Vào nội dung chính

Irak : "Không kích chỉ hữu hiệu nếu kèm theo tấn công trên bộ"

Thứ Hai 15/09/2014, nhân hội nghị quốc tế chống phong trào Nhà nước Hồi giáo tại Paris, Tổng thống Irak xác định rằng nước ông rất cần được giúp đỡ bằng những cuộc không kích. Tổng thống Pháp François Hollande cũng tung ra cùng một thông điệp, trong lúc quân đội Pháp bắt đầu các phi vụ trinh sát đầu tiên trên lãnh thổ Irak. Can thiệp trên không liệu đủ sức triệt hạ Nhà nước Hồi giáo hay không ?

Sau trận không kích của Mỹ tại Khazir, 16/09/2014.
Sau trận không kích của Mỹ tại Khazir, 16/09/2014. REUTERS/Azad Lashkari
Quảng cáo

Trả lời phỏng vấn của phóng viên RFI Caroline Paré, Đại tá Michel Goya, trưởng ban nghiên cứu " Các Xung đột Mới " tại Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Trường Quân sự Paris (Ecole Militaire de Paris) cho rằng : chiến dịch không kích vào lực lượng Nhà nước Hồi giáo tại Irak chỉ có giá trị quyết định nếu được một chiến dịch can thiệp trên bộ yểm trợ.

RFI : Gần 30 quốc gia vừa họp hội nghị về Irak tại Paris. Có nhiều tuyên bố được đưa ra. Nhưng hiện nay phải chăng chúng ta vẫn chưa biết gì nhiều về chiến lược quân sự đang được chuẩn bị ?

Michel Goya : Chúng ta có thể hình dung được chiến lược quân sự sẽ được tiến hành một cách khá dễ dàng. Từ khi Mỹ cho biết họ sẽ không đưa quân can thiệp trên bộ, thì sẽ không có nước phương Tây nào khác làm như vậy. Họ sẽ tự bằng lòng với một chiến lược gián tiếp, một chiến lược dựa trên các lực lượng tại chỗ, các đạo quân địa phương khác nhau như chiến binh Kurdistan, quân đội Irak, và hy cọng là có cả dân quân hệ phái Sunni.

Chiến lược đó sẽ mang hình thức các cuộc tấn công trên không, các vụ đột kích và hỗ trợ tư vấn và vật chất cho các lực lượng trên mặt đất.

RFI : Và phải chăng các phi vụ của không quân Pháp tại Irak nằm trong chiến lược đó ?

Michel Goya : Tất nhiên, mục đích là thám sát địa bàn hành động, xác định các mục tiêu tiềm tàng. Các cuộc tấn công trên không, nhất là khi các vụ oanh kích - rất có thể sẽ do phi cơ Pháp từ căn cứ ở Abu Dhabi thực hiện - sẽ cần nhiều thời gian.

Đấy là những mục tiêu nhất thiết phải là cố định. Khi phải bay trong hai tiếng đồng hồ, không thể tấn công các mục tiêu cơ động cao, mà phải chọn các mục tiêu cố định, có một số giá trị chiến thuật. Thuật ngữ quân sự gọi đây là " targeting " tức là nhận diện các mục tiêu tiềm năng.

RFI : Như vậy hành động của các lực lượng khác nhau sẽ được quyết định cụ thể ra sao trên hiện trường ? Sẽ có sự hiện diện của nhiều lực lượng không quân khác nhau như Mỹ, Pháp, và cả Anh nữa. Ai sẽ làm gì ?

Michel Goya : Họ sẽ cùng nhau quyết định. Sẽ có cách tổ chức do Hoa Kỳ chi phối một cách hợp lý, bởi vì chính họ cung cấp phần lớn các nguồn lực, và các lực lượng đồng minh, quân đội Anh và Pháp, chủ yếu sẽ gia nhập vào hệ thống của Mỹ.

Đây là một cơ chế phối hợp đã từng được sử dụng. Điều này đã được thực hiện rất tốt ở Libya vào năm 2011, cũng tại chiến trường Kosovo. Đây là một điều đã được thực nghiệm thuần thục.

RFI : Ông vừa so sánh Irak với các địa bàn khác. Cụ thể những gì đang được chuẩn bị tại Irak gợi lại chiến trường nảo ?

Michel Goya : Irak một mặt gợi lại cuộc can thiệp vào Afghanistan năm 2001, khi liên quân chủ yếu do Hoa Kỳ chi phối, đã cung ứng các yểm trợ bằng không quân và cố vấn trên bộ để lật đổ Taliban.

Irak cũng gợi lại những gì xảy ra ở Libya, nơi liên minh quốc tế can thiệp từ trên không để yểm trợ lực lượng nổi dậy chống chế độ Kadhafi ở trên bộ.

RFI : Sau hội nghị Paris, bản Tuyên bố chung cuộc không hề đề cập đến hiện trường Syria. Làm thế nào chống lại một lực lượng trú đóng trên hai vùng lãnh thổ trong đó có một vùng lại không được quyền can thiệp ?

Michel Goya : Tình hình Syria quả là hơi phức tạp, Tổng thống Obama đã không loại trừ khả năng này. Rất có thể là hoạt động ở Syria phức tạp hơn một chút về mặt chiến thuật, vì nước này nằm ở vị trí khá xa khi phi cơ phải xuất phát từ vùng Vịnh.

Còn nếu xuất phát từ Địa Trung Hải, thì phải bay ngang không phận Thổ Nhĩ Kỳ và cũng phải băng qua bầu trời Syria. Chuyện đó quả là tế nhị hơn nhiều, khá khó khăn hơn về mặt kỹ thuật.

Trong thực tế, sức mạnh thực sự của Nhà nước Hồi giáo nằm ở Irak, một trọng tâm thực sự như thuật ngữ quân sự thường gọi. Sức mạnh của Nhà nước Hồi giáo chính là ở chỗ tổ chức này ít nhiều được người Sunni ở các tỉnh của Irak ủng hộ. Chính đây là điểm cần phải tập trung nỗ lực nếu muốn triệt hạ Nhà nước Hồi giáo.

RFI : Phải chăng Anh Quốc, một lực lượng rất quan trọng trong liên minh đang hình thành, rất rõ ràng về ý định của mình ?

Michel Goya : Tôi không có quyền gì trong việc đánh giá chiến lược của Anh Quốc trong lĩnh vực này. Thế mạnh của sự dấn thân của Pháp nằm ở thể chế : Chính quyền tại Pháp có thể dễ dàng điều động quân đội. Trong thực tế còn hơn cả tại Anh.

Tất cả các khác biệt đã lộ rõ nhân vụ vũ khí hóa học của Syria, khi phải quyết định đánh Syria. Đối với Pháp, việc đánh tương đối không đặt ra vấn đề gì. Còn tại Anh, Nghị viện đã ngăn chặn hành động đó, điều không thể xẩy ra trong cơ chế tổ chức tại Pháp.

RFI : Liệu quân đội Pháp sẽ thông tin thường xuyên về chiến dịch can thiệp hay ngược lại sẽ rất thận trọng vì dẫu sao vẫn có nhiều mục tiêu phải giữ bí mật ?

Michel Goya : Tất nhiên, chúng ta sẽ không tiết lộ các mục tiêu trước. Về mặt kỹ thuật, khó khăn của các chiến dịch không kích là đối phương tương đối dễ đối phó với chiến thuật này. Chỉ cần hòa mình vào dân chúng, sử dụng các xe dân sự chẳng hạn, di chuyển linh hoạt hơn.

Chiến dịch không kích chỉ có hiệu quả nếu kết hợp với các hoạt động trên bộ thực thụ. Và đây mới thực sự là vấn đề. Các hoạt động không kích đơn thuần không mang lại được một cái gì quyết định. Không kích chỉ hữu hiệu nếu phối hợp với lực lượng trên bộ, cho dù đó là quân đội Irak, Kurdistan, Sunni.

Vấn đề là mỗi lực lượng đều có những khó khăn riêng, và có mục tiêu chính trị riêng, thường lại mâu thuẫn với nhau.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.