Vào nội dung chính

Thế giới khẩn cấp đối phó với Ebola

Vừa loan báo gởi khoảng 3000 quân đến vùng Tây Phi để tham gia phòng chống dịch Ebola, Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa kêu gọi cả thế giới « hành động nhanh chóng » để tránh cho hàng trăm ngàn người bị lây nhiễm virus đáng sợ này.

Tổng thống Mỹ Barack Obama giới thiệu chương trình hành động chống Ebola tại Atlanta, 16/09/2014.
Tổng thống Mỹ Barack Obama giới thiệu chương trình hành động chống Ebola tại Atlanta, 16/09/2014. REUTERS/Larry Downing
Quảng cáo

Đến Atlanta hôm qua, 16/09/2014, để trình bày kế hoạch chống dịch Ebola của Hoa Kỳ, tổng thống Obama đã cảnh báo : « Đây là một dịch bệnh không chỉ đe dọa đến an ninh khu vực, mà còn là một mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh thế giới, vì nếu những nước đó sụp đổ, kinh tế nổ bùng, người dân sẽ hoảng loạn ». Ông Obama tuyên bố là Hoa Kỳ sẵn sàng đóng vai trò trọng yếu trong việc đối phó với dịch bệnh đang lây lan rất nhanh, với tỷ lệ tử vong rất cao.

Ngoài việc thiết lập một trung tâm chỉ huy ở Monrovia, thủ đô Liberia, một trong ba quốc gia bị dịch Ebola nặng nhất, Tổng thống Obama cũng loan báo lập một cầu không vận để vận chuyển thiết bị và nhân viên y tế một cách nhanh chóng hơn đến vùng Tây Phi. Các quân nhân Mỹ đặc biệt sẽ tham gia xây dựng những trung tâm điều trị mới và chính phủ Mỹ cũng sẽ lập một trung tâm để đào tạo mỗi tuần 500 nhân viên y tế cho các nước bị dịch.

Sư can thiệp của Hoa Kỳ đến rất đúng lúc, bởi vì bà Valérie Armos, người đặc trách các hoạt động nhân đạo của Liên hiệp quốc, vừa báo động rằng ba quốc gia bị dịch nặng nhất ( Guinea, Liberia và Sierra Leone ) chẳng bao lâu nữa sẽ không đủ khả năng đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của người dân. Kế hoạch của Mỹ đã được đón nhận với nhiều hy vọng tại Liberia, quốc gia đang có nguy cơ bị dịch Ebola « xóa sổ ».

Hôm qua, Washington cũng đã đệ trình lên Hội đồng Bảo an LHQ một dự thảo nghị quyết nhằm huy động chính phủ các nước phòng chống dịch Ebola. Nghị quyết này trên nguyên tắc sẽ được thông qua trong một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an ngày mai.

Rất hiếm khi Hội đồng Bảo an thông qua một nghị quyết liên quan đến một khủng hoảng lớn về y tế công cộng. Cho tới nay định chế này chỉ mới ra nghị quyết như vậy hai lần về dịch Sida vào năm 2000 và 2011.

Về phần mình, Liên hiệp châu Âu đã tháo khoán 150 triệu euro và đã kêu gọi các nước thành viên đóng góp thêm tài chính cho việc phòng chống Ebola. Ngân hàng Thế giới hôm qua cũng vừa thông qua khoản viện trợ 105 triệu đôla cho ba nước bị dịch nặng nhất. Nhưng Liên hiệp quốc vừa cho biết là phải cần đến gần 1 tỷ đôla mới có thể ngăn chận được dịch Ebola.

Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới, dịch sốt xuất huyết Ebola đã khiến hơn 2.400 người thiệt mạng trong tổng số gần 5.000 ca nhiễm bệnh. Liên hiệp quốc dự báo là từ đây đến cuối năm sẽ có đến 20.000 người bị lây nhiễm.

Hiện giờ chưa có một vaccin nào được chính thức phê chuẩn để phòng ngừa virus Ebola, nhưng một vaccin đã được thử nghiệm lâm sàng vào đầu tháng 9 ở Hoa Kỳ. Một quan chức cao cấp của ngành y tế Mỹ hôm qua vừa cho biết là cho tới nay chưa thấy vaccin thử nghiệm nói trên gây phản ứng phụ tai hại nào. Vaccin này sẽ tiếp tục được thử nghiệm trên những người tình nguyện tại Viện quốc gia các bệnh dị ứng và bệnh truyền nhiễm ( NIAID ) gần thủ đô Washington.

Nhưng trong khi chờ tìm ra một vaccin hữu hiệu, rõ ràng là thế giới đang phải chạy đua với virus Ebola, để ngăn chận dịch bệnh nguy hiểm này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.