Vào nội dung chính
ĐỨC -TRUNG QUỐC

Thủ tướng Trung Quốc thăm Đức để thắt chặt quan hệ kinh tế

 Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm nay 10/10/2014 tiếp đón người đồng nhiệm Trung Quốc Lý Khắc Cường để siết chặt mối quan hệ ưu tiên giữa hai cường quốc thương mại, mặc dù đang có những bất đồng từ vấn đề nhân quyền cho đến việc Bắc Kinh trừng phạt các tập đoàn xe hơi. 

Thủ tướng Đức bà Angela Merkel đón đồng nhiệm Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Berlin ngày 10/10/2014
Thủ tướng Đức bà Angela Merkel đón đồng nhiệm Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Berlin ngày 10/10/2014 REUTERS/Thomas Peter
Quảng cáo

Lý Khắc Cường được 14 thành viên chính phủ tháp tùng, vào trưa nay tham gia các cuộc tham vấn song phương với ê-kíp của Thủ tướng Merkel. Đức là quốc gia duy nhất trên thế giới mà Trung Quốc duy trì mối quan hệ tham vấn liên chính phủ, còn Berlin có quan hệ tương tự với một số nước trong đó có Pháp.

Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại thứ ba của Đức, với tổng trao đổi lên đến 140 tỉ đô la vào năm ngoái. Bà Angela Merkel đã đến thăm Trung Quốc bảy lần, mà lần gần đây nhất vào tháng Bảy vừa qua. Còn Lý Khắc Cường, công du nước Đức chỉ vài tháng sau chuyến viếng thăm của Tập Cận Bình, mang theo 130 đại diện của giới kinh doanh.

Ngoài các hiệp định hợp tác về y tế hay bảo vệ môi trường, các hợp đồng thương mại sẽ được ký kết mà theo Bộ Kinh tế Đức, có tổng trị giá khoảng 2 tỉ euro. Chẳng hạn Deutsche Telekom sáng nay loan báo thành lập một công ty liên doanh với China Mobile về xe hơi kết nối mạng, và Airbus cũng chuẩn bị đưa ra thông báo tương tự.

Theo Sebastian Heilmann, chủ tịch Viện Mercator chuyên nghiên cứu về Trung Quốc (Merics), đối với Bắc Kinh, Đức là đầu cầu cho quan hệ ngoại giao với châu Âu. Nhưng ông cho rằng « giai đoạn êm ái » đã trôi qua, ngày càng có nhiều xung đột hơn.

Trong số các bất đồng có vấn đề nhân quyền. Cách đây vài hôm, Thủ tướng Đức lên án bản án chung thân dành cho giáo sư người Duy Ngô Nhĩ Ilham Tohti, và nhấn mạnh sự quan trọng của quyền tự do ngôn luận tại Hồng Kông.

Một trong những lãnh tụ của phong trào dân chủ Hồng Kông là Hoàng Chi Phong đã kêu gọi bà Merkel đề cập thẳng vấn đề này với Lý Khắc Cường. Anh nói với tờ báo Đức Bild : « Phong trào của chúng tôi chỉ có cơ hội thành công nếu nước Đức, châu Âu và toàn thế giới gây áp lực lên Trung Quốc ». Nhưng như thường lệ, Thủ tướng Đức phát ngôn thận trọng để không làm Bắc Kinh giận dữ. Bộ trưởng đặc nhiệm về ngoại giao Vương Siêu (Wang Chao) tuần này khẳng định : « Chúng tôi sẵn sàng đối thoại về nhân quyền, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và không xen vào chuyện nội bộ của nước khác ».

Một chủ đề nhạy cảm khác là các ngón đòn của chính quyền Trung Quốc đánh vào các tập đoàn sản xuất xe hơi. Đây là đề tài sẽ được đưa ra trong cuộc thảo luận giữa bà Angela Merkel và ông Lý Khắc Cường. Cơ quan quản lý cạnh tranh NDRC đã tung ra các cuộc điều tra và phạt vạ công ty liên doanh giữa Volkswagen của Đức và FAW của Trung Quốc vì thông đồng giá cả, Daimler cũng bị nhắm đến.

Ông Sigmar Gabriel, Bộ trưởng Kinh tế Đức tuyên bố, nói chung, Đức muốn là « một đối tác bình đẳng đối với các nhà đầu tư Trung Quốc, nhưng các công ty Đức cũng chờ đợi điều tương tự tại Trung Quốc ». Theo ông, các quy định nhằm hạn chế hoạt động của các công ty ngoại quốc trên lãnh thổ Trung Quốc, chẳng hạn buộc họ phải liên doanh với các đối tác trong nước, là tư duy « đã quá lỗi thời ».

Hubert Lienhard, chủ tịch ủy ban châu Á- Thái Bình Dương của liên minh kinh tế Đức cũng nhận định : « Sự bình đẳng trong đối xử vẫn chưa được phổ biến ». Ông đòi hỏi « các công ty Đức cần phải được đối xử như các công ty Trung Quốc trong việc đấu thầu », và được « đầu tư mà không cần phải có đối tác Trung Quốc ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.