Vào nội dung chính
NGUYÊN TỬ - IRAN

Một tuần để quyết định về nguyên tử Iran

Cách đây một năm, nhóm « 5+1 », gồm 5 quốc gia thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cùng với Đức đã họp với đại diện của Iran tại Genève để thảo luận về vấn đề nguyên tử của quốc gia Trung Á này.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tại Vienne ngày 18/11/2014.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tại Vienne ngày 18/11/2014. REUTERS/Heinz-Peter
Quảng cáo

Hôm nay, cuộc họp được khởi động trở lại nhằm tìm ra một thoả thuận cuối cùng trước ngày 24/11. Báo Le Monde phân tích những điều kiện của cuộc gặp gỡ lần này dưới dòng tựa : « Một tuần để quyết định vấn đề nguyên tử tại Iran ».

Trang trong, tờ báo nhấn mạnh : « Bẩy ngày để xoá bỏ 10 năm thất bại ». Đúng như vậy, sau 10 năm nỗ lực nhưng không mang lại kết quả, các bên liên quan chỉ còn một tuần để tìm ra một thoả thuận mở đường cho tiến trình bình thường hoá quan hệ với Iran. Đồng thời, thoả thuận này còn có ảnh hưởng lớn tới Trung Đông, nơi Téhéran đóng vai trò chủ đạo tại Syria, Irak và Liban. Trái lại, thất bại sẽ là một quả bom nguyên tử tại khu vực dễ « bốc hơi » này.

Bài báo lạc quan trước những điều kiện thuận lợi cho cuộc gặp gỡ lần này. Dù vẫn còn bất đồng, ngờ vực và lo ngại giữa hai bên, nhưng chưa bao giờ các cuộc đàm phán lại chạm gần tới đích như hiện nay. Một chuyên gia nắm rõ hồ sơ nhận xét cuộc đàm phán lần này là chưa từng có trong biên sử ngành ngoại giao, vừa xét về tính phức tạp, vừa xét về số bên liên quan cũng như là về tầm chiến lược.

Thách thức rất lớn. Và điều kiện thuận lợi hiếm khi hội tụ đầy đủ như hiện nay. Từ rất lâu, đây là lần đầu tiên, cả người Mỹ và người Iran có chung một mong muốn là đạt được thoả thuận. Hơn nữa, cuộc đối thoại cũng đã bớt căng thẳng hơn trước. Hai ngoại trưởng Mỹ và Iran hiểu nhau hơn do thường xuyên gặp gỡ từ một năm nay. Đặc biệt, tiếng Anh được sử dụng trực tiếp trong đàm thoại. Điều này chưa từng diễn ra.

Bài báo cũng phân tích nguyên nhân 10 năm thất bại của quá trình đàm phán. Chỉ từ khi ông Hassan Rohani trở thành tổng thống, tình hình mới được giải toả. Một chuyên gia về không phổ biến vũ khí hạt nhân nhận xét sau 10 năm giậm chân tại chỗ, « mọi người đều thua cuộc. Lệnh trừng phạt khiến Téhéran mất hơn 150 tỉ euro, còn các nước phương Tây thì vẫn không ngăn chặn được khả năng làm giàu uramium của Iran, trong đó số lượng lò phạt ứng hạt nhân đã tăng gấp trăm lần ».

Hiện nay, mỗi bên đều biết thời gian càng trôi, thoả thuận càng khó đạt được. Tổng thống Rohani cần bản thoả thuận để củng cố quyền lực của mình và nới lỏng trừng phạt kinh tế. Về phần mình, các nước phương Tây hiểu rằng chương trình hạt nhân của Iran càng phát triển, thì càng khó kìm lại. Ngoài ra, việc Quốc hội Mỹ do Đảng Cộng hoà chiếm ưu thế sẽ nhậm chức sắp tới đây, cũng sẽ có thể làm suy yếu quyền hành của tổng thống Barack Obama.

Thoả thuận tại Geneve năm 2013 đã là một bước tiến chưa từng có. Nhưng để đi xa hơn, một chuyên gia nhận xét : « Cần phải có giải pháp trên cả lĩnh vực nguyên tử ». Ông cho rằng phương Tây phải đề xuất một thoả thuận quan trọng cho người Iran : ngừng làm giàu uranium để đổi khoản đầu tư chừng 10 tỉ euro nhằm đổi mới các lĩnh vực kinh tế chủ chốt. Nói một cách khác là từ bỏ bom nguyên tử để đổi lấy hiện đại hoá. Chỉ còn chưa đầy một tuần để thoát khỏi ngõ cụt.

Nhật Bản lại chìm trong suy thoái

Trong quý 3 năm 2014, chỉ số GDP của Nhật Bản giảm 0,4%. Đây là một bất ngờ lớn, trong khi các nhà kinh tế học đang chờ đợi tăng trưởng trở lại. Suy thoái buộc thủ tướng Shinzo Abe lùi lại ngày áp dụng tăng thuế TVA tới đầu 2017.

Thông tin này đều được các nhật báo Pháp lần lượt phản ánh trong số ra ngày hôm nay : « Nhật Bản suy thoái, sự chối bỏ khắc nghiệt đối với Abe » trên tờ Le Figaro, « Nhật Bản lại rơi vào suy thoái, Shinzo Abe từ bỏ chính sách khắc khổ » trên tờ Les Echos, hay « Dù có Abenomics, Nhật Bản vẫn bị suy thoái » tựa của Libération và « Nhật Bản lún sâu trong suy thoái » trên tờ Le Monde.

Ngoài thông tin trên, Le Monde phân tích chính sách phục hồi kinh tế của thủ tướng Nhật Bản dưới dòng tựa : « Cần xem xét lại hiệu quả của « Abenomics » ». Một chuyên gia nhận xét rằng những biện pháp được thông qua cho tới nay, còn quá cẩn trọng, vì thế mà không mang lại hiệu quả. Ngoài việc lạm phát giảm xuống, các chỉ số khác đều trong tình trạng « báo động đỏ » : đầu tư và lương đều không tăng. Và khi lương không tăng thì sức mua của các hộ gia đình, cũng như tăng trưởng cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Vậy tại sao « phép mầu » của thủ tướng lại không hiệu nghiệm ? Các nhà kinh tế học phân tích ba nguyên nhân chính. Trước hết, các cải cách cấu trúc được công bố hồi tháng 6 vừa qua để giải phóng tăng trưởng có vẻ còn rụt rè. Chính phủ quyết định giải phóng một số lĩnh vực và hành động để phát triển việc làm cho phụ nữ. Nhưng đất nước lại không mở cửa cho nhập cư, con đường duy nhất để bù đắp cho việc dân số trong độ tuổi lao động sụt giảm (giảm 0,5% hàng năm).

Ngoài ra, thủ tướng Abe ủng hộ các doanh nghiệp tăng lương, đổi lại được hưởng các chế độ thuế thuận lợi. Thế nhưng, các công ty này lại thổi phồng khoản tiền thưởng thay vì tăng lương cố định. Điều này cũng không khiến các gia đình tăng sức mua.

Cuối cùng, việc hạ giá thấp đồng yen cũng không giúp xuất khẩu phát triển như chính phủ mong muốn. Nguyên nhân là do nhu cầu của thế giới vẫn còn trì trệ. Hơn nữa, sản phẩm của Nhật Bản là hàng chất lượng cao, ít chịu ảnh hưởng biến đổi tỉ giá. Trái lại, đồng yen bị hạ thấp khiến nguyên vật liệu nhập khẩu tăng giá, đặc biệt là năng lượng. Bài báo kết luận, những tác động tiêu cực của chính sách Abenobics cuối cùng đã thắng những tác động tích cực.

Tại Trung Quốc, cách mạng sinh thái hay chịu ngạt thở

Dư âm của hội nghị khối G20 vẫn tiếp tục được đề cập trên các báo Pháp. Báo Le Monde đưa tin : « Lần đầu tiên, khối G20 cam kết với nhau về mặt khí hậu ». Còn tờ Les Echos, dưới dòng tựa : « Tại Trung Quốc, cách mạng sinh thái hay chịu ngạt thở », quan tâm tới sự thay đổi của hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc về vấn đề ô nhiễm môi trường.

Để có được bầu không khí bớt khói bụi khi đón các nước tới dự « Diễn đàn Phát triển châu Á-Thái Bình Dương » (Apec), Bắc Kinh đã phải giảm một nửa số lượng ô tô lưu thông trong những ngày này. Các cơ quan hành chính và trường học đóng cửa. Các hoạt động tại các công trường và khu công nghiệp bị ngừng tại thủ đô cũng như các tỉnh lân cận. Thế nhưng, những tuần trước đó, guồng máy làm việc không ngừng nghỉ để đạt công suất bù lại cho những ngày phải đóng cửa vì Diễn đàn.

Les Echos nhận định, đằng sau dấu hiệu mạnh mẽ của Trung Quốc, chứng tỏ rằng cơ quan đầu não của nhà nước đã ý thức được mức độ trầm trọng của ô nhiễm môi trường. « Cuộc chiến » chống ô nhiễm sẽ còn dài và khó khăn tại quốc gia này. Trước mắt, một luật mới về bảo vệ môi trường có hiệu lực từ năm 2015 và những điều khoản bó buộc hơn sẽ sớm được áp dụng cho các doanh nghiệp.

Luật cũng đưa ra nhiều điều mà các chuyên gia mong ước từ lâu : phạt tiền hàng ngày và mang tính răn đe hơn trước đối với những người gây ô nhiễm, kiểm tra lượng khí thải ô nhiễm của các nhà máy. Các tập đoàn lớn, phần đông là tập đoàn nhà nước, buộc phải công bố hàng ngày mức độ khí thải ô nhiễm. Điều này chưa bao giờ thấy tại Trung Quốc. Cũng lần đầu tiên, một số tỉnh có truyền thống phụ thuộc vào sử dụng than buộc phải giảm bớt lượng tiêu thụ.

Một chuyên gia lạc quan cho rằng cuối cùng cũng đã có một cơ hội đáng kể để phát triển, vì luật không chỉ tạo điều kiện hành động cho cơ quan quyền lực, mà còn tập trung thu hút sự tham gia của người dân thông qua các hệ thống theo dõi. Thế nhưng, ở lĩnh vực này, cũng như đa phần các vấn đề mà Trung Quốc phải đối mặt, thách thức chính là làm thế nào để áp dụng luật tại địa phương. Ngoài 180 tập đoàn lớn công bố lượng khí thải ô nhiễm, các công ty quy mô nhỏ hơn vẫn phớt lờ. Bằng cách này hay cách khác, họ vẫn không bị địa phương sờ gáy.

Giải pháp hay nhất, theo cách nhìn phương tây, là cơ quan tư pháp phải hoạt động độc lập. Như thế mới cho phép xét xử thích đáng những kẻ gây ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, Đại hội Đảng Trung Quốc vừa qua lại nhấn mạnh việc cơ quan tư pháp chịu sự quản lý của Đảng. Vì vậy, Bắc Kinh mới công bố một dự luật cải tổ hệ thống cấp bậc tư pháp để nới lỏng mối quan hệ giữa cán bộ và thẩm phán tại địa phương. Bài báo kết luận biện pháp này vẫn còn mông lung. Trong khi chờ đợi, chắc chắn các nhà máy tại thủ đô sẽ lại tiếp tục gây ô nhiễm bầu không khí để bù lại thời gian đã mất vì « Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ».

Một người Pháp cải đạo trong số những « đao phủ » của tổ chức Nhà nước Hồi giáo

Một trong những « đao phủ » của tổ chức Hồi giáo cực đoan (EI) là một công dân Pháp. Thông tin này có mặt trên các báo Pháp trong số ra ngày hôm nay. Thanh niên người Pháp, 22 tuổi, cải sang đạo Hồi từ năm 17 tuổi. Năm 2013, người này sang Syria với tư cách tình nguyện viên nhân đạo.

Dưới tựa đề : « « Nguyên nhân cao cả » của những kẻ thánh chiến phương Tây », báo Libération nhận xét hàng ngàn thanh niên đơn độc, đôi khi là thiếu niên, hay vừa mới cải sang đạo Hồi, từ bỏ cuộc sống hàng ngày, dấn thân vào cuộc thánh chiến vì một « nguyên nhân cao cả ». Hiện tượng này có từ 20 năm nay nhưng hiện nay trên quy mô lớn hơn.

Còn trả lời trên tờ Le Figaro, tỉnh trưởng Pierre N’Gahane phân tích chân dung những kẻ này. Theo ông, trong đa phần những thanh niên này, có rất nhiều người ngây thơ và yếu đuối. Họ thường xuất thân từ những gia đình tan nát hoặc có xích mích. Trước khi bước vào con đường này, họ thường tìm cách tìm lại chính mình và muốn cuộc sống có ý nghĩa hơn. Họ tự cải đạo, nhưng không phải sang đạo Hồi, mà sang cực đoan, đặt chân vào một « phái » gây nguy hiểm cho chính bản thân họ và cho toàn xã hội. 90% việc tuyển dụng được thực hiện qua mạng internet và 80% các tỉnh của Pháp bị ảnh hưởng.

Vẫn theo ông, trong trường hợp trên, phải hành động để tìm hiểu nguyên nhân sự yếu đuối của thanh niên. Không được đánh giá thấp đối thủ vì những kẻ tuyên truyền rất thủ đoạn và tỏ ra hiệu quả. Ông cho rằng cần phải sáng tạo để chống lại diễn văn của những kẻ trên và sử dụng internet để truyền đạt thông điệp của chính phủ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.