Vào nội dung chính
HOA KỲ - BẦU CỬ - ĐIỂM BÁO

Bầu cử giữa kỳ: Dân Mỹ chống Obama

Kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ là chủ đề nổi cộm trên hầu hết các nhật báo lớn tại Pháp hôm nay 06/11/2014. Với kết quả phe Cộng hòa chiếm giữ đa số tại Nghị viện, uy tín của Tổng thống Mỹ không chỉ suy giảm ở trong nước mà ngay cả trên trường quốc tế, là nhận định chung của các tờ báo. Tổng thống Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn cho hai năm cuối nhiệm kỳ trên nhiều hồ sơ lớn từ chính sách đối nội, kinh tế cho đến đối ngoại.

Tổng thống Mỹ Barack Obama trong buổi họp báo tại Nhà Trắng, ở Washington, ngày 05/11/2014.
Tổng thống Mỹ Barack Obama trong buổi họp báo tại Nhà Trắng, ở Washington, ngày 05/11/2014. REUTERS/Larry Downing
Quảng cáo

Theo các báo, thất bại của phe Dân chủ trong đợt bầu cử giữa kỳ lần này là một cái tát dành riêng cho ông Obama. Cuộc bầu cử còn được xem như là kết quả của một cuộc trưng cầu dân ý về chương trình hành động của Tổng thống. " Cuộc bầu cử chứng minh ở mức độ nào đó, người Mỹ không tìm thấy một chút cải thiện về kinh tế. Hơn 2/3 số người được hỏi nghĩ rằng đời sống của thế hệ tương lai kém tươi sáng hơn như họ hiện nay ", theo như bài viết " Barack Obama bị cô lập hơn bao giờ hết sau khi mất Thượng viện " trên Les Echos.

Không những cử tri Mỹ - những người từng bỏ phiếu ủng hộ ông trong hai đợt bầu cử Tổng thống, mà ngay chính cả những dân biểu đảng Dân chủ - những người từng giành thắng lợi nhân lúc ông Obama đắc cử, cũng quay lưng lại với Tổng thống. Họ cho rằng chính Tổng thống là " thủ phạm đầu tiên " của thất bại lần này.

Sai lầm chiến thuật của phe Dân chủ

Tuy nhiên, Le Figaro lại thấy rằng thất bại đó không chỉ riêng của mình ông Obama mà còn là cả sai lầm chiến thuật của phe Dân chủ trong suốt quá trình vận động. Sở dĩ, " Làn sóng đỏ Cộng hòa nhấn chìm được Barack Obama ", như tựa đề bài viết của Le Figaro là vì họ đã biết rút ra bài học sai lầm của hai đợt bầu cử giữa nhiệm kỳ 2010 và 2012.

Một mặt, phe Cộng hòa đã biết sắp xếp các ứng viên, gạt bỏ những người nào họ cho là gây rắc rối, ưu tiên cho những nhân vật được cho là trung dung nhất. Mặt khác, họ đã biết tận dụng và " lướt trên làn sóng chống Obama ", nhấn mạnh rằng «"Tổng thống đương nhiệm là người bất tài ".

Theo Le Figaro kết quả của hôm thứ Ba (04/11/2014) vừa qua phản ảnh rõ nét " sự mệt mỏi quá độ của người dân Mỹ trước một chiến thuật vận động quá kỹ thuật của các ứng viên Dân chủ, tập trung chủ yếu vào các nhóm thiểu số : Bình đẳng lương bổng nam – nữ, người Mỹ da đen hay Mỹ La-tinh ".

Thất bại trong bầu cử giữa kỳ: Uy tín của Obama suy yếu trên trường quốc tế

Tóm lại, cả " Nước Mỹ bỏ phiếu chống lại Obama và giao Quốc hội lưỡng viện cho phe Cộng hòa " như hàng tựa nhận định trên La Croix. Với thắng lợi hôm thứ Ba của phe Cộng hòa, trên bình diện đối nội, rõ ràng ông Obama đã bị « suy yếu » (Le Monde). Tổng thống Mỹ buộc phải hoàn tất hai năm cuối nhiệm kỳ với " đôi tay bị trói chặt " (Libération).

Một khi chính thức đi vào hoạt động (vào tháng Giêng năm 2015), phe Cộng hòa sẽ làm chủ các nghị trường. " Tổng thống đã bị cụt tay. Từ giờ trở đi, chính đối thủ của ông sẽ lên chương trình nghị sự tại Washington, ấn định các ưu tiên hàng đầu và thông qua các dự luật của họ ", theo như nhận định của ông Gregory Weeks, Giám đốc khoa Khoa học chính trị trường Đại học Bắc Carolina, được La Croix trích dẫn lại.

Một điểm các báo Pháp cùng đồng tình: Đó là phe Cộng hòa chắc chắn sẽ tìm cách cản trở Tổng thống từ việc bổ nhiệm các quan chức cao cấp cho đến nhiều chính sách cải cách như sở hữu vũ khí, hợp pháp hóa dân nhập cư… nhất là về chính sách môi trường tại Hoa Kỳ.

Le Monde trong bài xã luận đề tựa " Barack Obama bị suy yếu trên trường quốc tế " cho hay phe Cộng hòa xem " hiện tượng khí hậu ấm dần là một câu chuyện nhảm nhí do phe tả dựng lên. Không có gì có thể cản trở việc khái thác than đá, dầu hỏa và khí đốt hay tính cạnh tranh của doanh nghiệp Mỹ. Đến mức có thể nói là triển vọng thấy phe Cộng hòa phê chuẩn một thỏa thuận nào đó về cuộc chiến chống lại hiệu ứng nhà kính là điều không tồn tại "

Về đối ngoại, chắc chắn là các nghị sĩ Cộng hòa sẽ phản đối thỏa thuận về hạt nhân với Iran, vốn dự định khởi đầu bình thường hóa quan hệ giữa Washington với Teheran. Bất chấp một sự tiến triển như thế là một trong những triển vọng ổn định hiếm hoi trong khu vực. Về hồ sơ này, cũng như là hồ sơ Israel – Palestine, các nghị sĩ Cộng hòa có xu hướng đi theo lập trường của chính phủ Benyamin Netanyahou.

Riêng về phần Nga, bài xã luận của Le Monde cảnh cáo Matxcơva cũng đừng quá vội mừng trước thất bại của ông Obama. Bởi vì, đa số phe Cộng hòa có nguy cơ thúc đẩy Nhà Trắng xiết chặt hơn nữa các lệnh trừng phạt.

Vậy ông phải làm sao ? " Kháng cự hay đàm phán ? " là câu hỏi của Libération. Bài phân tích cho rằng đương nhiên ông Obama " không có ý định để bị chôn sống tại Nhà Trắng ". Hoặc ông có thể tìm kiếm được sự đồng thuận với phe Cộng hòa trên một số hồ sơ kinh tế như cải cách luật thuế, các thỏa thuận trao đổi tự do mậu dịch với Châu Âu và Châu Á hay kéo dài đường ống dẫn dầu Keystone (nối Canada với Hoa Kỳ). Hoặc ông Obama cũng có thể sử dụng quyền phủ quyết hay ban hành các sắc lệnh Tổng thống như một số đời Tổng thống trước đây đã từng làm.

Bắc Triều Tiên đang âm thầm đe dọa láng giềng

Về thời sự Châu Á, báo Libération, dựa trên các thông tin của hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap và một số nguồn tin khác, cho biết " Các nước láng giềng lo ngại về những chiếc tàu ngầm bí ẩn của Bắc Triều Tiên ". Giả thuyết Bắc Triều Tiên đang đẩy mạnh chương trình chế tạo tên lửa đạn đạo ngày càng củng cố với việc Bình Nhưỡng đang hiện đại hóa một tàu ngầm có khả năng phóng tên lửa đạn đạo. Điều này làm cho Hàn Quốc và Nhật Bản lo ngại.

Theo Liberation, Bắc Triều Tiên vào năm 1993 dường như đã mua một chiếc tàu ngầm do Liên Xô cũ chế tạo, loại Golf 2. Trong thời gian từ 1958 đến 1990, Liên Xô đã chế tạo 23 chiếc tàu ngầm loại này, trong khuôn khổ dự án có mật danh là « Projet 629 ». Hiện nay, hạm đội tàu ngầm của Bắc Triều Tiên có từ 70 đến 90 chiếc.

Website Vĩ tuyến bắc 38, chuyên theo dõi thông tin Bắc Triều Tiên, thuộc đại học Johns Hopkins, Hoa Kỳ, đã phát hiện ra chiếc tàu ngầm nói trên. Vào tháng trước, trên cơ sở ảnh vệ tinh, nhà phân tích S.Bermudez, cho rằng có một chiếc tàu ngầm hiện diện ở phía nam xưởng đóng tàu Sinpo, tỉnh Hamgyong, miền duyên hải phía đông Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, website Vĩ tuyến bắc 38 không thể nhận diện một cách chắc chắn đó là tàu ngầm.

Ngày 28/10 vừa qua, website đăng tải các ảnh vệ tinh chụp một căn cứ tàu ngầm và một dàn phóng tên lửa. Theo chuyên gia Bermudez, rất có thể Bắc Triều Tiên muốn thử nghiệm " phóng tên lửa đạn đạo từ tầu ngầm hoặc từ một hệ thống phóng tên lửa theo chiều thẳng đứng ". Tuy nhiên, theo ông Bermudez, Bình Nhưỡng phải cần nhiều năm nữa để thiết kế, phát triển và chế tạo loại tên lửa đạn đạo được phóng đi từ tàu ngầm.

Nhưng giới quân sự Hàn Quốc thẩm định, trong khoảng từ một đến hai năm nữa, Bắc Triều Tiên có thể phóng được tên lửa theo chiều thẳng đứng, từ biển. Các chuyên gia quân sự này nhắc lại rằng từ nhiều năm nay, Bắc Triều Tiên đã phát triển dự án thu nhỏ đầu đạn hạt nhân, để gắn vào tên lửa đạn đạo.

Sau vụ thử hạt nhân lần thứ ba, vào năm 2013, Bắc Triều Tiên đã gia tăng các vụ bắn hoặc thử nghiệm các loại tên lửa, đặc biệt là từ mùa xuân năm nay. Tháng Sáu vừa qua, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã tới thăm đơn vị hải quân 167 và các bức ảnh được công bố cho thấy ông ta bên cạnh tháp một chiếc tàu ngầm màu xanh đen và có một vài chỗ bị hoen rỉ.

Quan hệ Trung-Nga « nồng ấm » kỳ lạ

Nhật báo Công giáo La Croix nhìn sang Trung Quốc với bài viết đề tựa " Bắc Kinh và Matxcơva hội tụ trên dòng Hắc Long Giang ". Trong bối cảnh, Nga ngày càng bị phương Tây cô lập, quan hệ Nga – Trung lại trở nên nồng ấm một cách lạ kỳ.

Sự sưởi ấm quan hệ giữa đôi bên được thể hiện rõ nét nhất tại Blagovechtchensk và Hắc Hà, hai thành phố biên giới Nga-Trung. Chính tại nơi đây Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký kết xây dựng một đường ống cung cấp khí đốt từ Nga sang Trung, trị giá 300 tỷ euro.

Bên cạnh ký kết khí đốt, nhiều thỏa thuận quan trọng khác cũng đã được ký kết: Nga sẽ mở nhiều khu khai thác nguyên vật liệu tại vùng phía đông này chứ không còn ở Tây Siberia như lúc trước. Điều này cũng nằm trong quyền lợi của Trung Quốc. Bắc Kinh luôn tìm cách đa dạng các nguồn năng lượng nhằm thỏa mãn nhu cầu cơn khát năng lượng ngày càng tăng của người dân và ngành công nghiệp.

Nhưng thỏa thuận đó cũng phù hợp với quyền lợi của Nga. Vào lúc mà quan hệ với Châu Âu ngày càng băng giá do cuộc khủng hoảng tại Ukraina, Trung Quốc lúc này lại là khách hàng chính của Matxcơva.

Tại thành phố biên giới Blagovechtchensk của Nga, các trường chuyên dạy về tiếng Hoa nở rộ. “Ngày càng có nhiều giới trẻ bắt đầu học tiếng Hoa để được đi đó đây. Nhiều người trong số họ mơ ước kiếm việc làm tại Hồng Kông, Thượng Hải hay Bắc Kinh”, theo lời thuật của một nhân chứng người Hoa tại đây.

Sự hiện diện của người Trung Quốc trong lãnh vực kinh tế ngày một rõ nét, đầu tư chủ yếu trong lãnh vực đá quý, mua đất đai và buôn bán. Đàn ông Trung Quốc đến tìm vợ người Nga ngày cũng nhiều hơn. Du lịch đôi bên cũng gia tăng nhờ vào chính sách miễn thị thực nhập cảnh.

La Croix nhận thấy cả hai thành phố biên giới liên tiếp đưa ra những chiến thuật để gây ấn tượng lẫn nhau, theo chỉ thị từ xa của Bắc Kinh và Matxcơva. Kết quả là nhà cửa tại thành phố biên giới của Nga mọc lên như nấm, nhiều công trình cơ sở được đầu tư mới như khu giải trí, nhà thờ Cơ đốc giáo hay bể bơi…

Thế nhưng, theo một thành viên đối lập hiếm hoi tại Blagovechtchensk, “đàng sau những điều đó là cả một ván cờ chính trị…”. Ẩn sau các thỏa thuận kinh tế, Bắc Kinh chưa bao giờ từ bỏ ý định của mình tại Sibéria. Bởi vì, trong quá khứ, một phần đất Sibéria từng thuộc về Trung Hoa. Tuy là chưa có gì rõ ràng, nhưng “Những gì Nga đã làm với vùng Crimée, thì tại sao Bắc Kinh lại không thể lặp lại ở đây hay Đài Loan chẳng hạn” theo như nhận định của nhà đối lập trên.

Trang nhất các báo Pháp

Trang nhất các báo Pháp khá đa dạng. Le Monde và Le Figaro xoáy vào kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Hoa Kỳ lần lượt qua hai tít lớn " Nước Mỹ sang trang những năm tháng Obama " và " Chấm dứt sự ngự trị đối với Barack Obama ". Libération quan tâm đến nạn phân biệt chủng tộc trong làng bóng đá Pháp qua hàng tựa " Bóng đá không phân biệt sắc tộc nhưng… " . Nhật báo công giáo La Croix chú ý đến tình hình chính trị trong nước, với hình ảnh Tổng thống François Hollande, gương mặt đăm chiêu, bên cạnh hàng tựa " Hollande, đối diện với nghịch cảnh ". Nhật báo kinh tế Les Echos có vẻ phấn khởi cho tính cạnh tranh của doanh nghiệp Pháp qua hàng tít "Chi phí sản xuất: chênh lệch giữa Pháp và Đức đang được rút ngắn".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.