Vào nội dung chính
TRUNG CẬN ĐÔNG

Syria : Thành phố Kobané sắp thất thủ hoàn toàn

Theo hãng tin Pháp AFP vào hôm nay, 09/10/2014, trích dẫn thông tin tại chỗ, lực lượng thánh chiến đã dần dần chiếm thêm nhiều khu phố ở thành phố Kobané sát biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp các cuộc không kích gia tăng. Washington phải công nhận là khó giữ được thành phố này.

Lá cờ đen của quân thánh chiến thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo được cắm trong khu phía nam thành phố Kobané ngày 9/10/2014.
Lá cờ đen của quân thánh chiến thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo được cắm trong khu phía nam thành phố Kobané ngày 9/10/2014. REUTERS/Umit Bektas
Quảng cáo

Theo giám độc tổ chức Đài Quan sát Nhân quyền Syria OSDH, ông Rami Abdel Rahmane, phe thánh chiến trong đêm qua đã chiếm thêm một số khu vực, kiểm soát được hơn 1/3 thành phố Kobane, mặc dù vấp phản sức phản công dữ dội của lực lượng Kurdistan.

Vẫn theo ông Rahmane, quân thánh chiến đã chiếm được tòa nhà của lực lượng an ninh Kurdistan, ở đông bắc thành phố. Nhiều người thiệt mạng, trong đó có một lãnh đao an ninh. Không quân Liên minh đã oanh kích tòa nhà bị chiếm. Sáng nay một nhà báo AFP chứng kiến hai cuộc không kích trên cùng mục tiêu ở phía tây nam Kobané.

Theo Tổ chức nhân quyền Syria, lực lượng thánh chiến đang áp sát khu vực trọng yếu của Kobane, nơi đặt trụ sở chính quyền và tổng hành dinh lực lương an ninh Kurdistan YPG.

Từ hôm thứ Hai, thành phố lớn thứ 3 của người Kurdistan ở Syria đã chứng kiến những trận giao tranh khốc liệt trên đường phố : Lực lượng Kurdistan yếu thế hẳn so với quân thánh chiến được trang bị xe tăng và vũ khí tối tân.

AFP trích lời phát ngôn viên Lầu Năm Góc, chuẩn đô đốc John Kirby, cho biết : "Nếu chỉ không kích đơn thuần thì sẽ (...) không cứu được Kobané". Theo ông, phải có quân đội có 'khả năng chiến đấu', như quân nổi dậy ở Syria.

Tướng Martin Dempsey nêu bật việc lực lượng thánh chiến thay đổi chiến thuật để thích nghi với các cuộc oanh kích : "Họ không cắm cờ, không di chuyển với những đoàn xe dài (...), không lập tổng hành dinh dễ thấy".

Theo các nhà quan sát, nếu chiếm được Kobané, quân thánh chiến - vốn đã kiểm soát nhiều vùng ở Irak và Syria - sẽ kiểm soát được một dải đất dài ở biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó thì Thổ Nhĩ Kỳ vẵn tỏ ra không mấy sốt sắng tham gia chiến dịch chống quân thánh chiến của tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Dù được đèn xanh của Quốc hội, chính quyền Ankara vẫn không muốn đưa quân hổ trợ lực lương Kurdisstan tại Syria.

Thái độ này khiến Washington phần nào bất bình. Tướng Mỹ John Allen đến Ankara hôm nay và ngày mai để thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ.

Ý muốn của Ankara là thành lập một vùng trái độn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria để "bảo vệ người di tản". Ý muốn này không được Mỹ và NATO ủng hộ, nhưng hôm qua, 08/10, lại được hậu thuẩn của Paris. Luân Đôn. Washington cho biết sẽ thảo luận.

Tổng thống François Hollande đã gọi điện thoại cho đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Erdogan, ủng hộ việc thành lâp vùng trái độn. Tổng thống Pháp giải thích quyết định của ông là "cần phải tránh cho người dân ở miền bắc Syria bị thảm sát".

Hiện nay lượng người tỵ nạn chạy vào Thổ Nhĩ Kỳ ước tính khoảng 200.000 người. Mỗi ngày đều có dòng người lánh nạn đổ về biên giới Thổ.

Tuy nhiên việc thành lập vùng trái độn đặt ra nhiều vấn đề. Trước tiên phải lập một vùng cấm bay, với hệ quả là phải tuần tra trên không, với nguy cơ xung đột với không quân Syria.

Đó là chưa kể việc phải được Liên Hiệp Quốc chấp thuận, Nga và Trung Quốc chắc chắn sẽ phủ quyết, trừ phi Bắc Kinh à Matxcơva thay đổi thái độ vì quan ngại trước đà vươn lên của tổ chức thánh chiến Nhà nước Hồi giáo.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.