Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Song ngữ tại Ukraina: Nhân tố xung đột hay lợi thế văn hóa ?

Đăng ngày:

Xung đột vũ trang tại miền Đông Ukraina giữa phe nổi dậy thân Nga và quân đội Ukraina kéo dài 5 tháng, trước khi thỏa thuận ngừng bắn được ký kết vào ngày 05/09/2014, là biến cố được đánh giá là trầm trọng nhất trong quan hệ giữa Phương Tây và Nga kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc cách nay hơn 2 thập kỷ. Một xung đột mà nhiều người lo ngại có thể châm ngòi nổ cho một cuộc Đại chiến thế giới mới. Về mặt hiện tượng, một số quan sát ghi nhận : Bất đồng về vị trí của tiếng Nga tại miền Đông Ukraina là một trong những nhân tố thổi bùng xung đột. Tìm hiểu về các thực tế sử dụng ngôn ngữ cho phép hiểu hơn về khủng hoảng chính trị tại Ukraina là một chủ đề chính trong tạp chí Xã hội tuần này của RFI.

Bản đồ tỷ lệ cư dân nói tiếng Ukraina tại Ukraina. Ở khu vực hai vùng miền Đông (Lugansk và Donetsk), người nói tiếng Ukraina - ngôn ngữ quốc gia - chỉ là thiểu số.
Bản đồ tỷ lệ cư dân nói tiếng Ukraina tại Ukraina. Ở khu vực hai vùng miền Đông (Lugansk và Donetsk), người nói tiếng Ukraina - ngôn ngữ quốc gia - chỉ là thiểu số. Ảnh : Wikipedia
Quảng cáo

Tương phản ngôn ngữ - tương phản chính trị

Trước hết, xin giới thiệu với quý vị một đôi nét về bức tranh toàn cảnh ngôn ngữ tại Ukraina qua một số nhận xét của nhà địa lý Jean Radvanyi, chuyên gia về Nga và khu vực Kavkaz, giảng viên INALCO, Học viện ngôn ngữ và văn minh Phương Đông. Ông Radvanyi nguyên là giám đốc Trung tâm Pháp-Nga về Khoa học xã hội và nhân văn tại Matxcơva. Buổi tọa đàm, mang tựa đề "Các thách thức và hiện thực ngôn ngữ ở Ukraina" do chương trình tạp chí "Danse des mots" của RFI thực hiện. 

« Bản đồ ngôn ngữ của Ukraina hết sức tiêu biểu cho một hình ảnh chia cắt, nơi có một sự tương phản hết sức lớn giữa các vùng ngôn ngữ. Đây là một thực tế kéo dài từ nhiều thế kỷ nay. Chúng ta đã quan sát thấy điều này trên lĩnh vực chính trị với các biến cố mới đây. Có một sự đối lập giữa một Ukraina tả ngạn với một Ukraina hữu ngạn. Hữu ngạn tức khu vực miền Tây sông Dniepr, dòng sông chảy từ bắc xuống nam xuyên qua miền trung đất nước, nơi đa số nói tiếng Ukraina. Vùng tả ngạn, tức miền Đông, nơi tập trung đông đảo các cộng đồng Ukraina nói tiếng Nga và người Nga.

Đối lập Đông Tây này thể hiện một cách hết sức ấn tượng, cụ thể qua các kết quả bầu cử, giữa miền Tây nơi cử tri chủ yếu bầu cho các ứng cử viên thân Châu Âu với biểu tượng ‘‘màu vàng cam’’, và miền Đông nơi cử tri bỏ phiếu cho các ứng viên thân Nga, mang biểu tượng ‘‘màu xanh da trời’’. Miền Tây mong muốn liên hiệp với Châu Âu, trong khi đó Miền Đông muốn trung lập, hay ít nhất một Ukraina cân bằng giữa Nga và Châu Âu.

Về mặt ngôn ngữ, có một sự đối lập hết sức ấn tượng giữa hai tiểu vùng miền Tây với tỷ lệ người nói tiếng Ukraina lên tới hơn 75% với hai tiểu vùng miền Đông, cụ thể là Donetsk và Lugansk, nơi người nói tiếng Nga chiếm hơn 75% dân số. Ở giữa hai đối cực này, chúng ta có bán đảo Crimée, ở phía Nam, chủ yếu nói tiếng Nga, vừa sáp nhập vào Nga, và các vùng ở miền Trung với thủ đô Kiev hay Kyiv (phát âm theo tiếng Ukraina) và miền Bắc hay Đông Bắc với Kharkov hay Kharkiv, nơi hết sức phổ biến hiện tượng sử dụng song hành, một cách tương đối cân bằng, hai ngôn ngữ. Ở đây, cũng phải ghi nhận một thực tế hiển nhiên là từ năm 1991, từ khi Ukraina độc lập, có một quá trình ‘‘Ukraina hóa’’ thực sự, có nghĩa là Ukraina ngày càng có xu hướng trở thành một ngôn ngữ chủ yếu trong lĩnh vực chính trị, hành chính, cũng như trong đời sống hàng ngày. Điều này tất nhiên là phụ thuộc vào các chính sách ngôn ngữ (khuyến khích tiếng Ukraina), một quá trình đã khởi sự từ lâu đời, nhưng được tăng tốc kể từ hai thập niên nay ».

Tiếng Nga-tiếng U, thực tế đan xen ngôn ngữ hết sức đa dạng

Sau khi độc lập vào năm 1991, chính quyền Ukraina đã ra nhiều luật để khuyến khích việc sử dụng tiếng Ukraina. Hiến pháp 1996 đánh dấu một bước thay đổi lớn khi khẳng định Ukraina là ngôn ngữ quốc gia duy nhất, đồng thời bảo đảm « sự tự do phát triển, việc sử dụng và bảo vệ tiếng Nga, cùng các tiếng dân tộc thiểu số khác ». Nhà nước Ukraina đã ban hành nhiều quy định trong các lĩnh vực giáo dục, truyền thông hay hành chính để tiếng Ukraina trở thành ngôn ngữ chính thức của quốc gia.

Năm 2001, chính quyền Ukraina thực hiện một cuộc tổng điều tra quốc gia đầu tiên, đây cũng là cuộc điều tra duy nhất cho đến nay về tình trạng thực hành ngôn ngữ trên toàn nước Ukraina. Theo đó, 67,5 % dân cư dùng tiếng Ukraina như tiếng mẹ đẻ, và tỷ lệ này là 29,6% đối với tiếng Nga. Sự khác biệt có thể rất tương phản giữa các vùng nông thôn nơi có đến hơn 85% dân cư nói tiếng Ukraina và ở nhiều vùng phía Đông và Nam Ukraina, nơi tiếng Nga chiếm ưu thế, như nhận xét của Giáo sư Jean Radvanyi.

Cuộc tổng điều tra 2001 cho thấy một bức tranh ngôn ngữ tương phản và ưu thế toàn quốc nghiêng hẳn về tiếng Ukraina, tuy nhiên, có nghiên cứu khác lại cho thấy một hiện thực phức tạp hơn nhiều. Theo một nghiên cứu của Brand and Research Group vào năm 2011, Ukraina vẫn là ngôn ngữ đứng đầu trong đời sống thường ngày, nhưng chỉ với 47% người bản ngữ, tiếng Nga đứng thứ hai với 37%, và tỷ lệ người sử dụng cả hai ngôn ngữ là 15%. Các con số nói trên cho thấy việc thực hành ngôn ngữ trong đời sống hàng ngày dường như rất khác với một số quan niệm.

Khác xa với một quan điểm cho rằng, có một sự đối lập sâu sắc giữa hai miền Đông nói tiếng Nga và miền Tây nói tiếng "U", nhiều người Ukraina lại thường sử dụng song ngữ, kể cả tại thủ đô Kiev (Theo một điều tra xã hội học năm 2008 tại Kiev, 52% sử dụng tiếng Nga là chính, 32% sử dụng cả hai thứ tiếng, chỉ có 14% chủ yếu nói tiếng Ukraina). Nhiều cuộc hội thoại hàng ngày hay thậm chí các cuộc phỏng vấn cùng một lúc được thực hiện bằng hai thứ tiếng, mỗi bên đối thoại sử dụng thứ ngôn ngữ mà mình muốn. Việc sử dụng tiếng Ukraina, ngôn ngữ chính thức quốc gia, thay đổi theo từng bối cảnh : các thông báo chính thức được thể hiện bằng tiếng Ukraina, thường đi kèm tiếng Nga, trong khi đó, truyền hình, radio hay điện ảnh, tiếng Nga chiếm ưu thế, cho dù một tỷ lệ lớn phim có phụ đề tiếng Ukraina theo luật Ukraina… Phần lớn cư dân Ukraina quen với thực hành song ngữ trong gia đình hay trong các quan hệ xã hội. Khoảng một phần năm dân cư thực hành « surjyk », một phương ngữ pha trộn giữa tiếng Ukraina và tiếng Nga, và tỷ lệ người dùng tiếng surjyk biến đổi rất nhiều tùy theo từng vùng.

Một trong những ví dụ tiêu biểu cho tình trạng song ngữ, chuyển đổi ngôn ngữ dễ dàng là nhiều chính trị gia thân Châu Âu đối lập với Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovitch trước đây, vốn đã là những người sử dụng thành thạo tiếng Nga hơn tiếng Ukraina (như cựu Thủ tướng Timochenko, tân Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko). Bản thân cựu Tổng thống Yanukovitch cũng là dân nói tiếng Nga, nhưng đã phải chuyển sang học tiếng Ukraina để có thể đảm nhiệm cương vị lãnh đạo quốc gia.

Mời quý vị nghe một số nhận xét của bà Nhường, một người gốc Việt, cư trú tại Kiev từ 30 năm nay.

01:21

Bà Nhường (Kyiv/Kiev)

« Những người Nga ở đây thì hầu như hiểu tiếng U. Họ hiểu nhưng họ không nói. Ví dụ như tôi chẳng hạn, tôi không học tiếng U bao giờ, nhưng tôi cũng hiểu tiếng U hầu như gần hết, kể cả nghe chuyện thời sự chính trị. Bởi vì từ ngày độc lập tới giờ, thì hầu như các kênh truyền hình đều nói bằng tiếng U. Những người sống trong nước U, có quan tâm đến thời sự xã hội một tý thì họ phải hiểu tiếng U.

Thực ra tiếng U và tiếng Nga cũng giống nhau đến khoảng một nửa. Chưa nói đến việc viết văn để cho thông thạo, có thể không làm được, nhưng nói theo ngôn ngữ giao tiếp thì là được.

Ngôn ngữ giao tiếp ở ngoài đường chủ yếu vẫn dùng bằng tiếng Nga, còn lại… những ai có liên quan đến văn bản, giấy tờ, muốn hay không muốn đều phải bằng tiếng U hết. Kể cả trẻ đi học thì bằng tiếng U, nhưng giờ ra chơi vẫn nói chuyện với nhau bằng tiếng Nga.

Giao tiếp ngoài đường bọn tôi vẫn pha lẫn lộn tiếng U và tiếng Nga cho nó vui. Họ hỏi bằng tiếng Nga, mình trả lời bằng tiếng U, hoặc ngược lại, hoặc một nửa tiếng Nga, nửa tiếng U ».

Vị thế của tiếng Nga và sự bất bình đẳng giữa hai ngôn ngữ "anh em"

Cho dù tiếng Ukraina đã được công nhận là ngôn ngữ chính thức từ hơn 20 năm nay, tại Ukraina, tiếng Nga vẫn chiếm nhiều ưu thế, không chỉ trong cộng đồng người gốc Nga, người nói tiếng Nga như tiếng mẹ đẻ. Giáo sư Jean Radvanyi đưa ra một cái nhìn bổ sung, chỉ ra một cội nguồn căn bản của sự mất cân bằng giữa hai ngôn ngữ :

« Vào cuối thời Liên Xô cũ, bất kể người Ukraina nào cũng đều nói tiếng Nga, họ sử dụng tiếng Nga một cách tự nguyện ở mức độ nhiều hay ít. Đặc biệt ở các thành phố, dân cư nói tiếng Nga một cách tự nhiên, ở một số nơi khác, người ta có thái độ dè dặt hơn. Về phía người bản ngữ Ukraina, việc hiểu tiếng Nga là chuyện hiển nhiên, vì tiếng Nga hết sức phổ biến. Về phía người nói tiếng Nga tình hình là phức tạp hơn, rất nhiều người Nga hoàn toàn không hiểu tiếng Ukraina. Họ có thể hiểu tiếng Ukraina trong một số công việc hàng ngày, như đi chợ chẳng hạn, nhưng họ không thực sự biết tiếng Ukraina, họ cũng không đọc được. Như vậy, có một sự mất cân bằng ngay từ điểm xuất phát ».

Bối cảnh tiếng Ukraina muốn trở thành ngôn ngữ chính thức của quốc gia mới độc lập nhưng chưa đủ lực, trong khi nhiều người trong khối nói tiếng Nga lại không chấp nhận ngôn ngữ của họ mất đi ưu thế lâu đời, tạo nên trạng thái tâm lý bấp bênh trong các cộng đồng dân cư, mảnh đất tranh giành ảnh hưởng giữa các thế lực chính trị.

Thiểu số trên đất nước mình : Nghịch lý của một ngôn ngữ quốc gia hậu Liên Xô

Để hiểu hơn về cội nguồn của tình trạng vừa hợp tác, vừa cạnh tranh hết sức phức tạp giữa tiếng Nga và tiếng Ukraina hiện nay, mời quí vị nghe thêm nhận định về quá trình áp đặt tiếng Nga tại Ukraina dưới thời Xô Viết của nhà nghiên cứu Jean Radvanyi :

« Có một chính sách ngôn ngữ dưới thời Xô Viết. Đây là một chính sách nghịch lý và mâu thuẫn, gây nên một trạng thái căng thẳng thường trực. Một mặt, đó là quá trình Xô Viết hóa, mà một phần chủ yếu dựa vào việc đưa tiếng Nga trở thành ngôn ngữ chính thức duy nhất cho toàn bộ Liên bang, bao gồm Ukraina.

Tuy nhiên, song hành với chủ trương này, ngay từ thời Staline và sau này, lại cũng có một chính sách khuyến khích, tăng cường việc sử dụng một số ngôn ngữ quốc gia chủ yếu, như tiếng Ukraina, Belarus, Gruzia hay Armenia…, với một số công cụ nhằm tạo lập một tầng lớp trí thức tinh hoa của các dân tộc này. Tính mâu thuẫn thể hiện ở chỗ, một mặt người ta yêu cầu giới trí thức các dân tộc phát huy văn hóa quốc gia, nhưng chừng nào sự phát triển được coi là quá mức, như nhiều lần diễn ra tại Ukraina, thì người ta ngay lập tức phê phán họ là dân tộc chủ nghĩa, coi trọng quá mức văn hóa dân tộc, ngôn ngữ dân tộc, và như vậy làm hại cho bản sắc Xô Viết, văn hóa Xô Viết, mà văn hóa Xô Viết chính là văn hóa Nga ».

Việc áp đặt tiếng Nga tại Ukraina, đồng thời để cho tiếng dân tộc phát triển đến một mức độ nhất định, đã để lại một thực trạng pha trộn đầy mặc cảm, nơi trong một thời gian dài tiếng Ukraina đã tồn tại như một ngôn ngữ « đàn em » :

« Trước khi chính quyền Xô Viết ra đời, Lênin đưa ra chủ trương bản sắc các dân tộc sẽ dần dần tiêu vong, thay vào đó là một nền văn hóa Xô Viết xuyên quốc gia. Hệ quả là, dựa vào dự đoán của Lênin, các lãnh đạo sau này, dưới thời Staline tất nhiên, nhưng đặc biệt là với sự thực thi dưới thời Khrushchev, chính quyền Liên Xô dần dần xây dựng hệ thống pháp lý và các cách sử dụng ngôn ngữ, cụ thể ở nhà trường, có lợi cho tiếng Nga.

Tại Ukraina, điều này đã được thực hiện một cách hoàn toàn đơn giản, với việc tiếng Nga trở thành một ngôn ngữ bắt buộc đối với tất cả và tiếng Ukraina, ngôn ngữ quốc gia, trở thành một môn học tùy chọn. Cho đến thời Gorbachev, tại miền Tây Ukraina, vẫn tồn tại nhiều trường dạy bằng tiếng Ukraina, nhưng càng lên bậc học cao hơn, số lượng các môn học bằng tiếng Ukraina giảm xuống, môn học bằng tiếng Nga ngược lại tăng lên. Ở miền Đông, gần như không có trường nào dạy tiếng Ukraina. Tại Kiev, không có một trường tiếng Ukraina nào. Tại Kiev, cũng như thủ đô các nước Cộng hòa Liên Xô cũ, mọi trẻ em đều học tiếng Nga. Như vậy, không học sinh nào có khả năng thụ nhận nền học vấn hoàn chỉnh bằng tiếng dân tộc mình.

Trong bối cảnh này, chúng ta hoàn toàn hiểu được vì sao giới trí thức tinh hoa Ukraina – có một vai trò quan trọng dưới thời Gorbachev - lại nổi dậy phản kháng trước tình trạng này và đòi hỏi tiếng Ukraina trở lại thành ngôn ngữ quốc gia. Trước khi Ukraina độc lập, chính quyền nước Cộng hòa thuộc Liên Xô này đã ban hành bộ luật về ngôn ngữ, đưa tiếng Ukraina trở thành ngôn ngữ chính thức của đất nước cùng với tiếng Nga (năm 1989 - ndr) ».

***

Hơn hai mươi năm sau khi Ukraina khẳng định nền độc lập, quá trình phổ biến tiếng Ukraina đến các khu vực người Ukraina nói tiếng Nga (và người Nga sinh sống tại Ukraina), dường như vẫn vấp phải nhiều trở ngại. Cuộc thay bậc đổi ngôi để tiếng Ukraina, từ chỗ là một tiếng nói thứ hai trở thành ngôn ngữ quốc gia duy nhất, vẫn là một quá trình chưa hoàn tất.

Hiện tượng song ngữ tại Ukraina không giống với tình trạng song ngữ tại các quốc gia như Bỉ, Thụy Sĩ hay Canada, nơi có sự tồn tại các cộng đồng ngôn ngữ tương đối bình đẳng, mà việc nắm vững hai hay nhiều ngôn ngữ có thể mang lại một lợi thế văn hóa vững chắc. Tình trạng song ngữ của Ukraina giống nhiều hơn với  nhiều quốc gia vùng đệm giữa các đế chế, hay vốn từng là một bộ phận hoặc từng phụ thuộc chặt chẽ vào một đế chế hùng mạnh, như các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ hoặc các xứ « tự trị » tại Trung Quốc hiện nay.

Trên một nền tảng xã hội, văn hóa và chính trị, nơi tiếng Nga đã từng được toàn dân sử dụng như ngôn ngữ chính, việc đưa tiếng Ukraina trở thành ngôn ngữ quốc gia phải đối mặt với nhiều thách thức hết sức lớn. Theo một số nhà nghiên cứu, Hiến pháp 1996 chính thức hóa vị thế của tiếng Ukraina, nhưng chưa chỉ rõ cương vị của tiếng Nga, gây trở ngại cho việc xác lập quy chế cho tiếng Nga, đặc biệt tại các vùng mà người bản ngữ tiếng Nga chiếm đa số hay số đông. Vấn đề vị trí nào cho tiếng Nga tại Ukraina, đặc biệt tại khu vực miền Đông và miền Nam (những nơi người bản ngữ tiếng Nga chiếm đa số hoặc là một thiểu số lớn), những nơi xung đột đã bùng nổ hoặc có thể bùng nổ, là câu hỏi lớn tiếp tục ám ảnh chính giới Ukraina.

Những biến cố đang diễn ra cho thấy, tương lai cho các giải pháp thống nhất - hòa hợp về ngôn ngữ và chính trị của nước Cộng hòa Đông Âu non trẻ dường như càng trở nên bất trắc trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc Đại Nga dâng cao. Tạp chí Xã hội tuần này, với chủ đề « Song ngữ tại Ukraina : nhân tố xung đột hay lợi thế văn hóa ? » khép lại  với một vài chia sẻ của bà Nhường. 

03:24

Bà Nhường (Kyiv/Kiev)

« Hai tiếng nói ấy chưa bao giờ mâu thuẫn với nhau cả. Chỉ có là miền Đông và miền Tây không hòa hợp được với nhau, vì miền Tây không đi theo cộng sản. Còn miền Đông đi theo cộng sản từ trước đến giờ…. Đặc điểm của nước U là hai miền hoàn toàn khác nhau về định hướng phát triển. Cho nên để hòa hợp được, tức là để thống nhất được một hướng phát triển, thì bây giờ người ta đương phải đi tìm một cách giải quyết thế nào đó. Có ý kiến cho rằng phải để cho miền Đông tự trị và nhiều quyền hơn, kiểu như thả lỏng miền Đông nhiều hơn, thì may ra nước U mới yên ổn được….

Ngôn ngữ chưa bao giờ là nguyên nhân chính để xảy ra mâu thuẫn giữa các miền. Bây giờ chính là do các nhà chính trị họ muốn làm một con bài gì đấy họ giương lên, chứ thực ra cái đấy chỉ là tuyên truyền của dân Nga, lấy cái cớ để đánh vào U…. Nếu cách mạng ở U thành công, U đi trên con đường bằng phẳng, thì cách mạng sớm muộn cũng sẽ xảy ra ở nước Nga. Đó là điều mà chính quyền của Nga không bao giờ muốn xảy ra. Cho nên, theo nhận định của nhiều nhà chính trị, thì chính quyền Nga không bao giờ buông nước U… Nếu mà Phương Tây và Mỹ không ra tay giúp thật mạnh để nước U đứng được lên, thì nước U sẽ rơi vào đống đổ nát… ».

Tin bài liên quan

Ukraina - EU phê chuẩn Hiệp định liên kết

Kiev lên án Nga muốn tái lập Liên bang Xô Viết

Kiev thừa nhận phe thân Nga kiểm soát một vùng rộng lớn

Ukraina: Kiev và phe ly khai đạt thỏa thuận ngừng bắn

Mỹ trừng phạt Gazprom và các tập đoàn Nga

Ukraina : Ba kịch bản xâm lược của Putin

Putin muốn thành lập « nhà nước » ở Đông Ukraina ?

Nga đơn phương khởi động chiến dịch « cứu trợ » miền Đông Ukraina

Ukraina ký thỏa thuận liên kết với Liên Hiệp Châu Âu

Tổng thống Ukraina trình bày kế hoạch hòa bình với Putin

Một trăm ngày thay đổi định mệnh Ukraina

Tân tổng thống Ukraina : Một tuần lễ để bình định miền Đông

Đông Ukraina : phe ly khai tuyên bố thắng lớn trong cuộc trưng cầu dân ý

Putin đòi Kiev rút quân ra khỏi miền Đông Ukraina

Nga tìm mọi cách thúc ép thành lập liên bang Ukraina

Cờ Nga được kéo lên tại tất cả các đơn vị quân đội ở Crimée

Người Việt Ukraina với chính biến Maidan

Ukraina : Thế hệ Maidan

Tỷ lệ người song ngữ có xu hướng giảm ?

Tại nhiều khu vực ở Ukraina, người nói tiếng Nga đã hòa trộn với người nói tiếng Ukraina đến mức một bộ phận lớn dân cư không thể lựa chọn một tiếng duy nhất nào là tiếng mẹ đẻ. Theo một điều tra của Trung tâm Razoumkov năm 2007, hơn 21% người Ukraina thuộc vào nhóm này, tỷ lệ này đặc biệt cao tại miền Đông (32%) và Nam (25%).

Một số nghiên cứu ghi nhận một thực trạng, tỷ lệ người sử dụng cả hai ngôn ngữ lại dường như giảm xuống đáng kể từ 32% (năm 1992) còn 17% (2011) (theo một nghiên cứu của Viện Xã hội học – Viện Hàn lâm khoa học Quốc gia Kiev. Kết quả tương tự qua một điều tra cùng năm của Brand and Research Group).

Một vài mốc chính liên quan đến "vấn đề tiếng Nga" tại Ukraina

Theo một số nhà nghiên cứu, trong những năm 2000, đã diễn ra nhiều cuộc tranh luận về vị trí của tiếng Nga tại Ukraina. Vào năm 2006, một số khu vực hành chính đã thừa nhận tiếng Nga như ngôn ngữ khu vực hay ngôn ngữ chính thức thứ hai, như Kharkiv, Lugansk, hay Donetsk (nhiều cuộc chiến pháp lý đã diễn ra liên quan đến tính hợp hiến của các quyết định địa phương).

Nhiều dự án nâng tiếng Nga trở thành ngôn ngữ chính thức tiếp tục được đưa ra cho đến năm 2012, khi đảng cầm quyền Các vùng của Tổng thống Yanukovitch thông qua đạo luật coi tiếng Nga là « ngôn ngữ chính thức » tại các khu vực có hơn 10% dân số sử dụng (tức 13 trên 27 vùng). Quyết định của đảng Các vùng bị giới ủng hộ tiếng Ukraina như một ngôn ngữ chính thức duy nhất, phản đối quyết liệt.

Ngày 23/02/2014, sau khi Tổng thống thân Nga chạy khỏi Kiev dưới áp lực của Quảng trường Maidan, Quốc hội Ukraina đã bỏ phiếu thông qua đề nghị hủy bỏ bộ luật nói trên với số phiếu 232/450. Quyết định bất ngờ của Quốc hội Ukraina trong bối cảnh khủng hoảng nghiêm trọng, ngay lập tức gây nhiều phản ứng phẫn nộ tại miền Đông Nam, và bị coi như là một nhân tố tiếp thêm ngòi nổ cho các cuộc nổi dậy ở khu vực này.

Bỏ phiếu cho dự luật ngôn ngữ có phần lớn các nghị sĩ của đảng « Tổ quốc » Liên minh toàn Ukraina, do cựu Thủ tướng Timochenko sáng lập, và đảng Udar - Liên minh dân chủ Ukraina vì cải cách - do cựu vô địch quyền anh Vitali Klitschko lãnh đạo (hai đảng phái theo chủ nghĩa tự do, thân Châu Âu), cùng tất cả các nghị sĩ Đảng « Tự do » (Svoboda) cực hữu dân tộc chủ nghĩa.

Ngày 03/03, quyền Tổng thống Olexandre Tourtchinov từ chối ký luật về ngôn ngữ mà Quốc hội vừa thông qua, trong bối cảnh đất nước bên bờ vực chiến tranh, với việc Quốc hội Nga cho phép Tổng thống Putin sử dụng vũ lực trên lãnh thổ Ukraina (ngày 01/03).

Ngày 18/04, quyền Tổng thống Olexandre Tourtchinov kêu gọi đoàn kết dân tộc, hứa hẹn trao nhiều quyền lực cho địa phương, sửa đổi Hiến pháp để dành cho tiếng Nga « một quy chế đặc biệt » vào lúc đàm phán giữa Kiev, Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ, Nga và một số đại diện phe nổi dậy có nguy cơ thất bại.

Ngày 16/09, sau khi thỏa thuận ngừng bắn với phe ly khai được ký kết, Quốc hội Ukraina bỏ phiếu thông qua luật cho phép Donbass (gồm hai vùng Donetsk và Lugansk), nơi người nói tiếng Nga chiếm đa số, được hưởng « quy chế đặc biệt », tức quyền tự trị rộng rãi. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.