Vào nội dung chính
HOA KỲ - IRAN - HẠT NHÂN

Đối thoại trực tiếp Mỹ- Iran về hạt nhân tại Oman

Hai tuần trước hạn chót về thỏa thuận toàn diện hạt nhân Iran, Ngoại trưởng Hoa Kỳ và Iran họp tại Muscat, thủ đô Oman để thúc đẩy hồ sơ nhạy cảm này.  Đôi bên tìm cách tiến tới một thỏa thuận toàn diện khép lại khủng hoảng đã kéo dài hơn một chục năm qua.

Ngoại trưởng Mỹ và Iran, J. Kerry (phải) và M.J. Zarif tại thủ đô Oman. Ảnh ngày 09/11/2014.
Ngoại trưởng Mỹ và Iran, J. Kerry (phải) và M.J. Zarif tại thủ đô Oman. Ảnh ngày 09/11/2014. Reuters
Quảng cáo

Trước mắt, chủ yếu Washington và Teheran còn bất đồng trên hai điểm : Quy mô chương trình làm giàu chất Uranium của Iran trong tương lai và lịch trình cũng như thể thức xóa bỏ các biện pháp cấm vận của quốc tế nhắm vào Iran.

Theo lời Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, hãy còn « cách biệt » về quan điểm của hai bên trên hai điểm vừa nêu, nhưng nếu phía Hoa Kỳ bày tỏ thiện chí thì Mỹ và Iran "sẽ nhanh chóng đạt được thỏa thuận ". Đại diện ngoại giao Iran nói thêm là kể từ khi hai nước cựu thù mở đối thoại trực tiếp từ tháng 9/2014, đôi bên đồng ý tập trung vào các giải pháp nhiều hơn là vào những bất đồng.

Cuộc họp song phương tại thủ đô Oman hôm nay diễn ra trong bối cảnh có nhiều nguồn tin cho biết, Tổng thống Hoa Kỳ gửi thư đến lãnh đạo tối cao Iran, Ayatollah Ali Khamenei. Trong thư, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh đến những " lợi ích chung của Iran và phương Tây tại Trung Đông ". Về phần mình, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry bác bỏ mọi bình luận gắn liền hồ sơ hạt nhân Iran với cuộc chiến chống quân thánh chiến Hồi giáo tại Syria và Irak.

Theo giới quan sát, hai tuần lễ trước hạn chót để Iran và nhóm 5+1 –gồm Mỹ, Pháp, Anh, Trung Quốc, Nga và Đức - đạt được một thỏa thuận chung về chương trình hạt nhân của Iran, các bên hãy còn nhiều bất đồng, nhưng cả phía Hoa Kỳ lẫn Iran cùng đang chịu nhiều áp lực nội bộ.

Tại Mỹ, đảng Cộng Hòa đối lập vừa thắng lớn trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, kiểm soát Quốc hội lưỡng viện. Đảng Cộng Hòa vốn thận trọng trên hồ sơ Iran và nhiều nhà phân tích không loại trừ khả năng đảng này sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt nhắm vào chính quyền Teheran.

Còn tại Iran, Quốc hội do phe bảo thủ chiếm đa số. Những thành phần cực đoan nhất trên chính trường Iran liên tục chỉ trích chính quyền của Tổng thống Rohani nhượng bố quá nhiều các nước phương Tây.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.