Vào nội dung chính
HOA KỲ

Hoa Kỳ xích lại gần công ước chống mìn sát thương

Hôm qua 23/09/2014, Hoa Kỳ thông báo những biện pháp mới hạn chế việc sử dụng mìn sát thương cá nhân, qua đó nhích lại gần hơn Công ước Ottawa, nghiêm cấm sử dụng, tích trữ, sản xuất hoặc cung cấp loại vũ khí này. Cho đến nay, Washington vẫn chưa ký kết văn bản này.

Mỗi năm mìn sát thương giết hại và làm bị thương gần 20.000 người trên thế giới.
Mỗi năm mìn sát thương giết hại và làm bị thương gần 20.000 người trên thế giới. Wikimédia
Quảng cáo

Phát biểu tại tổ chức từ thiện Clinton Global Initiative, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh : « Chúng ta sẽ tiếp tục tìm kiếm các phương tiện cho phép, trong tương lai, tôn trọng đầy đủ Công ước Ottawa và tham gia Công ước này ». Công ước Ottawa được ký kết năm 1997 và hiện có khoảng ba chục quốc gia chưa tham gia, trong đó có Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel.

Các biện pháp mới mà Hoa Kỳ đưa ra bao gồm cam kết không sử dụng mìn sát thương cá nhân ở bên ngoài vùng phi quân sự ngăn cách Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên, tiêu hủy các kho mìn sát thương không cần thiết cho việc bảo vệ Hàn Quốc và không khuyến khích ai tiến hành các hoạt động bị Công ước nghiêm cấm.

Hơn một triệu mìn sát thương cá nhân đã được đặt dọc theo khu vực phi quân sự liên Triều, nơi mà quân đội Mỹ và Hàn Quốc luôn luôn được đặt trong tình trạng đối phó với nguy cơ một cuộc tấn công từ phía Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, Hoa Kỳ khẳng định đó là số mìn do hai phía Triều Tiên cài đặt còn toàn bộ số mìn sát thương, hơn 3 triệu quả, vẫn được cất giữ trong kho.

Nhà Trắng tuyên bố : Các biện pháp chống mìn sát thương vừa được công bố, là một giai đoạn mới để nhích lại gần hơn các mục tiêu nhân đạo của Công ước Ottawa. Chính quyền Washington cũng nhắc lại rằng, từ năm 1993 đến nay, Hoa Kỳ đã tài trợ 2,3 tỉ đô la cho hơn 90 quốc gia, để thực hiện các chương trình tiêu hủy vũ khí quy ước, trong đó có mìn sát thương cá nhân.

Cuối tháng Sáu, tại một hội nghị ở Maputo, Mozambique, Hoa Kỳ đã thông báo không sản xuất và nhập khẩu mìn sát thương nữa, kể cả việc thay thế số mìn trong kho hiện nay.

Đầu năm nay, hiệp hội Handicap International cho biết, kể từ khi Công ước Ottawa có hiệu lực, năm 1999, số nạn nhân (bị thương hoặc chết) do mìn sát thương cá nhân đã giảm 5 lần và 161 quốc gia ký kết Công ước đã tiêu hủy 70 triệu quả mìn sát thương.
Tổ chức này đã hoan nghênh chính quyền Obama tiến thêm một bước trên con đường tiêu hủy mìn sát thương cá nhân và kêu gọi Washington tìm kiếm các giải pháp xử lý số mìn sát thương trong vùng phi quân sự liên Triều.

Trong khi đó, Chủ tịch tiểu ban Quân lực Hạ viện Mỹ, dân biểu Buck McKeon, thuộc đảng Cộng hòa đã chỉ trích mạnh mẽ các biện pháp mới của Hoa Kỳ và cho rằng chính quyền Obama đã không đếm xỉa đến ý kiến của giới lãnh đạo quân sự Mỹ.

Cách nay 20 năm, trong diễn văn đọc tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã tuyên bố ủng hộ việc loại bỏ mìn sát thương cá nhân và đây là một trong những dự án của hiệp hội từ thiện do ông lập ra, Clinton Global Initiative.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.