Vào nội dung chính
CẬN ĐÔNG

Gaza : Bất đồng xung quanh khả năng triển hạn ngừng bắn

Chiến dịch quân sự của Israel tại dải Gaza từ một tháng nay để chấm dứt các vụ bắn rốc két qua biên giới, khiến gần 2.000 người Palestine thiệt mạng, cùng 64 binh sĩ Israel và ba thường dân Do Thái. Hôm nay, thỏa thuận ngừng bắn Israel-Hamas bước sang ngày cuối. Liệu hai bên có chấp nhận triển hạn thỏa thuận ngừng bắn sau 72 giờ dự kiến ?

Góc phố Beit Hanoun hoàn toàn đổ nát, dân Gaza tạm yên ổn khi lệnh ngưng bắn vẫn còn - REUTERS /Finbarr O'Reilly
Góc phố Beit Hanoun hoàn toàn đổ nát, dân Gaza tạm yên ổn khi lệnh ngưng bắn vẫn còn - REUTERS /Finbarr O'Reilly
Quảng cáo

Khả năng kéo dài là điều mà Israel thông báo vào tối ngày thứ Ba, tuy nhiên con đường đi đến một thỏa thuận chấm dứt xung đột vẫn còn xa vời. Lực lượng Hamas, cầm quyền ở dải Gaza, thông báo sẽ không chấp nhận triển hạn sau 8 giờ sáng ngày mai, thứ Sáu, 09/08/2014. Thông tín viên Alexandre Buccianti tường trình từ Cairo :

Ngừng bắn hay không ngừng bắn ? Lập trường của phía Palestine trong chuyện này có rất nhiều mâu thuẫn. Ayman al-Raqb, người đứng đầu ủy ban đối ngoại của Fatah, khẳng định trên truyền hình Ai Cập rằng lệnh ngừng bắn sẽ được triển hạn thêm ít nhất hai ngày nữa và tối đa trong một tuần. Về phần mình, Moussa Abou Marzouk, một thành viên Hamas trong phái đoàn Palestine, cho biết qua trang Twitter rằng thỏa thuận ngưng bắn sẽ không có.

Như vậy, dường như là, về phía Palestine, có một sự từ chối chấp nhận ngừng bắn chính thức, trong khi đó lại có một thỏa thuận ngầm nhằm tìm kiếm khả năng triển hạn ngừng bắn. Triển hạn thỏa thuận ngừng bắn lại càng trở nên cần thiết khi các đàm phán gián tiếp giữa Irael và Palestine đã không thực sự tiến triển trong các vấn đề chủ yếu.

Phía Palestine yêu cầu Israel dỡ bỏ hoàn toàn và vô điều kiện việc cấm vận đối với Gaza, mở một cảng biển và một sân bay, nới rộng vùng đánh bắt cá lên 12 hải lý và thậm chí một hành lang nối liền dải Gaza với vùng Cijordani. Các yêu sách nói trên, theo giới quan sát, khó được Israel chấp thuận, ngược lại Hamas cũng khó chấp thuận đòi hỏi phi quân sự hóa dải Gaza mà Nhà nước Do Thái đưa ra.

Chiến tranh tại Gaza đã quật ngã nền kinh tế của dải đất hẹp ven Địa Trung Hải, dài 41 km, rộng tối đa 12 km, nơi 1,8 triệu người Palestine sinh sống. Gaza vốn đã rơi vào tình trạng dở sống, dở chết sau khi bị Israel áp đặt lệnh cấm vận từ 2006.

Để ngăn cản việc ngưng bắn tan vỡ, hôm qua Đức, Anh và Pháp đã gửi một đề nghị tới hai phe Israel và Palestine, Ai Cập và Hoa Kỳ, theo một nguồn tin ngoại giao. Vẫn theo nguồn tin này, các nước Châu Âu đề nghị lực lượng an ninh Palestine trở lại làm nhiệm vụ tại các vùng biên giới của Gaza. Lực lượng này có nhiệm vụ cản trở Hamas xây dựng các đường ngầm xuyên biên giới, vốn là một trong các nguyên nhân chủ yếu gây ra chiến tranh, đồng thời ngăn cản việc tái vũ trang của các nhóm cực đoan.

Đề nghị này có mục đích mở ra một triển vọng phục hồi kinh tế cho Gaza, tăng cường sức mạnh của chính quyền Palestine, làm suy yếu các lực lượng cực đoan, trong đó có Hamas.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.