Vào nội dung chính
Y TẾ - DỊCH EBOLA

Cháo thịt dơi có thể là nguồn gốc gây dịch Ebola

Virus Ebola đang gây ra bệnh dịch trên quy mô lớn tại vùng miền tây Châu Phi và làm cho cộng đồng quốc tế lo ngại. Tuy nhiên, dịch này không xuất hiện từ trước. Cũng như nhiều tác nhân gây bệnh khác, virus Ebola « ẩn nấp » và chờ thời cơ « xuất đầu lộ diện » tung hoành. Như vậy, có những động vật mang trong mình Ebola và có sức đề kháng với virus này.

Dơi bày bán tại một khu chợ ở Brazzaville (Congo), 2005
Dơi bày bán tại một khu chợ ở Brazzaville (Congo), 2005 Reuters
Quảng cáo

Tổ chức Thú y Thế giới đang nghiên cứu lại chủ đề này. Giới chuyên gia đã có thêm nhiều thông tin.

Người không phải là đối tượng duy nhất bị nhiễm virus Ebola. Sốt xuất huyết Ebola là một loại bệnh lây nhiễm nghiêm trọng, nhắm vào cả loại linh trưởng không thuộc chi Người, như khỉ đột, tinh tinh và một số loài khỉ khác. Những loại động vật này không phải là nơi chứa chấp virus Ebola vì chúng cũng là đối tượng bị lây nhiễm.

Theo giới chuyên gia, dịch sốt xuất huyết Ebola có thể lây truyền sang người từ một động vật hoặc từ một người bị nhiễm virus.

Virus Ebola lại được phát hiện ở người vào đầu năm 2014, tại Guinea, rồi Liberia. Sau đó, virus lan truyền tại Sierra Leone để trở thành ổ dịch lớn nhất trong lịch sử và tại miền tây Châu Phi. Tháng 05/2014, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố dịch bệnh Ebola là một vấn đề y tế khẩn cấp quốc tế.

Theo Tổ chức Thú y Thế giới, mặc dù xác định được loại virus gây dịch bệnh, nhưng nguồn gốc khởi phát dịch vẫn chưa rõ. Có rất nhiều khả năng ban đầu, virus chỉ lây từ một loại động vật hoang dã nào đó sang một người duy nhất. Hiện nay, dịch bệnh lây từ người sang người và không có gì để chứng minh rằng động vật vẫn tiếp tục là tác nhân lây lan virus.

Các nghiên cứu trên thực địa và điều tra dịch bệnh cho thấy, động vật ấp ủ virus Ebola có thể là dơi quạ, một loại dơi to thường có ở Châu Phi, nhưng chúng lại không có triệu chứng bị bệnh. Theo giới chuyên gia, có rất nhiều khả năng, ban đầu, virus Ebola lây truyền sang người từ những động vật như dơi quạ hoặc từ loại linh trưởng không thuộc chi Người, khi người ta đi săn, bắt hoặc thu lượm xác động vật hoặc trong lúc cắt, chia thịt động vật hoang dã.

Tại một số vùng nông thôn ở Châu Phi, dơi quạ là một nguồn thịt phổ biến, cung cấp thức ăn cho người dân. Với hai bàn tay trần, người ta bắt và làm thịt dơi quạ trước khi đem nấu, xấy khô hoặc hun khói. Như vậy, virus có thể lây sang người trong quá trình này hoặc do ăn hoa quả hoang dại có dính dãi, phân của dơi quạ trong những vùng bị lây nhiễm.

Tháng Bẩy vừa qua, tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) bày tỏ lo ngại về mối nguy hiểm do việc ăn thịt dơi quạ, loại động vật ăn hoa quả, vì chúng chứa, ấp ủ virus Ebola. Và FAO khuyến cáo cần nỗ lực giải thích cho các cộng đồng cư dân ở nông thôn về mối nguy hiểm bị lây nhiễm virus Ebola khi ăn một số loại động vật hoang dã.

Thực tế, một số loại động vật này được chế biến thành thịt xấy khô hoặc xấy tẩm gia vị và được người dân trong các vùng hiện đang có dịch bệnh ưa thích.

Tổ chức Luơng Nông Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh, dơi quạ không phải là mối đe dọa duy nhất mà cả một số loài linh trưởng và động vật chân đầu (céphalophe). Tổ chức Thú y Thế giới nhấn mạnh đến các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, như tránh mọi tiếp xúc với động vật hoang dã tại các vùng bị nhiễm virus, nhất là dơi quạ, khỉ và các động vật gậm nhấm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.