Vào nội dung chính

Tái thương lượng hòa bình Ukraina tại Minsk

Các đặc sứ của Kiev, Matxcơva và phe ly khai miền đông Ukraina gặp gỡ hôm nay 19/09/2014 tại Minsk để xúc tiến một tiến trình hòa bình mong manh, dưới sự chú ý của phương Tây trong lúc ngưng bắn vẫn đang bị vi phạm.

Một kho đạn dược tại Savur-Mohyla, thành phố Donetsk, ngày 28/08/2014.
Một kho đạn dược tại Savur-Mohyla, thành phố Donetsk, ngày 28/08/2014. REUTERS/Maxim Shemetov
Quảng cáo

Andrei Pourguine, « Phó thủ tướng » tự phong của « Cộng hòa Donetsk » (DNR) hôm qua cho biết các thành viên sẽ ưu tiên nêu ra tại Minsk vấn đề « quy chế đặc biệt » cho vùng Donetsk và Lougansk. Ông ta đại diện cho phe ly khai bên cạnh « Thủ tướng » DNR Alexandre Zakhartchenko.

Trước khi lên đường đến Minsk, đặc sứ của Kiev là cựu Tổng thống Ukraina Leonid Koutchma, cảnh báo là cuộc thương lượng « trong bất cứ trường hợp nào cũng không thể làm hại đến sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina ». Ông cũng bác bỏ « tất cả các dạng liên bang hay nhìn nhận các nước cộng hòa tự tuyên bố » tại vùng nổi dậy. 

Từ khi thỏa thuận ngưng bắn giữa chính quyền Kiev và quân nổi dậy được tại thủ đô Belarus bất ngờ được ký kết hôm 5/9, gây ngạc nhiên cho mọi người, Tổng thống Ukraina Petro Porochenko đã đề nghị bảo đảm « quy chế đặc biệt » tạm thời cho vùng miền đông thân Nga, cùng với việc tổ chức bầu cử địa phương vào tháng 12. Những đề nghị này được các dân biểu thông qua, đang ở trung tâm các cuộc thương lượng. 

Trong lúc đó, Liên hiệp châu Âu và Hoa Kỳ vốn tố cáo Nga « xâm phạm chủ quyền Ukraina » khi hỗ trợ quân nổi dậy bằng vũ khí và binh lính, đã áp dụng các biện pháp trừng phạt mới lên nền kinh tế Nga hiện đang bên bờ vực suy thoái. Và hôm qua, một lần nữa Tổng thống Mỹ Barack Obama đả kích « sự tấn công của Nga » nhân chuyến viếng thăm Washington mang tính biểu tượng của ông Petro Porochenko, lên nắm quyền từ tháng Năm. 

Nếu các nhượng bộ chính trị của Kiev tuần này đã nhận được sự ủng hộ của Matxcơva, thì phía quân nổi dậy cho tới nay luôn bác bỏ tất cả các đề nghị do chính quyền Ukraina đưa ra liên quan đến vùng đất mà họ khăng khăng đòi được độc lập. 

Cuộc xung đột kéo dài năm tháng qua đã làm cho gần 2.900 người chết, và Kiev cũng như phương Tây luôn hết sức thận trọng trước những tuyên bố của Matxcơva, vì Nga luôn « tiền hậu bất nhất » trong cuộc khủng hoảng tệ hại nhất kể từ chiến tranh lạnh chấm dứt đến nay. 

NATO khẳng định một ngàn quân Nga luôn hiện diện trên lãnh thổ Ukraina, và Kiev hôm qua tố cáo Matxcơva đã đưa 4.000 lính Nga « với đầy đủ vũ khí và đạn dược » áp sát biên giới « hành chính » với Crimée, bán đảo của Ukraina đã bị Nga sáp nhập hồi tháng Ba. 

Phe nổi dậy thân Nga và quân đội Ukraina đổ lỗi lẫn nhau về các vụ vi phạm ngưng bắn thường xuyên, nhất là ở xung quanh phi trường Donetsk. Theo tính toán của AFP dựa trên số liệu của chính quyền địa phương và quân đội, kể từ ngày 5/9 đến nay đã có 34 người chết cả quân nhân lẫn thường dân. Người dân tố cáo một cuộc « hưu chiến ảo », và tiếp tục sống với nhịp độ của đại bác dưới các hầm trú ẩn ban đêm. 

Văn bản gồm 12 điểm được ký ngày 5/9 giữa đại sứ Nga, Ukraina và một đại diện của OSCE còn gồm cả việc kiểm soát biên giới Nga-Ukraina với sự hỗ trợ của OSCE, và việc thành lập một khu vực an ninh tại biên giới. Bên cạnh đó là các biện pháp nhân đạo và hỗ trợ tái lập kinh tế trong vùng công nghiệp Donbass. 

Liên hiệp châu Âu hôm thứ Tư kêu gọi Nga và quân nổi dậy áp dụng các biện pháp trong thỏa thuận Minsk, đặc biệt là việc « phải rút khỏi Ukraina các nhóm vũ trang bất hợp pháp, các thiết bị quân sự, quân nhân và lính đánh thuê, thiết lập việc kiểm soát ổn định biên giới Nga- Ukraina ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.