Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO

Thỏa thuận khí hậu Mỹ - Trung : có tiến bộ nhưng chưa đủ

Ngày 12/11/2014 đánh dấu hai thời khắc kịch sử : Thỏa thuận về khí hậu Mỹ Trung và tàu vũ trụ Rosetta thả robot Philae xuống sao chổi Tchouri.

Thỏa thuận Mỹ- Trung về khí hậu. Ảnh ngày 12/11/2014.
Thỏa thuận Mỹ- Trung về khí hậu. Ảnh ngày 12/11/2014. REUTERS/Kevin Lamarque
Quảng cáo

Khí hậu : Bắc Kinh nhìn thẳng vào sự thật

Rosetta, Philae làm lu mờ thỏa thuận lịch sử về khí hậu mà hai nước gây ô nhiễm nhất hành tinh là Mỹ và Trung Quốc đạt được hôm 12/11/2014. Nhưng trước khi trở lại với bước tiến rất dài trên con đường chinh phục không gian của nhân loại, xin tập trung vào các bài phân tích của làng báo Pháp về sự kiện « Trung Quốc chịu nhìn thẳng váo sự thật về vấn đề ô nhiễm ».

« Thỏa thuận lịch sử » là cụm từ được các báo Le Monde và Le Figaro dùng để nói về quyết tâm của Mỹ và Trung Quốc giảm khí thải gây hiệu ứng lồng kính làm hâm nóng trái đất. Les Echos so sánh : Khác với năm 2009 khi hai ông khổng lồ là Hoa Kỳ và Trung Quốc bất đồng, làm hỏng hội nghị về khí hậu tại Copenhagen, lần này, Washington và Trung Quốc tìm được một sân chơi chung. Nhưng đó là một thỏa thuận « với rất nhiều ẩn số ».

Le Figaro nhấn mạnh : Tổng thống Barack Obama và chủ tịch Tập Cận Bình đã gạt sang một bên những bất đồng sâu rộng để tìm ra đồng thuận trên hồ sơ khí hậu. Ngày 10/11/2014 tại Bắc Kinh, lãnh đạo hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới và cũng là hai nhà vô địch gây ô nhiễm nhất cho hành tinh, đã dùng bữa tối chung với nhau trong 5 giờ đồng hồ, để giải tỏa những khúc mắc trong quan hệ song phương.

Những bất đồng về hồ sơ hội nhập kinh tế tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, lồng trong bối cảnh địa chính trị là thực đơn chính trong buổi dạ tiệc hôm đó. Trong cuộc họp báo ngày hôm sau, tổng thống Hoa Kỳ không phủ nhận là giữa Washington và Bắc Kinh hãy còn có « nhiều quan điểm khác nhau (…) nhưng đôi bên cố gắng vượt lên trên tất cả để đối thoại một cách xây dựng ». Thỏa thuận về khí hậu là bằng chứng rõ rệt nhất của nỗ lực xích lại gần nhau giữa hai quốc gia có trách nhiệm.

Đối với Le Monde, đây là « một bước tiến quyết định » cho thượng đỉnh quốc tế về biến đổi khí hậu được tổ chức vào cuối 2015 tại Paris. Le Monde nhắc lại một cách ngắn gọn : theo báo cáo của Global Carbon Project, năm 2013, Trung Quốc thải ra 9,9 tỷ tấn khí carbon CO2, tương đuơng với 27,3 % lượng khí thải gây hiệu ứng lồng kính của toàn cầu. Lượng khí thải làm hâm nóng trái đất của Mỹ là 5,2 tỷ tấn - tức tương đương với hơn 14 %. Do vậy việc hai quốc gia gây ô nhiễm nhất thế giới tìm được đồng thuận với nhau là một « tín hiệu tốt cho nhân loại ».

Thỏa thuận lịch sử thỏa thuận hay tối thiểu ?

Libération ghi nhận lần đầu tiên chính quyền Bắc Kinh đưa ra một thời hạn cụ thể và cam kết giảm khí thải CO2 làm hâm nóng trái đất kể từ năm 2030. Từ 8 năm qua, Trung Quốc là nguồn gây ô nhiễm số 1 của thế giới. Sức chịu đựng của người dân xứ này trước những tác động tai hại của nạn ô nhiễm đã bắt đầu giảm đi đáng kể.

Thông tín viên của tờ báo tại Bắc Kinh trích lời một số nhà quan sát Trung Quốc, theo đó : cử chỉ ngoạn mục từ phía ông Tập Cận Bình không làm thay đổi gì nhiều trên thực tế. Trung Quốc chỉ nói một cách chung chung là đề ra mục tiêu giảm -hay nói đúng hơn là giới hạn -lượng khí thải gây ô nhiễm vào « năm 2030 hoặc sớm hơn ».

Nhưng ngoài thời điểm 2030 ra, thì Bắc Kinh đã tỏ ra « rất mơ hồ » bởi Trung Quốc ý thức được rằng, nền kinh tế nước này sẽ phải hy sinh nhiều. Như lời một dân cư ở ngay thủ đô Trung Quốc nới với ký giả của báo Libération : « Đừng quên rằng, ưu tiên hàng đầu của các nhà cầm quyền Bắc Kinh luôn là tỷ lệ tăng trưởng kinh tế chứ không phải là sức khỏe của nhân dân ».

Giới bảo vệ môi trường ở Pháp được L'Humanité trích dẫn ghi nhận : thỏa thuận « lịch sử » mà quốc tế nói tới trong 24 giờ qua, thực sự chỉ là một thỏa thuận tối thiểu. Phía Washington đề ra mục tiêu vào năm 2025 sẽ giảm từ 26 đến 28 % khí thải so với cột mốc của năm 2005. Mà 2005 là thời điểm mà Mỹ thải khí CO2 nhiều nhất. Còn đối với Bắc Kinh thì Trung Quốc chưa có ý định giảm bớt việc sử dụng than đá.

Đó là chưa kể, nhìn sang phía Hoa Kỳ, các tờ báo Paris đưa ra nhận định chung : thỏa thuận lịch sử mà ông Obama đạt được với ông Tập Cận Bình sẽ không dễ thuyết phục đảng Cộng hòa vừa chiếm đa số ở Quốc hội lưỡng viện. « Hành lang hoạt động hạn hẹp » của Obama, tựa trên tờ báo công giáo La Croix.

Sức mạnh của hàng không Trung Quốc

Cũng liên quan tới Trung Quốc, Le Monde chú ý tới hội chợ hàng không Trung Quốc đang mở ra tại Châu Hải, ngoại thành Thâm Quyến, cách không xa Hồng Kông. Tại đây mọi người chú ý đến máy bay tàng hình đời mới của không quân Trung Quốc là chiếc J-31 và chiếc hàng không dân sự sắp được trình làng C919.

Bắc Kinh đề ra tham vọng trở thành một trong những nhà sản xuất máy bay dân sự hàng đầu của thế giới trong tương lai không xa, cạnh tranh trực tiếp với Boeing và Airbus. Hai tập đoàn AVIC và Comac là cánh tay nối dài để Trung Quốc đạt được mục tiêu trở thành một trong những nhà sản xuất máy bay dân sự lớn trên thị trường quốc tế

AVIC là một đại tập đoàn với 500.000 nhân viên hiện diện trong rất nhiều lĩnh vực từ ngành công nghiệp hàng không đến chế tạo máy điều hòa không khí và địa ốc. Comac thì thuần túy là một tập đoàn lớn của Trung Quốc trong lĩnh vực chế tạo máy bay.

Theo lời một chuyên gia Pháp trong thời gian gần đây, Trung Quốc đang trên đà bắt kịp hai đại gia của ngành chế tạo máy bay trên thế giới là Airbus và Boeing. Chìa khóa dẫn đến thành công là Trung Quốc đã tiếp thu rất nhanh và rất nhiều công nghệ trong lĩnh vực này. Tuy nhiên trước mắt máy bay do Trung Quốc chế tạo hãy còn kém chất lượng so với các sản phẩm của hai hãng của Mỹ và châu Âu.

Nhưng xét cho cùng, theo tác giả bài báo, sự hiện diện của một đối thủ mới trên thị trường có lẽ cũng là điều tốt khi mà Airbus và Boeing bắt buộc phải tiến xa hơn nữa về mặt công nghệ để bảo vệ ưu thế của mình.

Rosetta, cuộc cách mạng của ngành công nghiệp không gian châu Âu

Một thời khắc lịch sử khác là vào lúc 17 giờ 03 phút, giờ Paris ngày 12/11/2014, tàu thăm dò Philae đã đáp xuống sao chổi 67P/Tchourioumov-Guerassimenko. « Nhân loại đổ bộ lên sao chổi », tựa chính trong phần trang khoa học của báo Le Figaro. « Nhân loại cưỡi sao chổi », tựa của báo L'Humanité. Sự kiện này được coi như quan trọng không kém so với những bước chân đầu tiên của Neil Amstrong trên mặt trăng ngày 21/07/1969. Libération chơi chữ «Một bước nhảy vọt lớn của Philae, một bước tiến thực sự của nhân loại ».

Báo La Croix nhấn mạnh tới mục tiêu của cuộc hành trình 10 năm từ Trái Đất lên sao chổi Tchouri : Tìm hiểu về nguồn gốc sự sống trên hành tinh của chúng ta. Trong bài xã luận tờ báo nhắc lại : 20 quốc gia tham dự vào dự án đưa tàu vũ trụ Rosetta thám hiểm sao chổi Tchouri. 1,4 tỷ euro là cái giá để « Châu Âu chinh phục không gian một cách hòa bình ». Libération bổ sung thêm : trong 15 năm qua, hơn 2.000 nhà khoa học, kỹ sư châu Âu đã làm việc chung, qua khoảng 50 tập đoàn, trung tâm nghiên cứu để có được thời khắc lịch sử khi robot Philae nặng 100 ký đáp xuống sao chổi có đường kính chưa đầy 4 cây số.

Kỳ công của tàu thám hiểm Philae, theo La Croix, là bằng chứng rõ rệt nhất khẩu hiệu « đoàn kết là sức mạnh » không chỉ là lời nói suông. Ý chí và sự đoàn kết của các nhà khoa học Châu Âu là động lực đưa Rosetta và Philae đến tận một phương trời cách xa chúng ta đến 510 triệu cây số.

Cách nay hơn một chục năm phi thuyền Ariane cho phép tàu vũ trụ Rosetta vượt 6,5 tỷ cây số để đồng hành với sao chổi Tchouri. Rosetta đều đặn được duy trì ở tốc độ 66.000 cây số giờ. Thế rồi có những lúc Rosetta đã hoàn toàn « im lặng ». Philae đã giữ bí mật cho tới phút cuối cùng. Kể từ khi tách rời khỏi Rosetta, robot thăm dò này đã mất đến 7 tiếng đồng hồ mới đáp xuống tới sao chổi mang tên hai nhà khoa học Ukraina. Trong 7 giờ đó, các nhà khoa học châu Âu gần như nghẹt thở !

Vũ trụ không dễ vén màn bí mật

Libération như đoán được trước trí tò mò của độc giả khi tìm cách trả lời câu hỏi : tới được Tchouri rồi, nhiệm vụ sắp tới của tàu thám hiểm Philae là gì ? Philae là một dạng phòng thí nghiệp thu nhỏ, được trang bị hàng chục loại máy móc, ống kính, màn hình …khác nhau. Một trong những mục tiêu hàng đầu là để phân tích địa chất của sao chổi, từ đó cho phép trả lời câu hỏi phải chăng sự sống trên trái đất bắt nguồn từ sao chổi.

Đường hãy còn dài. Vũ trụ không dễ chia sẻ với loài người những bí mật của riêng mình. Chỉ biết rằng Philae đã bắt tay ngay vào việc. Được trang bị hai bình điện, một với pin bình thường và một trông cậy vào năng lượng mặt trời. Trên nguyên tắc, tàu thăm dò sẽ thu thập và cung cấp cho trái đất nhiều thông tin từ nay cho tới tháng 3 sang năm. Sau đó một khi sao chổi Tchouri tiến đến quá gần mặt trời, thì Philae sẽ bị thiêu rụi. Về phần mình, tàu vũ trụ Rosetta vẫn tháp tùng Tchouri cho tới tận cuối tháng 12/2015.

Thái Lan, xưởng sản xuất đồ trang sức của Đan Mạch

Trước khi khép lại các tờ báo Paris trong ngày, xin được điểm qua phóng sự của tờ Le Monde về Thái Lan nơi đang trở thành xưởng sản xuất đồ trang sức của nhãn hiệu Pandora, Đan Mạch. Khu vực Gemopolis ở Bangkok là nơi hàng ngày gần 8.000 công nhân Thái Lan lui tới. Nhãn hiệu Pandora của Đan Mạch là một trong số 130 khách hàng đặt cơ sở tại đây. Chínht ừ khu này, dây chuyền đeo tay, đeo cổ, nhẫn và tất cả các loại đồ trang sức mang nhãn hiệu Pandora ra lò trước khi đến tay người tiêu dùng ở khắp năm châu.

Tập đoàn Đan Mạch này năm ngoái trông thấy khoản tiền lãi của mình tăng hơn 40 % chính là nhờ vào những bàn tay khéo léo và đồng lương khá rẻ của giới thợ bạc Thái Lan. Cũng nhờ lao động rẻ của Thái mà Pandora không hề biết khủng hoảng là gì. Tại Gemopolis, nhà máy mở cửa 24 giờ trên 24 và đây là nơi mà trong năm qua 79 triệu sản phẩm được ra lò. Mỹ Anh, Úc và Đức hiện là 4 thị trường quan trọng nhất của Pandora. tại Thái Lan tập đoàn này qua trung gian của một đối tác địa phương tuyển dụng đến 3.000 nhân công. Lương tối thiểu là 9000 baht hàng tháng –tương đương với 220 euro.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.