Vào nội dung chính
Y TẾ - SIDA

Dịch SIDA xuất phát từ Kinshasa, Congo, trong những năm 1920

Không còn là những giả thuyết hoặc ngờ vực, mà điều này đã được chứng minh một cách khoa học, với các bằng chứng cụ thể : Dịch SIDA đã xuất phát từ thủ đô Kinshasa, Cộng hòa dân chủ Congo, từ những năm 1920, rồi dần dần lan truyền ra các nơi khác, chủ yếu do sự phát triển của hệ thống giao thông đường sắt. Đó là nội dung công trình nghiên cứu của nhà khoa học Nuno Faria và các đồng nghiệp, được công bố hôm 03/10/2014, trên tạp chí có uy tín Science.

(wikipedia.org)
(wikipedia.org)
Quảng cáo

Bài viết đầu tiên về trường hợp SIDA được công bố vào năm 1981 và việc nhận diện HIV loại 1 (HIV-1) được đăng tải năm 1983. Điểm xuất phát ban đầu được xác định là tại miền trung Châu Phi, chính xác hơn là ở Congo thuộc Bỉ cũ, sau trở thành Congo Zaire, và hiện nay là Cộng hòa dân chủ Congo. Điều chắc chắn HIV là một dạng virus biến đổi từ một loại virus của khỉ, lây sang người và ra khỏi rừng. Tuy nhiên, cho đến nay, việc khởi phát và lây lan thành dịch trên quy mô lớn vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Để làm việc này, một nhóm các nhà nghiên cứu Châu Âu và Bắc Mỹ đã phân tích các gen của hàng trăm mẫu virus HIV-1, được lấy từ lãnh thổ Congo thuộc Bỉ cũ, cũng như từ các nước lân cận, trong nhiều năm của thế kỷ 20 và được bảo quản tại Phòng Nghiên cứu quốc gia Los Alamos (Tân Mêhicô). Việc phân tích các mẫu virus này cho phép đi ngược thời gian, xác định được thời điểm virus biến đổi cũng như khu vực tồn tại của chúng. Các kết quả phân tích được đối chiếu với lịch sử các hoạt động của con người trong các vùng này để tìm hiểu xem hoàn cảnh dẫn đến việc dịch bệnh lây lan.

Martine Peeters, chuyên gia về vi trùng học, thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển, trụ sở tại Montpellier, Pháp, đồng tác giả công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí Science, cho biết là các nhà khoa học đã tập hợp, đối chiếu thông tin, kết quả phân tích để xác định được địa điểm và thời điểm virus từ động vật sang người. Quá trình lây lan virus từ khỉ sang người chắc chắn đã xẩy ra nhiều lần mà không gây ra dịch, bởi vì virus chủ yếu vẫn tập trung và bị giới hạn trong rừng, và chờ đến khi có được địa điểm và thời điểm thuận lợi thì lan tỏa và làm bùng phát dịch bệnh.

Trong trường hợp dịch HIV, virus gốc đã tìm được động vật trung gian là đười ươi, sống ở phía đông nam Cameroun. Vào khoảng những năm 1920, có một người bị lây nhiễm (do ăn thịt động vật hoang dã hoặc bị thương trong lúc săn thú), đã đi tới Kinshasa và nơi đây trở thành điểm xuất phát dịch. Việc xem xét các tài liệu từ thời thuộc địa cho thấy trong thời kỳ này trao đổi thương mại phát triển mạnh qua đường thủy giữa hai vùng, nhất là buôn bán ngà voi và cao su.

Từ năm 1920 đến 1950, quá trình đô thị hóa và việc xây dựng mạng lưới giao thông, đặc biệt là đường sắt, đã diễn ra mạnh mẽ, chủ yếu do sự phát triển của ngành khai thác quặng mỏ. Vào thời điểm đó, Kinshasa trở thành đầu mối trung chuyển quan trọng. Vào năm 1937, các dấu hiệu dịch HIV-1 đã xuất hiện tại Brazzaville, thủ đô của Congo thuộc địa Pháp, cách Kinshasa khoảng 6 km, ở phía bên kia bờ sông Congo. Cũng vào quãng thời gian này, virus bắt đầu lây lan tới các thành phố lớn khác của nước Cộng hòa dân chủ Congo hiện nay, nằm ở phía đông nam Kinshasa. Trước tiên là tại Lubumbashi, cho dù cách khá xa, rồi hai năm sau, virus lây tới Mbuji-Mayi, chủ yếu do hành khách đi xe lửa.

Vào năm 1922, có tới 300 ngàn người đi tàu hỏa. Tuyến đường sắt này, chạy từ tây sang phía đông nam Congo, đã chuyên chở hơn 1 triệu lượt hành khách trong năm 1948. Trong thập niên sau đó, do giao thông đường sông mà virus đã lây tới Bwamanda, Kisangani, ở phía đông bắc nước này.

Các hoạt động của con người, lao động nhập cư, nạn mại dâm phát triển và việc sử dụng phổ biến phương pháp tiêm ven các loại thuốc chống bệnh lây nhiễm qua quan hệ tình dục với các dụng cụ không được khử trùng cẩn thận (kim tiêm sử dụng nhiều lần cho nhiều người), đã là những yếu tố làm cho bệnh dịch bùng phát trên quy mô lớn.

Sự hiện diện của lao động nhập cư Haiti tại Congo- Kinshasa, nước vừa mới giành được độc lập vào năm 1960, giải thích vì sao một số người trong số họ đã đưa virus về nước khi hồi hương, vào khoảng năm 1964. Từ thời điểm đó, virus lây sang Hoa Kỳ. Cùng thời kỳ này, virus lan truyền sang các nước nam Châu Phi khác. Phần còn lại thì mọi người đã biết. Khoảng 75 triệu người trên thế giới bị nhiễm virus HIV và 36 triệu đã người tử vong.

Các nhà nghiên cứu khẳng định rằng những người thuộc nhóm M (đa số) bị nhiễm nhiều hơn những người thuộc nhóm O. Chuyên gia Martine Peeters giải thích, « để lây từ động vật sang người, virus trước tiên phải thích ứng với nhóm trung chuyển này. Virus HIV – 1 thuộc nhóm M có những đặc tính tạo thuận lợi cho sự lây lan ». Một khi thích ứng được, virus có thể được nhân bội tại động vật trung chuyển, để rồi sau đó lây truyền sang những cá thể khác, mà không gây ra bệnh dịch.

Việc tái lập hành trình theo thời gian virus ra khỏi rừng, lây từ động vật sang người và lan truyền dưới hình thức dịch bệnh có một ý nghĩa quan trọng, đặc biệt vào thời điểm dịch Ebola gây chết chóc và nỗi kinh hoàng tại Tây Phi. Chuyên gia Martine Peeters nhấn mạnh, có một sự tương đồng nào đó giữa hai dịch bệnh, nhưng không một ai nghĩ rằng virus Ebola lại lan truyền nhanh và mạnh hơn cả virus HIV. Các con đường lây lan không giống nhau, virus Ebola lây dễ hơn và thời gian ủ bệnh ngắn hơn so với HIV.

HIV trở thành dịch bệnh trong vòng 60 năm, trong khi virus Ebola là bốn năm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.