Vào nội dung chính
CHÂU ÂU

Bầu cử Ukraina : khả năng nhiều chỉ huy tự vệ vào Quốc hội

Ngày 26/10/2014, hơn 30 triệu cử tri Ukraina được kêu gọi bỏ phiếu bầu Quốc hội trước kỳ hạn. Chiến tranh vẫn tiếp diễn ở miền Đông. Liên minh của Tổng thống Porochenko có nhiều cơ hội về đầu, với 30% cử tri dự kiến bầu.

Bầu cử Ukraina. Ảnh ngày 26/10/2014.
Bầu cử Ukraina. Ảnh ngày 26/10/2014. ©REUTERS/Maks Levin
Quảng cáo

Một điểm nổi bật được các nhà quan sát ghi nhận là những gương mặt mới xuất thân từ phong trào phản kháng chống chính quyền Ianoukovitch trước đây, đặc biệt là nhiều chỉ huy các đơn vị tự vệ tham chiến tại Donbass, rất có thể sẽ trở thành nghị sĩ.

Các phòng bỏ phiếu bầu cử Quốc hội Ukraina được mở cửa ngay từ 6 giờ sáng, GMT, và đóng cửa vào lúc 18 giờ quốc tế. Trong số 29 đảng phái tham gia tranh cử, chỉ có từ 5 đến 6 đảng thân phương Tây có khả năng lọt vào Quốc hội, theo giới quan sát. Đảng Ukraina hùng mạnh, hậu thân của đảng Các vùng của cựu Tổng thống thân Nga khó vượt mức 5% cử tri ủng hộ để vào Quốc hội, trong bối cảnh bầu cử không diễn ra tại bán đảo Crimée và vùng Donbass ly khai, nơi tập trung chủ yếu cư dân nói tiếng Nga. 

Một ghi nhận được nhiều nhà quan sát chia sẻ là đông đảo cử tri quan tâm và đặt nhiều hy vọng vào cuộc bầu cử này. Hai đặc phái viên của RFI, Boris Vichith và Anastasia Becchio, có cuộc gặp với bà Anastasia Kransnosilska, một thành viên của đảng Liên minh Dân chủ. Theo bà, « Các cử tri muốn có một cuộc bầu cử minh bạch và công bằng. Đồng thời họ cũng đòi hỏi cao hơn đối với những người nắm quyền ». Tuy nhiên, số lượng người tham gia dự kiến sẽ không tăng hơn so với những kỳ bầu cử trước, ước tính khoảng 5°-60% cử tri, theo các chuyên gia. 

Chấp nhận tổ chức bầu cử trước kỳ hạn, chính quyền Ukraina đã đáp ứng một trong các đòi hỏi của phong trào biểu tình mùa đông vừa qua. Nhà chính trị học Volodymyr Fessenko, thuộc trung tâm Penta – Kiev, nhận xét cuộc bầu cử này là một giai đoạn quan trọng trong tiến trình đổi mới quyền lực tại Ukraina trong giai đoạn « hậu chính biến Maidan », tiếp theo việc lựa chọn một Tổng thống mới, sẽ phải là một Quốc hội mới.

Điểm quan trọng thứ hai được nhà nghiên cứu nhấn mạnh là chủ đề chính của cuộc tranh cử lần này là « chiến tranh và hòa bình theo nghĩa rộng, với những câu hỏi như : Cần phải có những quan hệ như thế nào với nước Nga ? Đối xử thế nào với vùng Donbass ? Nhiều đảng phái đã đưa các ứng cử viên được coi những anh hùng chiến tranh vào danh sách ứng cử viên. Có khoảng từ 5 đến 10 người như vậy trong mỗi danh sách. Đây chính là một cách thức để sử dụng ngọn lửa yêu nước của nhân dân vào các mục tiêu tranh cử ». 

Chuyên gia về các vấn đề an ninh Ukraina, Oleksiy Melnik, nhận định việc các chỉ huy các đơn vị tình nguyện muốn tham gia vào tiến trình bầu cử là một dấu hiệu « khẳng định việc họ muốn tham gia vào cuộc chơi dân chủ, chính trị ». Một số nhà phân tích dự báo sự có mặt của nhiều chỉ huy tự vệ trong Quốc hội tương lai, với quan điểm được đánh giá là « dân tộc chủ nghĩa cực đoan », có thể sẽ gây khó khăn cho chiến lược hành động của Tổng thống Petro Porochenko. 

Theo đặc phái viên của RFI từ Kiev, để tránh sa lầy trong một cuộc chiến tranh quy mô lớn với nước Nga, Tổng thống Porochenko đã phải chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn với các « lãnh đạo » phe ly khai ở vùng Donbass, có nghĩa là thừa nhận họ ở một mức độ nhất định. Mặt khác, nguyên thủ Ukraina buộc phải chấp nhận giữ lại trong bàn cờ chính trị nhiều nghị sĩ thuộc đảng của cựu Tổng thống Yanukovych, ắt hẳn để các vùng nhạy cảm miền Đông không rơi hẳn vào quỹ đạo của phong trào ly khai vũ trang, do Nga điều khiển. Câu hỏi vẫn còn để ngỏ là : Liệu các tân nghị sĩ tương lai xuất thân từ các đơn vị chiến đấu tại Donbass có chấp nhận thỏa hiệp với chiến lược nói trên của Tổng thống ? 

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.