Vào nội dung chính
UKRAINA - CHÂU ÂU

Ukraina ký thỏa thuận liên kết với Liên Hiệp Châu Âu

Tại Bruxelles, ngày 27/06/2014, Tổng thống Ukraina Petro Porochenko đã ký hiệp ước thương mại với Liên Hiệp Châu Âu trong khuôn khổ thành viên liên kết. Chính vì cựu Tổng thống Viktor Ianoukovitch từ chối ký kết thỏa thuận này vào cuối năm ngoái mà Ukraina rơi vào khủng hoảng. Cùng với Ukraina, hai nước Liên Xô cũ khác là Gruzia và Moldavia cũng ký thỏa thuận với Bruxelles.

Tổng thống Petro Poroshenko ký kết hiệp định liên kết với Châu Âu tại Bruxelles, 27/06/2014.
Tổng thống Petro Poroshenko ký kết hiệp định liên kết với Châu Âu tại Bruxelles, 27/06/2014. REUTERS/Olivier Hoslet
Quảng cáo

Ngày 27 hôm nay được Tổng thống Petro Porochenko đánh giá là ngày « lịch sử » sau khi ông đặt bút ký thỏa thuận làm thành viên liên kết với Liên Hiệp Châu Âu. Thỏa thuận về thương mại cho phép hàng hóa của Ukraina tiếp cận thị trường gần 400 triệu người tiêu dùng.

Đổi lại, các thành viên liên kết với Châu Âu cam kết xây dựng nhà nước pháp quyền và bài trừ tham nhũng.

Việc ba nước Liên xô cũ gồm Ukraina, Gruzia và Moldavia cùng xác quyết hợp tác với Bruxelles là một thất bại lớn cho Putin.

Từ Matxcơva, thông tín viên Muriel Pomponne phân tích :

Sự kiện Ukraina ký kết hiệp ước hội viên liên kết với Liên Hiệp Châu Âu rõ ràng là một thất bại lớn cho nước Nga. Lý do là từ nhiều tháng nay, Matxcơva làm đủ cách để thuyết phục Kiev gia nhập liên minh thuế quan Âu-Á do Nga chủ động. Từ khi chính quyền thay đổi tại Kiev, Matxcơva biết rằng Ukraina đã quyết định theo Tây phương. Đối với chính quyền Putin, thì cuộc cờ mới này sẽ gây tác hại cho kinh tế Nga. Matxcơva thông báo là sẽ ban hành nhiều biện pháp bảo hộ kinh tế, ngăn chận lượng hàng hóa của Tây phương, qua trung chuyển Ukraina, tràn ngập thị trường Nga.

Đây không phải là lần đầu tiên Nga đe dọa trừng phạt kinh tế Ukraina. Nhưng vấn đề là nền kinh tế hai nước quá lệ thuộc vào nhau. Ukraina không thể bỏ thị trường Nga và nhân công của quốc gia láng giềng.

Tổng thống Petro Porochenko đã thông báo trước với Nga là ông sẵn sàng tham khảo ý kiến Matxcơva trước khi thi hành thỏa thuận thương mại vừa ký với Liên Hiệp Châu Âu.

Hai bên sẽ gặp nhau vào ngày 11 tháng 7 tới ở cấp Bộ trưởng.

Tại chỗ, phe thân Nga ở Lougansk đã thả 4 quan sát viên của tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu OSCE bị bắt cóc vào ngày 26/05. Một toán quan sát viên khác vẫn còn bị cầm giữ từ ngày 29/05.

Theo Liên Hiệp Quốc, từ khi xung đột võ trang xảy ra 54 ngàn người ở miền đông Ukraina phải đi lánh nạn trong nước. Hơn 110 ngàn người khác chạy sang Nga. Tuyên bố trên đài truyền hình Nga, Tổng thống Putin kêu gọi chính quyền Kiev thương lượng với phe nổi dậy, thiết lập một cuộc ngưng bắn lâu dài.

Thỏa thuận ngưng bắn do Kiev đề nghị và được phe nổi dậy chấp thuận từ thứ Hai sẽ hết hiệu lực vào đêm nay. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraina vừa thông báo sẽ triển hạn thêm 72 tiếng đồng hồ. Mục đích là để tạo thêm điều kiện thuận lợi cho một giải pháp hòa bình như là thả hết quan sát viên OSCE, đưa thêm thanh tra quốc tế vào khu vực và kiểm soát biên giới Nga-Ukraina.

Liên Hiệp Châu Âu cũng kỳ hạn cho Nga ba ngày để chứng tỏ hành động cụ thể làm giảm căng thẳng tại đông Ukraina, tiến hành đàm phán kế hoạch hòa bình do chính quyền trung ương Ukraina đề nghị, nếu không sẽ bị trừng phạt.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.