Vào nội dung chính

Bầu cử Quốc hội Tunisia

Ngày 26/10/2014 hơn 5 triệu cử tri Tunisia bỏ phiếu bầu « một Quốc hội đại diện cho nhân dân ». Đây là cuộc bầu cử Quốc hội thứ hai của Tunisia kể từ cuộc cách mạng 2011 lật đổ chế độ Ben Ali. Hai đảng phái có nhiều khả năng chiến thắng là đảng Hồi giáo Ennahda và Nidaa Tounès, liên đảng của cựu Thủ tướng 88 tuổi Beji Caid Essebsi.

Một phụ nữ thi hành nhiệm vụ công dân tại thủ đô Tunis. Ảnh ngày 26/10/2014.
Một phụ nữ thi hành nhiệm vụ công dân tại thủ đô Tunis. Ảnh ngày 26/10/2014. Reuters
Quảng cáo

Các phòng bầu cử Quốc hội được mở cửa từ 7 giờ, giờ địa phương và chấm dứt vào 18 giờ. Trong cuộc bầu cử một vòng này, các cử tri sẽ phải chọn ra 217 nghị sĩ, trong số 1.400 ứng viên, cho một nhiệm kỳ 5năm. Đặc phái viên của RFI tại Tunis, David Thomson, cho biết : một trong những thách thức chính của kỳ bầu cử này là tỷ lệ cử tri tham gia. Theo quan sát của các phóng viên AFP có mặt tại chỗ, hàng dòng người dài xếp hàng để bỏ phiếu ngay từ sáng sớm. Tuy nhiên, không khí trong kỳ tranh cử nhìn chung được đánh gia là uể oải. Nhiều cử tri Tunisia cho biết chán nản với tình trạng tranh chấp chính trị, khiến cuộc bầu cử dự kiến vào tháng 10/2012, đã bị trễ hạn tới hai năm.

Theo các nhà phân tích, với phương thức bầu cử có lợi cho các đảng nhỏ hiện tại, mặc dù hai đảng nặng ký nhất, Ennahda và Nidaa Tounès, gần như chắc chắn sẽ về đầu, nhưng sẽ không có đảng nào đủ khả năng thành lập chính phủ riêng. Đảng Ennahda, cầm quyền từ cuối năm 2011 đến đầu năm nay, có nhiều cơ hội dẫn đầu, sẽ buộc phải lập liên minh với một số đảng phái khác.

Nếu được khẳng định qua kết quả bỏ phiếu, dự đoán này cho thấy đời sống chính trị Tunisia được phân thành hai cực. Một bên là khối Hồi giáo chính trị, đứng đầu là đảng Ennahda. Mặc dù vẫn nắm được đa số tại Quốc hội mãn nhiệm, nhưng đảng này đã yếu thế sau thời gian nắm quyền hơn hai năm qua và một kết quả kinh tế bị chỉ trích mạnh. Ennada được coi là đảng có được cơ sở quần chúng ủng hộ đông đảo nhất và có tổ chức nhất. Trong thời gian vừa qua ưu tiên của đảng này là thảo ra Hiến pháp mới. Đối với thế giới Ả Rập, Hiến pháp này được đánh giá là theo xu hướng « tự do ».

Đối thủ của Ennahda là liên minh chính trị Nidaa Tounès, vừa ra đời được hai năm. Đây là liên đảng do cựu Thủ tướng Beji Caid Essebsi, có lập trường chống Hồi giáo chính trị, lãnh đạo. Cựu Thủ tướng 88 tuổi cũng là người sẽ ra ứng cử Tổng thống trong cuộc bỏ phiếu cuối tháng tới. Khối Nidaa Tounès thường bị những người chỉ trích coi là hậu thân của chế độ cũ. Nidaa Tounès trên thực tế bao gồm nhiều đảng phái và phong trào chính trị có lập trường hết sức khác biệt : Từ phái tự do của Massar hay Afek Tounes, cánh tả dân tộc chủ nghĩa của Mặt trận Nhân dân, hay Liên minh yêu nước tự do (UPL) của một tỷ phú vốn thân cận với chế độ Kadhafi ở Libya. Và kể cả các thành viên cũ của đảng của Tổng thổng bị lật đổ Ben Ali.

Kết quả bầu cử sẽ được Ủy ban Bầu cử (ISIE) công bố từ đây đến thứ Năm tới.

Cuộc bầu Quốc hội Tunisia diễn ra trong không khí tương đối căng thẳng. Trước đó hai ngày, an ninh Tunisia đã tổ chức một cuộc tấn công nhắm vào lực lượng khủng bố Thánh chiến tại ngoại ô Tunis. Khoảng 80.000 cảnh sát và quân nhân đã được triển khai để bảo vệ các điểm bỏ phiếu.

Bầu cử Quốc hội hôm nay là cuộc bầu Quốc hội thứ hai của nước Tunisia dân chủ. Cuối năm 2011, cử tri Tunisia đã bỏ phiếu bầu Quốc hội lập hiến, với đa số thuộc về đảng Ennahda.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.