Vào nội dung chính
KHÍ HẬU

"Đổi gió" trong vấn đề khí hậu

Hơn 120 lãnh đạo các nước cùng với đại diện hơn 200 công ty đa quốc gia đã tham dự Thượng đỉnh khí hậu khai mạc ngày 23/09/2014, tại New York. Cuộc họp lần này nhằm chuẩn bị cho Thượng đỉnh sắp tới tại Lima vào cuối năm nay và tại Paris vào cuối năm 2015. Báo Le Monde phản ánh sự kiện này trong số ra hôm nay

Hãy cứu trái đất ! Ảnh cuộc tuần hành tại New York, ngày 21/09/2014.
Hãy cứu trái đất ! Ảnh cuộc tuần hành tại New York, ngày 21/09/2014. Reuters
Quảng cáo

Bài xã luận trên trang nhất của tờ Le Monde nhận xét : « Đổi gió trong vấn đề khí hậu » tại Thượng đỉnh lần này. Công dân, doanh nghiệp và các thành phố lớn đã gây sức ép đối với các nhà lãnh đạo chính trị. Ít nhất là người ta có thể nhận thấy điều này thông qua các cuộc tuần hành chưa từng thấy tại các thành phố lớn trên thế giới, từ Paris, cho dù còn dè dặt, hay tới New York với hơn 400 000 người tham gia, để yêu cầu các quốc gia đưa ra những biện pháp hữu hiệu.

Ngoài ra, giới kinh tế cũng có vẻ sẵn sàng hành động. Bản báo cáo gần đây của nhà kinh tế học Nicolas Stern khẳng định điều này. Theo tác giả, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, đặc biệt là nhờ vào việc tái định hướng đầu tư vào công nghệ có « khí thải các-bon thấp », không phải là kẻ thù của hoạt động kinh tế hay tăng trưởng. Một tài liệu làm việc của Quỹ Tiền tệ quốc tế cũng vừa đưa ra nhận định tương tự. Theo đó, cuộc chiến chống hiệu ứng nhà kính không gây thiệt hại đối với các nền kinh tế, mà ngược lại, nó còn kích thích khả năng sáng tạo cũng như hoạt động của các doanh nghiệp.

Thượng đỉnh tại New York đã khẳng định điều này. Nhiều công bố đã chứng minh hành động của giới doanh nghiệp. Ví dụ như nhà sản xuất giấy khổng lồ Trung Quốc cam kết ngừng chặt rừng nguyên sinh, hay công bố từ bỏ đầu tư vào hướng khai thác nhiên liệu hóa thạch.

Xã hội đã sẵn sàng, giới kinh tế cũng vậy, dĩ nhiên còn trừ một số nhà khai thác năng lượng hóa thạch. Công nghệ đang trong quá trình hình thành. Những tiến bộ đáng kể về kỹ thuật kinh tế và hiệu quả năng lượng, như pin mặt trời, dự trữ năng lượng, các mạng lưới thông minh, vân vân, chỉ còn chờ mỗi nhà đầu tư để được triển khai.

Cuối cùng, chỉ còn thiếu mỗi một thỏa thuận quốc tế có khả năng ấn định những luật chơi mới cho nền kinh tế quốc tế để biến những đầu tư lâu dài phù hợp với lợi ích chung mang lại nhiều lợi nhuận hơn là những đầu tư với lợi ích trước mắt.

Cũng trên báo Le Monde, diễn biến Thượng đỉnh khí hậu được đề cập qua bài : « Tại New York, những tham vọng lớn và cam kết dè dặt đối với khí hậu ». Hai quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc đã không còn lẩn tránh trách nhiệm của mình. Phó thủ tướng Trung Quốc cam kết quốc gia này sẽ đưa ra thêm những biện pháp để giảm cường độ khí các-bon và tăng thị phần năng lượng sạch và tái tạo rừng.

Tổng cộng phần đầu tư của các quốc gia và các doanh nghiệp lên tới 200 tỉ đô la. Số tiền này sẽ được chuyển hướng cho nền kinh tế « khí thải các-bon thấp » từ nay tới năm 2015. Các nhà sản xuất lương thực lớn cam kết loại bỏ khỏi chuỗi cung ứng của mình các sản phẩm có nguồn gốc từ chặt phá rừng, đặc biệt là những mạng lưới trồng giá, dầu cọ và bò.

Các thành phố lớn nơi tập trung tới 70% hiệu ứng nhà kính cũng đã chứng minh khả năng trở thành những tác nhân quan trọng. New York, Paris, Johannesburg, Séoul hay những thành phố lớn khác đã đưa ra những bản giao ước thị trưởng để cùng nhau làm giảm lượng khí thải các-bon.

Trung Quốc vẫn ở mức rất trung bình về vấn đề khí hậu

Vẫn liên quan tới vấn đề biến đổi khí hậu, báo Libération phản ánh : « Trung Quốc vẫn ở mức rất trung bình về vấn đề khí hậu ».

Theo bài báo, các quốc gia lớn không ngần ngại kí những tấm ngân phiếu giá trị cho Ngân hàng thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trong khi đó, Trung Quốc, nước gây ô nhiễm nhất, chỉ hứa chi 6 triệu đô la để phát triển hợp tác giữa các nước miền nam.

Về mặt chính thức, Trung Quốc đầu tư không tính toán vào các dự án sản xuất năng lượng mặt trời và sức gió. Gần 60% công suất sản xuất năng lượng lắp đặt trong năm 2013 được xếp vào dòng năng lượng sạch. Trong đó, năng lượng mặt trời chiếm khoảng 10%, đây là kỷ lục thế giới. Hiện nay, theo số liệu thống kê chính thức, các nguồn năng lượng sạch này, thủy điện, năng lượng gió hay mặt trời chiếm gần 1/3 công suất điện tại Trung Quốc. Nhưng, trên thực tế, các trại năng lượng gió được lắp đặt trong khoảng thời gian ngắn kỷ lục, thường không được nối với lưới điện… do không có đường điện cao thế phù hợp.

Trung Quốc không thể che dấu rằng mình thải nhiều khí các-bon hơn các quốc gia phát triển. Lượng khí thải của quốc gia này tương đương với tổng lượng khí thải của Liên hiệp châu Âu và Hoa Kỳ. Dĩ nhiên, Bắc Kinh không hoàn toàn chịu trách nhiệm về tình trạng ô nhiễm này. Các quốc gia phát triển cũng phải gánh một phần trách nhiệm do họ chuyển bộ phận sản xuất sang quốc gia Đông Á này. Trên thực tế, việc sản xuất quần áo, đồ dùng và các sản phẩm khác, trong đó có cả tấm pin mặt trời, nhằm xuất khẩu sang châu Âu, chiếm 20% lượng khí thải Trung Quốc.

Người Trung Quốc tại các thành phố lớn chán ngán cảnh ô nhiễm. Họ đã xuống đường biểu tình chống đối việc thành lập các nhà máy gây ô nhiễm. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở quy mô lớn đã thức tỉnh người dân. Vì thế, chính phủ Trung Quốc buộc phải hành động. Tuy nhiên, giảm ô nhiễm môi trường đồng nghĩa với việc giảm tăng trưởng kinh tế. Thế nhưng, Bắc Kinh vẫn chưa sẵn sàng nhìn người dân xuống đường.

Nhà nước Hồi giáo thách thức nước Pháp

Thứ hai vừa qua, một nhóm liên quan tới Nhà nước Hồi giáo tại Algérie đe dọa giết con tin người Pháp Hervé Gourdel nếu như, trong vòng 24 giờ, nước Pháp không từ bỏ oanh tạc tại Irak. Ngày 24/09/2014, nhóm này đã hành quyết con tin để răn đe nước Pháp. Sự kiện này đều được các báo Pháp đồng loạt đề cập tới.

Trên trang nhất, Le Figaro đánh giá việc hành quyết con tin là : « Hành động dã man ». Còn báo Libération đăng tin : « Bị hành quyết vì là người Pháp ». Ngoài ra, bài xã luận của hai tờ trên lần lượt nhận xét : « Buồn nôn » trên tờ Le Figaro và « Tử vì nghĩa » trên tờ Libération. Theo đó, Le Figaro cho rằng nhà hướng dẫn leo núi chuyên nghiệp đã xuất hiện không đúng thời điểm và địa điểm. Còn tờ Libération sử dụng hai từ « kinh hoàng » và « thương tiếc ». Kinh hoàng trước sự sát hại tàn bạo một người vô tội để hăm dọa công luận. Thương tiếc trước việc một người dũng cảm, mặc những cảnh báo trước những nguy cơ tại Algérie, vẫn sang đi bộ tại nước này, và chết bởi một cuộc chiến hoàn toàn xa lạ với mình.

Trong bài xã luận của mình, La Croix đánh giá hành động của những kẻ hồi giáo cực đoan như « Thông điệp máu » cho nước Pháp. Bài báo cho rằng không phải chính phủ Pháp là người chịu trách nhiệm trước cái chết của con tin Pháp khi từ chối nhượng bộ hay ủng hộ chính phủ Irak trong cuộc chiến chống những kẻ khủng bố đang tàn sát đất nước này. Thủ phạm chính là những kẻ quyết định rằng những người không cũng ý kiến, không sống và không tin như chúng, không đáng có chỗ đứng trên trái đất này.

Tờ Les Echos đăng trên trang nhất : « Những kẻ hồi giáo cực đoan thách thức nước Pháp bằng việc hành hình một con tin ». Đây cũng là nhận định của báo Le Figaro dưới dòng tựa : « Tội ác của Hồi giáo cực đoan thách thức nước Pháp ». Các báo trên dẫn lại lời của tổng thống François Hollande rằng : « Nước Pháp không bao giờ nhượng bộ trước việc trao đổi, sức ép và các hành động dã man ». Cuộc chiến chống khủng bố không phải là được tiếp tục mà là được mở rộng. Trước mối đe dọa, chỉ có sức mạnh của pháp luật và hành động quân sự là câu trả lời thích đáng. Thứ 5 tới, tổng thống Pháp sẽ trủ trì một cuộc họp để chuẩn bị bước tiếp theo cho các chiến dịch quân sự.

Bắt hụt ba kẻ hồi giáo cực đoan tại Pháp

Vẫn liên quan tới tình hình khủng bố, việc ba kẻ Hồi giáo cực đoan quốc tịch Pháp thoát khỏi sự bắt giữ cũng là một tin được các báo quan tâm chú ý. Đây là ba người thân của kẻ khủng bố Mohamed Merah. Ba kẻ này đáng lẽ phải bị bắt giữ tại sân bay Orly ngày 23/09/2014, song họ đã tới Marseille an toàn.

Thông tin này lần lượt được phản ánh dưới tựa đề : « Vụ bắt bớ ba kẻ hồi giáo cực đoan bị lỡ không thể tin được » trên tờ Le Monde, « Ba kẻ hồi giáo cực đoan mà không ai chờ… », của chuyên mục « Câu chuyện » trên tờ Le Figaro, « Từ Istanbul tới Marseille, sự trở về khó tin của ba kẻ hồi giáo cực đoan » trên tờ Libération và cuối cùng, « Những kẻ thánh chiến ăn năn hay không, nỗi đau đầu của cảnh sát » trên tờ La Croix.

Các báo trên đều thông tin rằng lỗi là do sự thiếu đồng bộ giữa cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ và cảnh sát Pháp. Tại Istanbul, cơ trưởng chuyến bay về Paris đã từ chối cho ba kẻ bị trục xuất lên máy bay do thiếu tài liệu trục xuất chính thức. Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã cho họ lên một chuyến bay khác và quên thông báo cho đồng nghiệp Pháp. Còn về phía mình, bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp công nhận là hệ thống kiểm tra hộ chiếu tại Marseille có khiếm khuyết. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp đã nhanh chóng mở một cuộc điều tra hành chính và sẽ sang Thổ Nhĩ Kỳ để cùng xem xét lại vụ việc.

Tờ Le Figaro đặt câu hỏi ba kẻ hồi giáo cực đoan trên sẽ bị kết tội gì ? Dù luật Cazeneuve chống khủng bố đang được Hạ viện xem xét, song nước Pháp vẫn chưa có luật nào trừng phạt những kẻ tới những khu vực có nguy cơ mà không có bằng chứng cụ thể chứng minh họ tham gia chiến đấu.

Người Trung Quốc tiêu tiền không tính toán cho ô tô

Quay lại Trung Quốc, báo Les Echos phản ánh ô tô, công cụ hữu hiệu để thể hiện đẳng cấp tại Trung Quốc. Theo bài báo, « Người Trung Quốc không để ý tới chi phí cho ô tô ».
Tác giả bài báo khẳng định với một thị trường còn chưa được trang bị tốt, ô tô vẫn là một biểu tượng của sự thành đạt và địa vị xã hội. Viện quan sát Cetelem miêu tả chân dung của người mua ô tô Trung Quốc, đòi hỏi, trẻ, kết nối và ham mới lạ.

So với người tiêu dùng phương tây, giá cả không phải là tiêu chí tiên quyết của khách hàng Trung Quốc. Họ cũng trẻ hơn so với khách hàng châu Âu hay Hoa Kỳ, thường khoảng 35 tuổi, so với 54 tuổi tại Pháp. Chính vì thế, họ cũng thường truy cập internet hơn : 61% trong số họ sẵn sàng mua xe qua mạng và 59% tìm thông tin tại các trang chuyên đề trước khi quyết định mua. 94% khách hàng Trung Quốc chuộng ô tô như cách đánh dấu phong cách hiện đại của mình, 81% cho rằng ô tô là biểu tượng của sự thành đạt xã hội và 76% cho đó là một đồ vật mơ ước.

Trong khi đó, cũng theo nghiên cứu của Cetelem, cùng với người Nhật, người Pháp là những khách hàng chuộng hàng nội nhất. Theo họ, nhãn hiệu của xe chỉ là tiêu chí thứ năm. Ba tiêu chí đầu tiên là « giá cả », tiếp theo là « tiêu thụ xăng » và cuối cùng là « an toàn và khả năng bám đường ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.