Vào nội dung chính
APEC

Đôi điều cần biết về APEC

Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương gọi tắt theo tiếng Anh là APEC, sẽ họp hội nghị thượng đỉnh trong hai ngày 10 và 11 tháng 11 tuần tới tại Bắc Kinh, tập hợp lãnh đạo của 21 quốc gia và vùng lãnh thổ chiếm hơn một nửa của nền kinh tế toàn cầu, có mẫu số chung là nằm hai bên bờ Thái Bình Dương. Đây là dịp để tìm hiểu thêm về định chế này.  

Địa điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh APEC ở Bắc Kinh, 06/11/2014.
Địa điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh APEC ở Bắc Kinh, 06/11/2014. REUTERS/Kim Kyung-Hoon
Quảng cáo

APEC được thành lập năm 1989 theo sáng kiến của Úc để thúc đẩy thương mại và hợp tác kinh tế giữa các quốc gia xung quanh Thái Bình Dương. Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên, tổ chức tại Canberra, thoạt đầu chỉ quy tụ 12 quốc gia. Trung Quốc, nước chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh năm nay, đã gia nhập APEC vào năm 1991 cùng với Đài Loan và Hồng Kông.

APEC là một cơ chế khu vực hiếm hoi có Đài Loan là thành viên, vì lẽ Đài Loan bị Bắc Kinh cấm cửa ở hầu như tất cả các định chế khác mà Trung Quốc là thành viên. Chính do sự hiện diện của Đài Loan và Hồng Kông trong tư cách là một thành viên trọn vẹn mà các thành viên APEC được chính thức mệnh danh là các « nền kinh tế », một cách gọi để tránh làm mất lòng Trung Quốc, vốn không công nhận Đài Loan là một quốc gia. Trong APEC, Đài Loan được gọi là « Trung Hoa Đài Bắc ».

Chính là dựa trên cách gọi « các nền kinh tế » vừa kể mà Bắc Kinh đã yêu cầu là Diễn đàn APEC phải giới hạn mình trong các vấn đề kinh tế mà thôi. Tuy nhiên, với sự hiện diện của hầu như tất cả các lãnh đạo hàng đầu trên thế giới, ngoại trừ Châu Âu và Châu Phi, các vấn đề chính trị không thể không bàn thảo, nhưng trong hậu trường, trong khuôn khổ các cuộc họp song phương hay đa phương bên lề hội nghị chính thức.

Trọng lượng kinh tế của APEC rất lớn

Nếu tính theo châu lục, 21 thành viên APEC được phân bổ như sau : Châu Á và Úc gồm Úc, Brunei, Trung Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Papua New Guinea, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam. Phia châu Mỹ và châu Âu gồm Canada, Chile, Hoa Kỳ, Mêhicô, Peru, và Nga.

Hiện nay, khoảng một chục quốc gia đã chính thức xin làm thành viên APEC như Ấn Độ, Pakistan, Colombia và Panama.

Nhìn chung, APEC đại diện cho khoảng 40% dân số thế giới, chiếm hơn 50% GDP toàn cầu và 44% thương mại quốc tế.

Các hoạt động của APEC tuân thủ nguyên tắc đồng thuận, với các quyết định không mang tính chất ràng buộc đối với các thành viên. Chính vì vậy mà APEC bị mang tiếng là một diễn đàn hình thức vô bổ, nơi mà các lãnh đạo thế giới đến nói chuyện vô bổ với nhau và chụp hình lưu niệm trong trang phục truyền thống của nước đăng cai Hội nghị.

Hội nghị thượng đỉnh hàng năm vào năm ngoái của APEC được tổ chức tại Vladivostok ở vùng Viễn Đông của Nga. Qua năm tới 2015, sự kiện này sẽ được tổ chức tại Philippines.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.