Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Sarajevo : 100 năm sau vụ ám sát Thái tử Áo-Hung

Đăng ngày:

Cách nay một thế kỷ, ngày 28/06/1914, tại Sarajevo, miền Nam Châu Âu, xảy ra vụ ám sát Đại công tước Áo-Hung, biến cố đẩy các cường quốc Châu Âu nhanh chóng vào cuộc Thế chiến thứ nhất. Nhiều hoạt động tưởng niệm đã diễn ra tại đây vào cuối tháng 6. Câu hỏi đặt ra là : tưởng niệm vụ ám sát có phải là dịp khẳng định một nền hòa bình được tái lập, một Châu Âu tái hòa giải tại mảnh đất đau thương này, như những người tổ chức mong muốn ? Kỷ niệm 100 năm Sarajevo cũng là dịp đặt một câu hỏi rộng hơn về nguy cơ xung đột toàn cầu hiện nay. 

Trang nhất mô tả vụ ám sát Đại công tước Áo-Hung, báo "Petit Journal" (DR)
Trang nhất mô tả vụ ám sát Đại công tước Áo-Hung, báo "Petit Journal" (DR)
Quảng cáo

Sarajevo là thủ đô nước Cộng hòa Liên bang Bosnia-Hercegovina, quốc gia gồm ba cộng đồng chính, người Bosniac chủ yếu theo đạo Hồi, người Croate chủ yếu theo Công giáo và người Serbe theo Chính thống giáo (xem thêm chú thích 1). Bosnia-Hercegovina từng là miền viễn tây của đế chế Ottoman, vừa là cánh cửa Châu Âu hướng về Phương Đông. Sarajavo, quê hương của người Bosniac theo đạo Hồi, từng nằm dưới quyền cai trị của đế chế Áo-Hung hùng mạnh một thời, và vùng ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc Serbe. Hiệp ước Dayton 1995, ký tại Paris, cho phép chấm dứt ba năm nội chiến giữa ba sắc tộc chính nói trên, còn gọi là cuộc chiến « thanh lọc sắc tộc », với khoảng 100.000 người thiệt mạng, bao gồm cả thường dân và binh sĩ ba sắc tộc (trên tổng số dân cư khoảng 3 triệu người), và 167 quân nhân lực lượng giữ gìn hòa bình của Liên Hiệp Quốc (Forpronu). Cuộc nội chiến được coi là hậu quả của quá trình giải thể Liên bang Nam Tư cũ, vượt khỏi tầm kiểm soát.

Trong bối cảnh Bosnia-Hercegovina liên tục chìm trong tình trạng chia rẽ về chính trị, đình đốn về kinh tế, nhiều chỉ trích nhắm vào việc Liên hiệp Châu Âu tài trợ cho việc tổ chức các hoạt động tưởng niệm. Trong số 6 nước cộng hòa thuộc Liên bang Nam Tư cũ, Bosnia-Hercegovina bị coi là quốc gia tụt hậu nhất trên bước đường hội nhập với Liên hiệp Châu Âu. Liệu với cuộc tưởng niệm vụ ám sát Đại công tước Áo-Hung cách nay 100 năm, biến cố gắn liền với sự khởi đầu của cuộc Thế chiến thứ nhất, Sarajevo có thực sự nằm trong « trái tim của Châu Âu » như các khẩu hiệu có mặt khắp nơi trên thành phố nói về điều này ?

Xung đột ký ức : Anh hùng hay kẻ khủng bố ?

Để trả lời những câu hỏi này, RFI cùng với Institut Français (Viện Pháp) tại Sarajevo tổ chức một cuộc tọa đàm với sự tham gia của Hanifa Kapidzic, giáo sư Pháp văn đại học Sarajevo, nhà văn Nihad Hasanovic, nhà phê bình văn học Sunita Thomas, nhà sử học Nicolas Moll, Mirna Dragas, một nữ sinh viên tiếng Pháp, chuẩn bị theo học ngành khoa học chính trị, Jean-Arnault Dérens, thông tín viên RFI và tổng biên tập tạp chí "Courrier des Balkans".

Chúng ta biết vụ ám sát nổi tiếng xảy ra tại trung tâm thủ đô Sarajevo, gần cầu Latinh, địa điểm thu hút rất nhiều du khách hiện nay. Trước hết, nhà sử học Nicolas Moll cho biết một vài nét về biến cố này.

« Vụ ám sát đã xảy ra tại Sarajevo. Đây là một vụ ám sát được chuẩn bị rất kỹ. Không chỉ có Gavrilo Princip, mà trước đó, đã có một trái bom được ném vào đoàn xe nhưng không trúng đích. Đại công tước Áo François-Ferdinand và vợ (nữ công tước de Hohenberg) trúng đạn của Gavrilo Princip. Câu hỏi đặt ra là những người tổ chức cuộc ám sát này muốn gì, muốn xây dựng một nước Nam Tư thống nhất, muốn Bosnia sáp nhập vào Serbia ? Trong nhóm ám sát có những tư tưởng khác nhau, tư tưởng vô chính phủ, tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, v.v. Các nhà nghiên cứu vẫn tranh luận về vấn đề này. Cuộc tưởng niệm này làm các tranh luận và các cách luận giải khác nhau xung quanh vấn đề này trỗi dậy ».

Gavrilo Princip, thành viên của một tổ chức bí mật của người Serbe, mang tên « Bàn tay đen », thường bị người Bosniac coi là kẻ khủng bố, ngược lại ông được người Serbe tôn vinh là anh hùng. Cũng vào dịp này, cuối tháng 6, chính quyền Cộng hòa Serbia đã cho khánh thành bức tượng người đã ám sát Thái tử Ferdinand tại công viên Kalemegdan, thủ đô Belgrad. Một bức tượng tương tự cũng được dựng lên một số nơi khác như tại Istočno Sarajevo (theo tiếng Serbe có nghĩa là Đông Sarajevo) (chú thích 2).

Gavrilo Princip được người dân địa phương nhìn nhận như thế nào : Anh hùng hay kẻ sát nhân ? Trong một phóng sự gửi về từ Sarajevo vào dịp tưởng niệm, thông tín viên của RFI ghi nhận câu nói đùa của một người địa phương : « Tôi sẽ tới Sarajevo trong trang phục của Gavrilo Princip, với hàng ria con kiến của ông ấy, bộ vét đen và chiếc sơ mi trắng của ông ấy, rồi nói : chính tôi là người đã giết Đại công tước. Để xem xem mọi người phản ứng thế nào ». Mẹ của người trả lời xuất thân từ một ngôi làng sát nơi ra đời của Gavrilo Princip năm 1894, nay thuộc về vùng Liên bang Bosnia- Hercegovina.

Sarajevo qua lăng kính cuộc chiến 1992-1995

Nhận xét về sự đối lập trong cách nhìn về nhân vật và biến cố lịch sử đã xảy ra cách nay một thế kỷ, nhà sử học nói tiếp :

« Các cách giải thích khác nhau cho thấy sự phân hóa của đất nước. Hai cách giải thích đối lập này chỉ nói lên một phần hiện thực. Nhưng điều này phản ánh quá trình sự kiện này biến thành một câu chuyện mang tính quan điểm, khiến người ta khó mà có thể nói chuyện một cách bình tĩnh được.

Bởi vì vụ ám sát ngày 28/06/1914 đã được nhìn qua lăng kính của cuộc chiến tranh gần đây 1992-1995. Các hậu quả của cuộc chiến tranh này vẫn còn hết sức nặng nề. Hồi ức về cuộc chiến tranh cuối cùng còn rất sống động, nó ảnh hưởng đến các cách giải thích các biến cố trước đây, ví dụ như vụ ám sát năm 1914 ».

Mặc dầu tên tuổi của Gavrilo Princip gắn liền với Sarajevo suốt một thế kỷ, thủ đô của Bosna-Hercegovina đã xóa đi gần như mọi vết tích về người sát hại Thái tử Áo sau cuộc nội chiến 1992-1995 (ngược lại với thời kỳ Liên bang Nam Tư cũ, Gavrilo Princip được hết thảy thừa nhận như một anh hùng, một nhà cách mạng).

Tại sao lại có sự mâu thuẫn mạnh mẽ như vậy trong hồi ức về vụ ám sát này, đặc biệt là về nhân vật Gavrilo Princip, Tổng biên tập tạp chí Courrier des Balkans Jean-Arnault Dérens lý giải :

« Tôi cho rằng Gavrilo Princip là một người mà chúng ta biết vô cùng ít. Chúng ta chỉ biết rằng đó là một thanh niên đã thực hiện hành động này, ngay sau đó thì bị bắt. Người đồng sự lớn tuổi hơn bị treo cổ. Gavrilo Princip chưa đủ 20 tuổi nên không bị tử hình, nhưng bị kết án chung thân. Anh ta chết vì bệnh lao đầu năm 1918, trong một nhà tù tại nước Cộng hòa Séc hiện nay. Chỉ có thế, chúng ta gần như không biết gì về quan điểm chính trị của Gavrilo Princip.

"Chúng ta biết vô cùng ít về Gavrilo Princip !"

Về nguyên tắc, chúng ta biết rằng người này không theo chủ nghĩa dân tộc Serbe. Trong phiên xử án, anh ta tuyên bố tôi không phải là người theo đạo Chính thống, tôn giáo của người Serbe. Gavrilo Princip là người theo quan điểm cách mạng lãng mạn. Lý tưởng của anh ta có vẻ như là về một nước Nam Tư vô chính phủ. Chắc chắn, với việc ám sát Đại công tước Áo, anh ta muốn tiêu diệt kẻ bạo chúa thống trị Bosnia-Hercegovina, vì vùng lãnh thổ này bị sát nhập vào đế quốc Áo-Hung.

Bắt đầu từ sự thực này, mỗi bên đầu tư vào đó cách hiểu mang tính quan điểm của riêng mình về con người Gavrillo Princip, như một ‘‘anh hùng’’ hay một ‘‘kẻ khủng bố’’, một ‘‘người giải phóng’’ hay một thành phần ‘‘nguy hiểm’’...

Hiện tại, có nhiều cách nhìn nhận khác nhau về con người này. Tại Bosnia-Hercegovina, có người so sánh hành động này với việc ám sát người đại diện của Liên hiệp Châu Âu. Tất nhiên là so đại công tước François-Ferdinand với đại diện Liên Hiệp Châu Âu là hết sức không chuẩn. Ông ta là người kế vị, là đại diện cho một đế chế, đại diện cho ai cũng được… nhưng vai trò của ông ta trong chuyện này không hề trung lập.

Thế rồi còn có một cách để chiếm hữu nhân vật Gavrilo Princip theo kiểu khác. Ví dụ như về phía người Serbe, họ coi người này là anh hùng theo truyền thống dân tộc chủ nghĩa Serbe, nhưng đây là một điều cũng hết sức không chuẩn.

Sự thực chính là ở đây. Khi thực hiện một hành động như vậy, Gavrilo Princip chắc chắn không ý thức được về các hệ quả của việc này. Sau sự kiện này, mỗi người giải thích theo cái mình nghĩ.

Ngoài chuyện này ra, tôi thấy có một cuộc tranh luận quan trọng khác. Đó là ý nghĩa thực sự của hành động này. Phải chăng hành động này đã gây ra Thế chiến thứ nhất ? Tôi cho rằng đây chỉ là một cái cớ mà thôi. Vì tất cả mọi thứ đã sẵn sàng cho việc chiến tranh bùng nổ. »

Về lý do tại sao hồi ức của một thế kỷ trước dễ dàng ám ảnh xã hội Bosnia và chia rẽ các cộng đồng đến như vậy, nhà văn Nihad Hasanovic lý giải :

« Trước hết, tôi không phải là nhà sử học để có thể đưa ra một nhận định chính xác về những gì xảy ra trong quá khứ. Người Bosnia chúng tôi có vấn đề trong quan niệm về lịch sử, trong các khoa học xã hội và con người. Truyền thống nhân văn chủ nghĩa tại Bosnia-Hercegovina và vùng Balkans không có mối liên hệ chặt chẽ với các khoa học khác, khoa học tự nhiên chẳng hạn. Ở đây các giá trị mang tính bản sắc truyền thống, chủ yếu là dân tộc, là quan trọng hơn các giá trị nhân văn phổ quát. Chính vì thế mà chúng tôi không có được một quan hệ mang tính hòa dịu với biến cố này. Chính vì vậy, mà biến cố này hiện hữu một cách quyết liệt đến như vậy trong ý thức của cộng đồng chúng tôi ».

Gavrillo Princip : Một nhà cách mạng, một con người phản kháng ?

Nhà giáo Hanifa Kapidzic đưa ra một cách giải thích khác, dường như ít bị chi phối bởi quan điểm mang tính ý thức hệ của đa số, đối lập giữa kẻ khủng bố với nhà dân tộc chủ nghĩa.

« Tôi đồng ý với hầu hết những gì các vị đã nói trước. Cú nổ súng chỉ là một cái cớ cho sự khởi đầu của cuộc Đại chiến. Gavrilo Princip là một nhân vật rất quan trọng, nhưng đó chỉ là một chi tiết của lịch sử. Về vấn đề này mỗi người có quan niệm riêng : nhân vật này là kẻ khủng bố hay nhà cách mạng ?

Tôi hoàn toàn bác bỏ quan niệm người này là một kẻ ‘‘khủng bố’’, bởi vì khủng bố như điều chúng ta hiểu hiện nay trước kia không tồn tại. Có một sai lầm lớn khi ta tự cho phép mình dùng quan niệm ngày nay để gán cho một hiện thực trong quá khứ xa xôi. Theo tôi, ông ấy là một nhà cách mạng với nhiều ước mơ. Tôi không cho lý tưởng của ông ấy là chủ nghĩa dân tộc, hoặc nếu là chủ nghĩa dân tộc thì theo kiểu chủ nghĩa dân tộc Nam Tư. Nhưng tôi sẽ không dùng từ chủ nghĩa dân tộc để nói về người này. Ông ta sống tại một đất nước bị chiếm đóng, ông ta muốn chống lại. Ông ta tham gia vào một tổ chức lỏng lẻo. Vấn đề chủ yếu là ông ta đã muốn chống lại những kẻ chiếm đóng ».

Ký ức nhìn từ Hiện tại

Không muốn bị cột chặt vào quá khứ, nhìn quá khứ bằng cặp mắt của hiện tại, đó là điều mà nhà phê bình văn học Sunita Thomas nhấn mạnh.

« Đặt ra vấn đề tương lai trong bối cảnh bê bối hiện nay với một nền hành chính nặng nề, hết sức tốn kém, trong bối cảnh các phong trào dân tộc chủ nghĩa mạnh như thế này, thì có thể nói Bosnia không có tương lai. Hiện tại, chúng tôi có quá nhiều lịch sử, đấy là gánh nặng mà chúng tôi không thể tiêu hóa nổi. Chúng tôi rất cần một đồng thuận tối thiểu về những gì trong quá khứ.

Việc bám chặt một cách bệnh hoạn vào những giải thích như : Gavrilo Princip là khủng bố hay cách mạng là tiêu biểu cho toàn bộ cuộc xung đột của chúng ta. Bởi vì vào thời điểm bắt đầu nói đến việc tưởng niệm dịp 100 năm này, người Serbe đã biểu tình chống lại việc tổ chức, với những lời lẽ khiến chúng tôi tổn thương, ví dụ như họ nói quốc gia Serbia không chấp nhận việc nghi ngờ người anh hùng dân tộc của mình. Nhưng không phải là chúng tôi muốn nghi ngờ.

Chúng ta biết rằng lịch sử luôn luôn được hiểu theo con mắt của hiện tại. Người Serbe đã quên đi một điều là, sau cuộc chiến tranh 1914-1918, ý tưởng Nam Tư (tức quốc gia của những người Slave phương Nam) - giấc mơ đẹp của các trí thức, các nhà văn - đã từng liên hiệp những con người trước kia chưa hề bao giờ chung sống với nhau, ví dụ như ông tôi từng là một thần dân của đế chế Áo-Hung ».

Hiệp ước Dayton với một nền chính trị ngưng trệ

Vậy cặp mắt nào của hiện tại, hướng nhìn nào về tương lai để hồi ức không bị đóng đinh ? Dẫu sao, những gì hiện tồn lại thường là hệ quả của các sức mạnh đã định hình trong quá khứ. Nhà văn Nihad Hasanovic nói đến sự bất lực của các đảng phái chính trị tại Bosnia, những bế tắc của hiện tại kéo ông về với những đau thương chưa hề phôi pha : « Chúng tôi không có các đảng chính trị có các tư tưởng chính trị thực sự, mặc dù tuyên bố là đảng cánh tả hay đảng cánh hữu, nhưng thực chất họ đại biểu cho học thuyết tân tự do tư bản chủ nghĩa. Một vấn đề khác nữa là chủ nghĩa ly khai, đặc biệt với Cộng hòa Serbia của Bosnia-Hercegovina. Một sự thực cay đắng mà chúng ta không thể phủ nhận, đó là bản sắc quốc gia của chúng tôi được xây dựng trên các hố chôn chung, mà nạn nhân đa số là người Bosnia hay Croate ». Liệu có cách nào để thoát ra khỏi sự tê liệt về chính trị này, nỗi ám ảnh không lối thoát này không ? Giáo sư Pháp văn Hanifa Kapidzic lưu ý việc cần thừa nhận rằng chính « Hiệp ước Dayton đã được dùng để bóp cứng nền chính trị Bosnia hiện tại ».

Hiệp ước Dayton 1995 cho phép kết thúc cuộc nội chiến tàn khốc ở trung tâm Châu Âu, nhưng cũng cho ra đời một thể chế chính trị khuyến khích sự ngưng trệ tại Bosnia-Hercegovina, như nhận xét của nhiều nhà nghiên cứu. Trong cơ cấu quyền lực hiện tại, với hơn 80 bộ trưởng trong chính phủ, việc đưa ra quyết định kịp thời tại Bosnia là điều gần như không thể. Nếu như các dấu vết chiến tranh đã biến mất trên các đường phố Sarajevo, chúng vẫn còn hiện diện rất nặng nề trong tinh thần các cộng đồng Serbe, Croate và Bosniac. Nhà báo Jean-Arnault Dérens phân tích :

« Hiệp ước Dayton trước hết là để lập lại hòa bình, nhưng sau đó nó đã ưu tiên cho việc giữ nguyên trạng hệ thống chính trị hành chính nặng nề của Bosnia. Điều này mang lại lợi ích cho giới nắm quyền. 19 năm nay người ta liên tục đưa ra các tuyên bố cải cách Dayton, nhưng đó là những tuyên bố trống rỗng. Nhưng khách quan mà nói, điều đó là không thể. Chìa khóa của sự thay đổi đã bị găm chặt vào khối bê tông của hiệp định. Không còn cách nào hơn là phá tung vòng xích này.

Tôi không biết khi nào mà Bosnia sẽ tìm được sức mạnh xã hội và sự năng động để làm được điều này. Cần phải bằng cách này hay cách khác thoát ra, nhưng chắc chắn không thể bằng những cuộc tranh luận triền miên.

Tại sao chúng ta lại phải giữ nguyên trạng ? Mọi người đều biết Bosnia không vận hành tốt. Nhưng chừng nào mà người Bosnia không rời nước một cách ồ ạt, khi đất nước không rơi vào chiến tranh, thì Bosnia sẽ cứ mất hút trong lịch sử. Điều tôi nói ra thật buồn, nhưng đó là sự thực. Tôi cho rằng có một thái độ không thiện chí từ phía Liên Hiệp Châu Âu, cũng như các nước Phương Tây khác, thái độ này là nằm ở chỗ vừa giữ nguyên trạng, lại vừa tổ chức các sự kiện đình đám như kỷ niệm 20 năm mở màn cuộc vây hãm Sarajevo cách nay 2 năm, hay sự kiện năm nay kỷ niệm 100 năm ngày bắt đầu Thế chiến I, để nói về các giá trị của Châu Âu, trong khi những gì xảy ra tại Bosnia trong cuộc sống hàng ngày lại bác bỏ những cái gọi các ‘‘giá trị châu Âu’’ ».

Sevdah : nỗi buồn và ánh sáng của người Bosnia

Tuy nhiên, Bosnia không chỉ là xung đột, là đối đầu sắc tộc, là ngưng trệ, đình đốn. Nằm trên giao lộ của những con đường từ Âu qua Á, từ Bắc xuống Nam, những cộng đồng người Bosnia đã vượt qua bao thách thức của lịch sử. Ẩn chứa bên trong tâm hồn người Bosnia sức mạnh nào, ca sĩ Amira Medunjanin chia sẻ :

« Tôi cho rằng Sevdah (sevdalinka) là hình ảnh của chúng tôi với tư cách là một cộng đồng, cách chúng tôi yêu rất mạnh mẽ, rất chân thành. Những bài hát này chính là lịch sử của chúng tôi, lịch sử cuộc sống của chúng tôi, lịch sử đất nước, chúng gợi lại một trạng thái đặc biệt, chúng gợi lên sự buồn thương, nhưng ta cảm thấy hạnh phúc sau đó, như thể nỗi buồn bay đi, còn lại một niềm vui và ánh sáng ».

Trở lại với cuộc tưởng niệm 100 năm vụ ám sát lịch sử tại Sarajevo (thường được đồng nhất với thời điểm bùng nổ Thế chiến thứ nhất), khách mời chính là các lãnh đạo Châu Âu hầu hết đều vắng mặt. Hy vọng một đồng thuận vào dịp này đã không thành công.

Tuy nhiên, nhiều hoạt động nghệ thuật vẫn diễn ra. Có mặt tại Sarajevo, nhà triết học Pháp Bernard-Henri Levy – một trong những nhà hoạt động Châu Âu ủng hộ Bosnia nhiệt huyết nhất trong những năm 1990 – đã đưa ra lời kêu gọi trưng cầu chữ ký để Bosnia gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. « Đưa Bosnia trở về Châu Âu là món nợ tinh thần của chúng ta, những người Châu Âu cũ », Bernard-Henri Levy tuyên bố hôm sau buổi trình diễn vở kịch « Hôtel Europe », do ông sáng tác và đạo diễn Bosnia Dino Mustafic (đồng tác giả bản tuyên bố) dàn dựng.

Có rất nhiều con đường để tiến về phía trước, để hòa giải với tự thân, với các cựu thù.

***
Sarajevo không chỉ là Châu Âu, như cảnh báo của nhà nghiên cứu địa chính trị Pháp Dominique Moisi, « chỉ cách nay một năm, mọi so sánh giữa mùa hè 1914 và thế giới hiện nay về cơ bản có vẻ như hoàn toàn là võ đoán » (Les Echos, ngày 20/06/2014), thì giờ đây nhiều điều cho thấy có thể so sánh nhiều khu vực trên thế giới với tình hình bán đảo Balkan trước Thế chiến thứ nhất : một Nhà nước thánh chiến Hồi giáo đang hình thành ở Trung Đông, các ứng xử đầy bất trắc của đế chế Putin hay tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông… Nhiều dấu hiệu cho thấy thế giới có thể đang bước vào một thời kỳ khó lường.

Chú thích

(1) Nước Cộng hòa Liên bang Bosnia-Hercegovina gồm hai vùng lãnh thổ chính. Vùng Cộng hòa Serbe của Bosnia và vùng Liên bang Bosnia-Hercegovina. Cả Cộng hòa Serbe của Bosnia và Liên bang Bosnia-Hercegovina đều không phải là Nhà nước có chủ quyền, mà chỉ là hai bộ phận của nước Cộng hòa Liên bang Bosnia-Hercegovina.

(2) Istočno Sarajevo vốn là một bộ phận của Sarajevo. Sau cuộc chiến 1992-1995, theo Hiệp ước Dayton, Istočno Sarajevo được cắt khỏi Sarajevo để trở thành một đô thị của vùng Cộng hòa Serbe của Bosnia.

Tin bài liên quan

Vương quốc Bỉ kỷ niệm 100 năm Đệ Nhất Thế Chiến

Cuộc chiến bị xoá nhòa trong ký ức người Đức

Đệ nhất thế chiến, ký ức buồn của người Đức

Pháp mừng Quốc khánh 2014 cùng với kỷ niệm 100 năm Đệ nhất Thế chiến

Bất đồng về lễ kỷ niệm vụ ám sát dẫn tới Đệ nhất Thế chiến

Thất nghiệp sinh ra phong trào chống chính phủ Bosnia

Pháp kỷ niệm 100 năm ngày Jean Jaurès bị ám sát

Khởi sự « năm Jaurès » tại Pháp : Nhân 100 năm lãnh tụ SFIO bị sát hại

Phát biểu của Thủ tướng Nhật về Đệ nhất Thế chiến bị dịch sai ?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.