Vào nội dung chính
NOBEL HÒA BÌNH 2014

Ấn Độ, Pakistan chia nhau giải Nobel Hòa bình 2014

Giải Nobel hòa bình hôm nay 10/10/2014 vừa được trao cho cô gái Pakistan 17 tuổi Malala – khôi nguyên trẻ nhất trong lịch sử giải này, và nhà hoạt động Ấn Độ Kailash Satyarthi, để tặng thưởng cho quá trình chiến đấu chống bóc lột trẻ em và cho quyền được học hành của thanh thiếu niên.

Nobel Hòa bình 2014: Kailash Satyarthi người Ấn Độ và thiếu nữ 17 tuổi Pakistan Malala Yousafzai.
Nobel Hòa bình 2014: Kailash Satyarthi người Ấn Độ và thiếu nữ 17 tuổi Pakistan Malala Yousafzai. REUTERS/Adnan Abidi/Carlo Allegri/Files
Quảng cáo

Đang trong lớp học vào thời điểm công bố giải, Malala Youzafsai, chỉ mới 17 tuổi, là người trẻ tuổi nhất trong lịch sử 114 năm của giải Nobel. Trước đó chỉ có Lawrence Bragg, người Anh gốc Úc 25 tuổi cùng chia giải Nobel vật lý với người cha vào năm 1915. Thủ tướng Nawar Sharif ngay sau đó đã gởi tin nhắn chúc mừng, gọi Malala là « niềm tự hào của Pakistan ».

Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Thorbjoern Jagland tuyên bố: « Trẻ em phải được đến trường và không thể bị bóc lột để kiếm tiền ». Ông nhấn mạnh : « Dù trẻ tuổi, Malala đã chứng tỏ rằng trẻ em và thanh niên cũng có thể đóng góp vào việc cải thiện tình trạng của chính mình ». Việc chọn lựa hai nhân vật trên trong số 278 đề cử năm nay để trao giải, nhằm vinh danh cuộc chiến đấu chống « áp bức trẻ em và thanh niên và quyền được học hành của tất cả mọi thiếu nhi ».

Cô bé Pakistan Malala trở nên nổi tiếng sau khi thoát chết dưới tay phe Taliban đúng hai năm trước, vào ngày 09/10/2012, lúc mới 15 tuổi. Malala đấu tranh cho quyền được học hành của trẻ em gái, nên phe này kết tội cô là gây hại đến đạo Hồi. Chiếc xe chở học sinh hôm đó bị chận lại, cô lãnh một viên đạn vào đầu. Được mổ cấp cứu tại Pakistan rồi đưa sang Anh chữa trị, Malala ra khỏi tình trạng hôn mê sáu ngày sau và vẫn tiếp tục cuộc chiến đấu. Hiện nay sống tại Birmingham, quản lý một quỹ mang tên mình, Malala từng tự tin lên tiếng trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc, xuất bản một cuốn tự truyện và từng là khách mời của Nữ hoàng Anh.

Ít được công chúng biết đến hơn và cao tuổi hơn rất nhiều, kỹ sư điện 60 tuổi Kailash Satyarthi đấu tranh hỗ trợ các trẻ em và phụ nữ làm việc như nô lệ tại các nhà máy Ấn Độ, phải làm những công việc nặng nhọc suốt ngày và là nạn nhân của bạo lực kể cả tấn công tình dục. Theo tính toán của ông, hiện có 168 triệu lao động trẻ em trên toàn thế giới, nhiều hơn con số của năm 2000 đến 78 triệu. Satyarthi còn là người tổ chức các cuộc biểu tình bất bạo động « theo truyền thống Gandhi ».

Sự chọn lựa của Ủy ban Nobel Na Uy càng ý nghĩa sau sự kiện 276 nữ sinh Nigeria bị tổ chức Hồi giáo Boko Haram (có nghĩa : « Giáo dục phương Tây là tội lỗi ») bắt cóc hôm 14/4. Vụ bắt cóc này gây sốc trên toàn thế giới, tạo thành một phong trào rộng rãi mang tên « Bring back our girls » (Đem các cô gái của chúng ta trở về), trong đó Malala đấu tranh bên cạnh những nhân vật nổi tiếng như bà Hillary Clinton. Nhưng người ta cũng đặt câu hỏi, phải chăng đây còn là thông điệp gởi đến Pakistan và Ấn Độ, hai nước láng giềng đang xung đột gay gắt vì vấn đề Cachemire.

Giải thưởng năm nay trị giá 8 triệu cua-ron Thụy Điển, tương đương 873.000 euro. Sau giải Nobel hòa bình – giải thưởng duy nhất được quyết định tại Oslo, giải Nobel kinh tế sẽ được công bố vào thứ Hai tới tại Stockholm, kết thúc mùa giải Nobel 2014.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.