Vào nội dung chính
MÔI TRƯỜNG - KHÍ HẬU

Bỏ dùng than góp phần chống hâm nóng trái đất

Hôm qua, 22/09/2014, tổ chức Climate Action Tracker (CAT) đã công bố một nghiên cứu, theo đó, việc hủy bỏ dùng than, từ nay đến năm 2050, sẽ đóng góp rất nhiều cho việc kìm hãm nhiệt độ tăng trên trái đất.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa) Co;ons.Wknight94
Quảng cáo

Theo tính toán của CAT : Nếu thay thế than bằng các năng lượng tái tạo, thì vào năm 2100, nhiệt độ trên trái đất sẽ chỉ tăng thêm trung bình là 3,2° thay vì 3,7°C.

Giải pháp này sẽ cho phép nhích lại gần hơn mục tiêu mà Liên Hiệp Quốc đã đề ra là hạn chế mức nhiệt độ trên trái đất chỉ tăng thêm 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Các tác giả bản nghiên cứu nhắc lại rằng, việc sản xuất điện thải ra tới 40% tổng lượng khí CO2, tác nhân chính gây hiệu ứng nhà kính, làm trái đất nóng lên và 70% tình trạng này là do việc dùng than.

Bản nghiên cứu viết : « Loại trừ hoàn toàn than trong lĩnh vực sản xuất điện, từ nay đến năm 2050, có thể cho phép giảm tới 25% khoảng chênh lệch giữa các mục tiêu của Liên Hiệp Quốc và khả năng nhiệt độ trên trái đất tăng thêm 3,7°C ».

Thế nhưng, giới chuyên gia tỏ ra bi quan về triển vọng này. Xu thế hiện nay là tăng việc sử dụng than trong ngành điện : Từ nay đến 2020, lượng khí thải CO2 sẽ tăng thêm gần 20% và đến năm 2030, tăng khoảng 25%.

Ông Bill Hare, Giám đốc Climate Analytics, một tổ chức đồng tác giả công trình nghiên cứu của CAT, nhận định : Các chính phủ phải khẩn cấp nỗ lực hành động để lật ngược xu thế hiện nay, nhất là việc tăng đầu tư trong lĩnh vực than.

Nhiều nước đang phát triển vẫn dùng than, vì rẻ hơn so với các loại nhiên liệu khác.

Cũng trong ngày hôm qua, tổ chức theo dõi môi trường Carbon Tracker Initiative, đã công bố một báo cáo cảnh báo giới đầu tư trong lĩnh vực than, về những rủi ro tài chính nghiêm trọng, trong lúc nhu cầu về than của Trung Quốc có xu hướng chậm lại.

Theo báo cáo này, với các biện pháp mới nhằm hạn chế việc dùng than và việc Trung Quốc hạn chế nhập khẩu than chất lượng thấp, dường như gió đã đổi chiều, không còn thuận lợi cho các nhà xuất khẩu nữa. Nhu cầu về than của Trung Quốc có thể lên tới đỉnh điểm vào năm 2016, rồi sau đó, sẽ giảm dần.

Hôm thứ Sáu, 19/09, tổ chức WWF đã ra thông cáo chỉ trích nước Pháp tiếp tục ủng hộ việc phát triển các dự án thải ra nhiều khí CO2, như dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện dùng than ở nước ngoài và kể cả trên lãnh thổ Pháp. Sự ủng hộ của Paris, thông qua các doanh nghiệp mà Nhà nước Pháp là cổ đông, như Công ty Điện lực Pháp EDF, thể hiện qua việc tiến hành các dự án đầu tư ở nước ngoài hoặc giảm, miễn thuế cho các dự án nhiệt điện.

Tổ chức này kêu gọi Pháp nhân Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về khí hậu, ra thông báo từ bỏ hoàn toàn việc ủng hộ các dự án gây phát thải nhiều CO2.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.