Vào nội dung chính

Ukraina : Kiev và phe ly khai thỏa thuận lập vùng phi quân sự

Trong đêm ngày 19/09 qua ngày 20/09/2014, theo AFP, chính quyền Kiev và phe nổi dậy thân Nga đã đạt đồng thuận về một thể thức cụ thể nhằm thực thi thỏa thuận ngừng bắn được ký kết cách nay hai tuần. Một vùng đệm phi quân sự tại các khu vực tranh chấp là một trong chín cam kết, mang lại hy vọng chấm dứt các đụng độ lẻ tẻ vẫn diễn ra hàng ngày, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn nói trên.

Hai Tổng thống Nga và Ukraina gặp nhau vào lúc khởi sự cuộc đàm phán tìm giải pháp hòa bình cho xung đột miền Đông Ukraina, Minsk, ngày 26/08/2014.
Hai Tổng thống Nga và Ukraina gặp nhau vào lúc khởi sự cuộc đàm phán tìm giải pháp hòa bình cho xung đột miền Đông Ukraina, Minsk, ngày 26/08/2014. REUTERS/Sergei Bondarenko/Kazakh Presidential Office/Pool
Quảng cáo

Cuộc thương lượng được tổ chức tại một khách sạn lớn ở Minsk, thủ đô Belarus, với sự tham gia của các đại diện Nga, Kiev và phe nổi dậy, đã diễn ra dưới sự chứng kiến của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE). Thương lượng kéo dài bảy giờ trước khi đạt được đồng thuận. 

Theo thể thức thực thi thỏa thuận ngừng bắn, một vùng đệm phi quân sự có chiều dài 30 km phải được thiết lập trong vòng 24 giờ. Mỗi bên tham chiến phải lùi toàn bộ các vũ khí hạng nặng (có cỡ đạn từ 100mm trở lên) ra khỏi « đường tiếp xúc » (tức những nơi tranh chấp) 15 km, để tạo thành một vùng đệm 30 km.

Các bên tham chiến cũng thỏa thuận không sử dụng vũ khí hạng nặng tại các vùng đông dân cư, cấm chiến đấu cơ và máy bay không người lái tại khu vực phi quân sự. Về nguyên tắc, khu vực này được đặt dưới sự kiểm soát của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu.

Sau thỏa thuận ngừng bắn, việc ký kết thể thức là một bước bổ sung cho phép hai bên xuống thang sau cuộc xung đột kéo dài 5 tháng, khiến gần 2.900 người chết và hơn 600.000 người phải đi lánh nạn. Tuy nhiên, bản đồng thuận về thể thức thực thi thỏa thuận ngừng bắn không đưa ra giải pháp về một vấn đề gai góc. Đó là sân bay Donetsk, hiện do quân đội Ukraina kiểm soát, nhưng bị phe nổi dậy bao vây. Từ hai tuần nay, bất chấp ngừng bắn, đụng độ vẫn liên tục diễn ra tại đây.

Trên thực tế, việc thành lập một khu vực phi quân sự đã cắt vùng Donetsk ra làm đôi, trong khi đó, phe nổi dậy chỉ kiểm soát một khu vực nhỏ của vùng Lugansk.

« Quy chế đặc biệt » cho hai vùng nổi dậy chưa được thảo luận

Một nội dung quan trọng chưa được thảo luận trong cuộc thương lượng hôm qua. Đó là « quy chế đặc biệt » của các vùng Donetsk và Lugansk. Sau thỏa thuận ngừng bắn đầu tháng 9, Tổng thống Ukraina Petro Porochenko đề nghị một « quy chế đặc biệt » tạm thời cho hai vùng nói tiếng Nga, cùng với các kỳ bầu cử địa phương dự kiến tổ chức vào tháng 12. Thứ ba đầu tuần này, Quốc hội Ukraina đã bỏ phiếu cho dự luật cấp quy chế đặc biệt cho hai vùng nói trên. Về vấn đề này, đại diện của phe ly khai, « Thủ tướng » nước « Cộng hòa Donetsk » tự phong Alexandre Zakhartchenko, khẳng định có quan điểm khác với chính quyền Ukraina. Phe nổi dậy nhiều lần khẳng định muốn hai vùng hoàn toàn độc lập với Kiev, nhưng đây là điều mà nhiều đại diện của chính quyền Ukraina tuyên bố bác bỏ.

Kể từ thỏa thuận ngừng bắn đến nay, đụng độ vẫn diễn ra dù có giảm bớt nhiều về cường độ, khiến ít nhất 34 người chết, theo AFP (Con số được đưa ra dựa trên các thông tin của chính quyền địa phương và quân đội). Dân cư những vùng tranh chấp vẫn phải ẩn náu ban đêm dưới hầm và lo sợ vì bom đạn hàng ngày.

Chính sách của Nga tại Ukraina gây lo ngại cho các nước cộng hòa Đông Âu thuộc khối cộng sản cũ. Kể từ tối qua, tại Vinius, thủ đô Lithuania, các giới chức quân sự của NATO đã có cuộc thảo luận về việc tăng cường an ninh tại Bantich và Đông Âu. Cuộc thảo luận kéo dài ba ngày tại Lithuania bàn về các điểm cụ thể để tổ chức việc duy trì « một sự hiện diện liên tục » của NATO tại vùng biên giới phía đông, đặc biệt với việc thành lập một lực lượng phản ứng cực nhanh – có thể huy động hàng ngàn quân nhân trong vòng ít ngày -, theo quyết định tại thượng đỉnh NATO cách nay hai tuần. Hôm qua, Tổng tham mưu trưởng Littuania tuyên bố NATO sẽ mở « các trung tâm chỉ huy khu vực » tại Littuania, Latvia, Estonia, Ba Lan và Rumani. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.