Vào nội dung chính
AFGHANISTAN

Washington và Kabul đạt thỏa thuận về hiện diện của lính Mỹ sau 2014

Tổng thống Mỹ Barack Obama vào hôm qua, 30/09/2014, đã lên tiếng ca ngợi một ngày "lịch sử", vài giờ sau khi Hoa Kỳ và Afghanistan ký kết một thỏa thuận an ninh song phương, cho phép một lực lượng ngoại quốc được ở lại Afghanistan sau năm 2014. Trong số này sẽ có khoảng 10.000 lính Mỹ.

Cố vấn an ninh Afghanistan Hanif Atmar và đại sứ Mỹ James Cunningham ký hiệp định an ninh song phương tại Kabul ngày 30/09/2014.
Cố vấn an ninh Afghanistan Hanif Atmar và đại sứ Mỹ James Cunningham ký hiệp định an ninh song phương tại Kabul ngày 30/09/2014. REUTERS/Mohammad Ismail
Quảng cáo

Trong một bản thông cáo, Tổng thống Mỹ nhận định : "Thỏa thuận này là một lời mời từ chính phủ Afghanistan nhằm tăng cường mối quan hệ mà hai bên đã xây dựng từ hơn 13 năm qua". Ông Obama nói thêm là văn kiện đó cung cấp cho quân đội Mỹ một "khuôn khổ pháp lý cần thiết" để thực hiện nhiệm vụ sau năm 2014.

Thỏa thuận An ninh Song phương (BSA) đã được ký kết tại thủ đô Kabul giữa Đại sứ Mỹ James Cunningham, và Cố vấn An ninh Quốc gia Afghanistan Hanif Atmar, một ngày sau lễ nhậm chức của tân Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani.

Đối với Tổng thống Mỹ, thỏa thuận BSA phản ánh các cam kết của Hoa Kỳ là sẽ hỗ trợ tân chính phủ Afghanistan thống nhất trong nỗ lực củng cố "chủ quyền và ổn định", và "đánh bại Al-Qaeda cũng như các đồng minh cực đoan của họ".

Phải nói rằng thỏa thuận an ninh Mỹ-Afghanistan chỉ được ký kết sau hơn một năm trời đàm phán căng thẳng giữa hai nước,và đã bị hoãn lại nhiều lần do phản đối của cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai.

Thỏa thuận này cho phép khoảng 12.500 lính nước ngoài tiếp tục hiện diện tại Afghanistan - trong đó có khoảng 10.000 lính Mỹ - sau khi lực lượng NATO hoàn tất công cuộc triệt thoái vào cuối năm nay.

Theo hãng tin Pháp AFP, Hoa Kỳ đã rút ra bài học kinh nghiệm tại Irak : Do không có một thỏa thuận như vậy, bắt nguồn từ một bất đồng liên quan quyền miễn trừ tư pháp cho lính Mỹ, Quân đội Hoa Kỳ đã rút lui hoàn toàn ra khỏi Irak vào cuối năm 2011. Hậu quả là nước này hiện đang bị lực lượng thánh chiến của tổ chức Nhà nước Hồi giáo đe dọa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.