Vào nội dung chính
LIÊN HIỆP QUỐC - LIBYA

Liên Hiệp Quốc kêu gọi ngừng bắn tại Libya

Hơn một tuần sau khi phe chính phủ mở đợt tấn công nhắm vào các lực lượng dân quân đối địch, Liên Hiệp Quốc kêu gọi ngừng bắn hôm qua, 18/10/2014. Hoa Kỳ và bốn cường quốc Tây Âu đồng thời ra thông cáo chung cảnh báo trừng phạt những kẻ « đe dọa hòa bình » tại Libya. Hiện chính quyền Libya không kiểm soát được hai thành phố lớn nhất, thủ đô Tripoli và Benghazi, thủ phủ miền Đông. 

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon tại Tripoli ngày 11/10/2014.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon tại Tripoli ngày 11/10/2014. REUTERS/Ismail Zitouny
Quảng cáo

Các tuyên bố nói trên được đưa ra sau khi lực lượng thân chính phủ Libya Zentan và các đồng minh mở đợt tấn công lớn tại một số khu vực ở miền Tây Libya từ ngày 11/10, để chống lại các nhóm dân quân Hồi giáo đối địch với chính phủ thuộc « liên quân » Fajr Libya. Chính lực lượng này đã đẩy quân Zentan thân chính phủ ra khỏi thủ đô Tripoli hồi cuối tháng 8/2014, sau nhiều tuần đụng độ đẫm máu. Fajr Libya đã thành lập một chính phủ khác tại Tripoli, trong khi chính quyền được quốc tế công nhận và Quốc hội mới được bầu hồi cuối tháng 6 phải sơ tán về một thành phố ở miền Đông.

Các cường quốc Phương Tây, bao gồm Mỹ, Pháp, Ý, Đức và Anh, « đạt được thỏa thuận chung » rằng « không có giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng Libya hiện nay ». Bên cạnh đó Hoa Kỳ và các nước Phương Tây « lên án các tội ác » của nhóm thánh chiến Ansar Ansharia, mà Washington coi như « một tổ chức khủng bố ».

Đối lập Hồi giáo không chấp nhận thể thức dân chủ

Cũng hôm qua, Thủ tướng của chính quyền Libya, trả lời AFP bằng điện thoại, từ Al-Baida (thành phố ở miền Đông), cho biết các nhóm quân thân chính phủ đang tiến hành chiến dịch giải phóng Tripoli. Vẫn theo Thủ tướng Theni, « liên quân » Farj Libya là lực lượng vũ trang của « Hồi giáo chính trị », cụ thể là phong trào Huynh đệ Hồi giáo. Lập trường của lực lượng chính trị tôn giáo này là không chấp nhận kết quả cuộc bỏ phiếu bầu Quốc hội Libya tháng 6/2014.

Tân Quốc hội hợp pháp của Libya bao gồm chủ yếu là các dân biểu chống chủ nghĩa Hồi giáo (cực đoan). Thủ tướng Libya nói chính quyền sẵn sàng chấp nhận để phe Hồi giáo tham gia vào « xây dựng một Nhà nước Dân chủ. Nhưng họ phải chấp nhận sự lựa chọn của nhân dân Libya ».

Nguy cơ tổ chức « Nhà nước Hồi giáo »

Theo quan điểm của chính phủ Libya, bên cạnh khủng hoảng tại miền Tây chủ yếu mang tính chính trị, tình hình tại miền Đông với trung tâm là Benghazi lại hoàn toàn khác. Tại đây, một chiến dịch « chống khủng bố » mới được khởi sự từ tháng 5, dưới sự chỉ huy của tướng về hưu Haftar, người từng tham gia cuộc nổi dậy lật đổ chế độ Kadhafi. Lực lượng này thoạt tiên bị chính quyền hợp pháp lên án, nhưng sau đó đã chấp nhận ủng hộ.

Kể từ khi chế độ Kadhafi bị lật đổ năm 2011, chính quyền mới đã không lập ra được một quân đội chính quy chuyên nghiệp và thiết lập được quyền chỉ huy đối với rất nhiều nhóm vũ trang, đặc biệt là các nhóm Hồi giáo, hiện đang làm mưa làm gió trên khắp đất nước. Cộng đồng quốc tế lo ngại các nhóm dân quân Hồi giáo Libya chống chính phủ ngả theo tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (Daesch).

Một thách thức chủ yếu của chính quyền Libya hiện nay là không có được trợ giúp của cộng đồng quốc tế trong việc tái thiết quốc gia, trong giai đoạn hậu cách mạng. Theo Thủ tướng Libya Theni, khó khăn lớn của chính quyền là lực lượng vũ trang thiếu nghiêm trọng vũ khí, khí tài, đạn dược, do lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc được áp đặt từ đầu cuộc nổi dậy. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.