Vào nội dung chính
QUỐC TẾ

Syria : Tình hình nguy khốn ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ

Sau 15 ngày bị bao vây, các chiến binh Kurdistan bảo vệ Kobane ngày 30/09/2014 đang trong tình trạng tuyệt vọng. Quân thánh chiến của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (EI) chỉ còn cách lãnh địa người Kurdistan ở miền đông bắc Syria 5 cây số.

Dân Kurdistan từ thành phố Kobane tràn sang Thổ Nhĩ Kỳ tỵ nạn.
Dân Kurdistan từ thành phố Kobane tràn sang Thổ Nhĩ Kỳ tỵ nạn. REUTERS/Murad Sezer
Quảng cáo

Các trận đánh gay go diễn ra hôm qua thậm chí còn lấn sang lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều quả đạn đại bác rơi xuống bên kia biên giới tuy chưa gây thương vong. Ankara đã phản ứng ngay lập tức, và lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ cho triển khai mấy chục chiến xa dọc theo đường biên.

Thông tín viên Jérôme Bastion của RFI tường trình từ Istanbul :

« Một hôm trước khi bản kiến nghị cho phép triển khai quân đội tại Irak và Syria được trình ra Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, việc bố trí ba, bốn chục xe tăng cách biên giới 300 mét khiến người ta nghĩ rằng Ankara sẵn sàng hành động chống lại quân thánh chiến của tổ chức Nhà nước Hồi giáo, như liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu đã kêu gọi.

Điều này khó thể diễn ra. Tại đây, không có ai và nhất là người Kurdistan lại tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị tung ra một đợt tấn công dù nhỏ nhất chống lại quân Hồi giáo. Quân thánh chiến bị nghi ngờ là đang có được sự ủng hộ tích cực hoặc một cách thụ động của Ankara - nhất là nhằm chống lại sự hiện diện của người Kurdistan.

Ngược lại, lý do an ninh có vẻ là lý tưởng sau khi hai quả đạn đại bác rơi xuống, để giải tán một cuộc biểu tình mới ủng hộ người Kurdistan ở Rojava - như vẫn diễn ra hàng ngày từ hai tuần qua khi Kobane bị quân thánh chiến tấn công. Nhờ cái cớ này mà quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thể ngăn chận những người biểu tình muốn vượt qua biên giới.

Đám đông gồm các chiến binh tình nguyện, trí thức và đại biểu Kurdistan đến từ khắp nước Thổ Nhĩ Kỳ luôn luôn đông đảo và tỏ ra khẩn thiết, cùng với tình trạng xuống cấp của thành phố bị vây hãm. Nhưng họ bị cấm đi sang Syria.

Thực tế thì người Kurdistan nghi ngờ Thổ Nhĩ Kỳ chỉ chờ đợi Kobane thất thủ vì không được trợ lực từ bên ngoài, để thiết lập một vùng đệm hoặc một dải đất an ninh mà Ankara đã mơ đến từ lâu, một khi miền bắc Syria không còn bóng dáng của một người Kurdistan nào ».
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.