran và phương Tây, dẫn đến khả năng hợp tác nhất là trong các cuộc xung đột ở Irak và Syria. Đây sẽ là một chương mới trong quan hệ giữa nước Cộng hòa Hồi giáo và cộng đồng quốc tế, còn Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh đến « cơ hội ».

Hiện ông Kerry loại trừ việc gia hạn cuộc thương lượng, vốn đã vượt quá kỳ hạn đưa ra là cuối tháng Bảy. Tuy vậy khả năng này vẫn được nói đến trong hành lang.

Từ tháng Giêng năm tới, phe đối lập Cộng hòa nay kiểm soát được cả lưỡng viện Quốc hội, có thể ngáng chân Tổng thống Mỹ, trong khi hiện nay ông Barack Obama có thể tự do thương thảo. Thất bại nếu xảy ra của cuộc thương lượng cũng sẽ làm suy yếu Tổng thống ôn hòa Iran, ông Hassan Rohani, vốn đánh cược uy tín trong chính sách mở cửa với phương Tây, nhằm vực dậy nền kinh tế đang bị khủng hoảng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.