Vào nội dung chính
ĐỨC

Uy tín Thủ tướng Đức Angela Merkel bị sụt giảm

Các nhật báo ra ngày hôm nay (18/10/2014) tập trung phân tích Thượng đỉnh Á-Âu. Trong bối cảnh đó, tạp chí Le Nouvel Observateur dành một hồ sơ lớn cho Thủ tướng Đức với dòng tựa : « Angela Merkel, người chuyên ra lệnh đang bị đe dọa ». Trong khi đến lượt nền kinh tế đầu tàu của Châu Âu đang rơi vào suy thoái và mô hình kinh tế nổi tiếng của Đức đang bị các kinh tế gia xem xét lại, thì tầm quan trọng của lãnh đạo Đức Angela Merkel bị suy giảm tại Châu Âu.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đến Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu, ASEM, ở Milano, Ý. Ảnh ngày 16/10/2014.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đến Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu, ASEM, ở Milano, Ý. Ảnh ngày 16/10/2014. Reuters
Quảng cáo

Theo tạp chí, nhiều tiếng nói phản đối chủ trương ngân sách quá khắt khe của Đức áp đặt lên các nước thành viên Châu Âu , họ lên án « một Châu Âu của nước Đức » với đa số dân biểu và viên chức người Đức, chỉ lo bảo vệ quyền lợi riêng của Đức hơn là của cả Châu Âu. Đằng sau vầng hào quang của sự thành công là một thực tế hoàn toàn khác : Đó là Đức đã có những bước đi sai lầm và một bộ phận người Đức muốn thay đổi chính sách mà Thủ tướng Đức áp đặt bấy lâu nay.

Từ khi Tổng thống Hollande nhậm chức, nước Pháp bị ngồi lên ghế bị cáo. Đức trách Pháp đã không biết cắt giảm ngân sách hợp lý, trong khi một nhân vật thânh cận của Tổng thống Hollande cho rằng, « Đức quá ngạo mạn và quá tự tin vào mô hình kinh tế của mình, nên không thể hiểu được đặc thù nền kinh tế Pháp ». Châu Âu vốn vẫn mơ ước một cặp đôi hoàn hảo Pháp-Đức như trong lịch sử Kohl/Mitterrand hay Giscard/ Smidt, đã từng biết vượt qua những bất đồng để lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu. Ngày nay, Đức giữ các vị trí quan trọng trong Châu Âu. Trong những thập niên 80, người Đức không dám đòi hỏi dùng tiếng Đức như ngôn ngữ thứ 3, sau tiếng Anh và Pháp để dùng trong các buổi hội thảo nhưng ngày nay, họ yêu cầu dùng tiếng Đức.

Theo Le Nouvel Observateur, nhiều kinh tế gia và lãnh đạo trên thế giới yêu cầu Đức thay đổi chính sách kinh tế. Theo Olivier Blanchard, kinh tế gia tại Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), có 2/3 khả năng Châu Âu rơi vào suy thoái và tệ hơn nữa là một phần tư nguy cơ rơi vào nạn giảm phát. Đây là một cơ ác mộng đối với các kinh tế gia, bởi vì các hộ gia đình, các công ty đều ngưng mua bán, họ đợi giá cả hạ. Tình hình đó sẽ còn làm hạ giá thành, lương bổng và kéo nền kinh tế vào vòng xoáy như của Nhật mà chẳng ai biết phải thoát ra như thế nào. Áp lực chỉ trích còn đến từ phía Hoa Kỳ. Trong một cuộc tranh luận về cải cách trong khu vực đồng euro, Larry Summers, cựu Bộ trưởng Tài chính dưới thời Bill Clinton và là lãnh đạo Hội đồng kinh tế quốc gia của Tổng thống Obama mong muốn « Đức tập trung vào chiến lược tăng trưởng hơn là lo các vấn đề cắt giảm ngân sách ». Các quốc gia mới trỗi dậy cũng quan ngại. Guido Mantela, Bộ trưởng Tài chính Brazil nhận định : « Các chính sách hiện nay không kích thích được tăng trưởng và giảm thất nghiệp » trong khu vực euro. Do đó, cần phải thay đổi hướng chiến lược.

Tuy nhiên, nghiêm trọng hơn là việc chính phủ Đức còn bị nội bộ chỉ trích. Sau khi đăng tải các số liệu thống kê u ám về sản xuất công nghiệp, các viện kinh tế uy tín nhất của Đức đều kêu gọi bà Merkel phải « thúc đẩy kinh tế » và « tăng đầu tư cho lĩnh vực công có tiềm năng góp phần cho tăng trưởng ».

Khí đốt : Tâm điểm của xung khắc Nga-phương Tây

Liên quan đến Thượng đỉnh Á-Âu, nhật báo Libération phân tích, khí đốt Nga vẫn là tâm điểm của xung đột giữa Nga và Phương Tây. Mặc dù « tiến triển » trong mối quan hệ giữa Kiev và Mátxcơva được ghi nhận vào hôm qua bên thềm Thượng đỉnh tại Milano, nhưng Nga vẫn đe dọa cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Châu Âu vào mùa đông này.

Theo nguồn tin thân cận với điện Kremlin, mục tiêu của Tổng thống Putin trong các thương thuyết với Châu Âu là nhằm bảo vệ tập đoàn khí đốt quốc gia Nga Gazprom tránh nguy cơ bị kiện cáo, trong trường hợp Ukraina dùng khí đốt Nga trái phép và Nga thực hiện các lời đe dọa đã đưa ra.

Các tranh cãi về khí đốt giữa Mátxcơva và Kiev vào năm 2006 và 2009 đã để lại nhiều kỷ niệm xấu. Nhiều quốc gia Trung Âu đã không có khí đốt sử dụng trong mùa đông băng giá. Libération nhận định, mặc dù có chính sách dự trữ và đa dạng hóa đối tác, Châu Âu vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào Nga. Theo một cuộc điều tra mới đây của Ủy ban Châu Âu, nếu Nga ngưng cấp khí đốt cho Châu Âu vào mùa đông này thì những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất là Bulgari, Rumani, Phần Lan và Estoni.

Trung Quốc : Buộc « nhận lỗi » trước màn ảnh nhỏ

Liên quan đến Châu Á, mục văn hóa báo Le Monde quan tâm đến việc chính quyền Trung Quốc buộc những người bị cáo buộc xâm hại đến lợi ích quốc gia phải tự phê và ăn năn trước lỗi lầm của mình trước ống kính truyền hình quốc gia. Một cảnh tượng làm nhiều người nhớ lại những năm tháng đen tối dưới thời Mao Trạch Đông.

Tờ báo trích dẫn cảnh bà Cao Du (Gao Yu) buộc phải ăn năn hối lỗi trước bao công an vây quanh. Bà phát biểu : « Tôi đã xâm hại đến lợi ích quốc gia. Tôi có lỗi và vô cùng ăn năn ». Sau đó, bà ta phải điểm chỉ mực đỏ lên bản tự thú. Bà bị cáo buộc đã cung cấp bí mật quốc gia cho các cơ quan ngoại quốc. Hình ảnh này cho thấy phạm nhân rơi vào thế bất lực, buộc phải làm những gì mà công an yêu cầu. Trên thực tế, cựu phóng viên trên từng bị cầm tù trong 7 năm sau sự kiện Thiên An Môn (1989). Trước khi bị bắt vào tháng Năm, bà là một nhà bình luận sâu sắc về chính trị Trung Quốc trên các truyền thông ngoại quốc.

Le Monde cho rằng, dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, những màn dàn cảnh như vậy trên truyền hình không hề hiếm và được xem là một hành động xỉ nhục phạm nhân trước công chúng.

Biện pháp trên có mục đích chung là nhắm đến những người đang bị giam giữ, nhưng chưa bị xét xử. Đây chính là một hành vi điên rồ của chính quyền Trung Quốc mà không một quốc gia dân chủ nào lại làm. Khi kết án phạm nhân, chính quyền Bắc Kinh đưa ra các lý do đôi khi chẳng ăn nhập gì, như giao du với gái điếm, nhưng cốt lõi là các nạn nhân này đều dính líu đến các hồ sơ mang tính chính trị.

Biện pháp ăn năn hối lỗi của bị cáo trước ống kính làm sống lại giai đoạn đen tối phê và tự phê như chiến dịch bài hữu khuynh (1957), cách mạng văn hóa (1966-1976) với hình ảnh kẻ thù địch phải cúi đầu, quỳ gối ăn năn và đeo bảng trước ngực.

Một số phóng viên đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV chịu hợp tác với cảnh sát để làm nên những thước phim mang tính xỉ nhục phạm nhân là vì họ không có sự lựa chọn khác, buộc phải tuân lệnh cấp trên. Một số không tán thành thì đã từ chức.

Chiếc gậy của Kim Jong-un

Nhật báo Libération hôm nay trở lại bình luận việc lãnh đạo tối cao Bắc Triều Tiên tái xuất cùng chiếc gậy bên mình. Tờ báo nhận định, sau một thời gian ẩn tích, lãnh đạo trẻ dường như vẫn mạnh khỏe. Libération kể ra chế độ ăn uống của vị lãnh đạo đất nước được xem là đói kém, thiếu lương thực. Ông ăn nào là pizza 14 loại phó mát, cả thùng kem đủ hương vị, kem Chantilly, cả bát khoai tây chiên và cả muỗng súp mayonaise và nutella, uống nước coca…,chả trách mới 31 tuổi, lãnh đạo này lại mắc bệnh béo phì, tiểu đường di truyền, bệnh gút, bệnh gan, sưng mắt cá chân.

Tờ báo bình luận nhiều về bức ảnh mới đăng tải về lãnh đạo họ Kim trong một lần đi thị sát khu dân cư. Trong một đất nước kiểm duyệt gắt gao và khép kín như Bắc Triều Tiên, người ta có thể dùng photoshop để chỉnh sửa ảnh, để giấu đi khuyết điểm của chiếc gậy nhưng tại sao họ lại để hình ảnh này? Nhật báo rất tinh tường khi nhận xét, chiếc gậy cũng màu đen cũng như bộ đồ Kim Jong-un mặc, nhằm giảm thiểu sự yếu ớt của lãnh đạo tối cao Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, bức ảnh vẫn để lộ “cái chân thứ ba” của ông Kim. Phải chăng mục tiêu để tôn vinh vị lãnh tụ vĩ đại, tuy đau ốm nhưng vẫn cố gắng việc nước, đi thăm dân chúng? Hay để cho thấy, từ nay, chiếc gậy trở thành phụ kiện bên mình của ông Kim và ông không cần bước ra khỏi ghế nệm mà chỉ cần ấn một phát là cả thế giới nổ tung, ý ám chỉ cây gậy trở thành chiếc điều khiển từ xa để kích hoạt bom nguyên tử. Libération châm chọc, cây gậy còn dùng để quất cho những thành phần dưới trướng vài roi, những quan chức bị xem là bất kham và khó dạy.

Ebola : Không quá nguy hiểm như người ta vẫn tưởng

Dịch bệnh Ebola vẫn là đề tài chiếm trang nhất trên tạp chí Le courrier international số ra tuần này. Làm thế nào để xóa sổ ổ dịch tại Tây Phi và trấn an phương Tây đang nhiễm bệnh từ trong tư tưởng ? Tạp chí dẫn các nguồn báo chí từ khắp nơi trên thế giới.

Theo tạp chí, sau khi một nữ y tá tại Dallas (Hoa Kỳ) nhiễm bệnh Ebola và một nhân viên Liên Hiệp Quốc vừa mới qua đời tại Leipzig (Đức), hoảng sợ đang bao trùm khắp phuơng Tây. Chính nỗi sợ về căn bệnh sốt xuất huyết đã cướp mất sinh mạng của một nửa số bệnh nhân mắc Ebola. Người dân hoảng loạn do bệnh tư tưởng hơn là do thực tế khốc liệt của dịch bệnh, bởi vì virus Ebola không đến mức quá truyền nhiễm trong một xã hội được thông tin tốt và có hệ thống y tế phù hợp. Hơn nữa, Nigeria đã chứng tỏ cho thấy là có thể kềm được dịch bệnh.

Trong bài viết của tờ báo El País của Tây Ban Nha, theo các nhà khoa học, Ebola ít truyền nhiễm hơn bệnh sởi hay sida và khả năng lan truyền dịch bệnh Ebola tại Madrid là rất nhỏ. Tờ báo nhắc lại, bệnh dịch hoành hành tại Tây Ban Nha vào năm 1918 đã cướp đi sinh mạng từ 50-100 triệu người, có tỷ lệ lan truyền gấp 2 đến 3 lần bệnh Ebola.

New York luôn thịnh vượng và cuồng nhiệt

Rời Châu Á để đến với Hoa Kỳ, thành phố của tuổi trẻ là New York. Tạp chí L’Express mời đọc giả thăm thành phố thịnh vượng và cuồng nhiệt bật nhất thế giới qua 45 trang đặc biệt.

Theo L’Express, trước đây, New York tuy khá sung túc, nhưng chệnh lệch giàu nghèo khá lớn. Có những khu chỉ tập trung người nhập cư La tinh hay da đen, vốn mất an ninh và du khách không dám đặt chân đến đó. Tuy nhiên, từ khi tân Thị trưởng Bill de Blasio đắc cử, ông bắt đầu quan tâm đến tầng lớp người nghèo và muốn cho mọi khu phố New York đều sầm uất.

L’Express trích lời nhận xét của đại sứ Pháp tại Hoa Kỳ Gérard Araud cho biết, ông đã từng sống và làm việc tại New York và vô cùng hạnh phúc tại đó, vì ông được tiếp xúc với tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, đặc biệt là có nhiều dân Pháp định cư từ lâu tại đó. Ngoài ra, cũng có rất nhiều tiệm bánh mì Pháp rất ngon và ai nấy đều chen chúc xếp hàng để mua.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.