Vào nội dung chính
MOLDOVA - GRUZIA

Moldova và Gruzia vượt qua thách thức xích gần lại EU

Báo Pháp ra hôm nay (26/6/2014) quan tâm nhiều đến sự kiện, ngày 27/6 tại kỳ họp Thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu (EU), Moldova và Gruzia , hai nước cộng hoà tách ra từ Liên Xô cũ sẽ ký hiệp định liên kết với EU, một bước đi đầy thách thức nhất là trong bối cảnh khủng hoảng Ukraina vẫn chưa có lối thoát.

Biểu tình phản đối sáp nhập Crimée vào Nga, tại Chisinau, Moldova, ngày 06/04/2014
Biểu tình phản đối sáp nhập Crimée vào Nga, tại Chisinau, Moldova, ngày 06/04/2014 REUTERS/Viktor Dimitrov
Quảng cáo

Có thể hiểu được vì sao sự kiện này lại thu hút sự chú ý của báo giới. Đó là bởi chính cũng vì cái hiệp định ngả theo EU để thoát ra khỏi vòng kiềm toả của nước Nga mà Ukraina từ đầu năm nay đã bị rơi vào tình cảnh hỗn loạn chính trị, đất đai lãnh thổ bị mất, đất nước bị xé nát vì ly khai, nội chiến. Bài học nhỡn tiền này không ngăn cản Moldova, một nước cộng hoà nhỏ bé, láng của Ukraina, ký hiệp định liên kết với Eu, một việc làm có thể khiến nước Nga của ông Vladimir Putin nổi đoá .

Nhật báo Libération ghi nhận qua hàng tựa bài phóng sự : « Sự lựa chọn Châu Âu gây căng thẳng tại Moldova ». Libération dự báo, việc Moldova ký hiệp định liên kết với EU có thể làm dấy lên tình cảm thân Nga trong một bộ phận dân chúng và tạo đà cho xu hướng ly khai của vùng đất tự trị Transnistria đang được Matxcơva khuyến khích.

Tác giả bài phóng sự đã đến thủ đô Chisinau của Moldova trong những ngày qua và ghi nhận tại đất nước này đã bắt đầu xuất hiện các cuộc biểu tình chống lại việc ký kết hiệp định ngả theo Châu Âu. Những người chống đối đưa ra hàng loạt lý do như gia nhập EU thì nền nông nghiệp của Moldova sẽ bị bóp chết ... hay các nước Châu Âu sẽ ép người Moldova từ bỏ tôn giáo, đời sống sẽ trở nên đắt đỏ và rồi Moldova sẽ có chiến tranh với Nga... Nhưng có một điều mà phóng viên của Libération nhận thấy ở thủ đô của Moldova là bóng dáng nước Nga có mặt trong hầu khắp các cuộc tranh luận liên quan đến việc ký hiệp định liên kết với EU, một chủ đề đang chia rẽ dư luận trong nước.

Libération cho biết, theo một cuộc thăm dò dư luận mới đây 1/3 người dân Moldova ủng hộ việc gia nhập EU, 22% muốn Moldova gia nhập liên minh thuế quan với Nga, còn lại 1/3 thì lưỡng lự không có lựa chọn. Về việc gia nhập khối NATO, sự lựa chọn rõ ràng : Một nửa người dân nước này không muốn liên minh quân sự và chỉ có 20% ủng hộ.

Moldova là một quốc gia nhỏ bé nhưng cũng khá phức tạp về lịch sử, văn hoá. Bị Stalin sáp nhập vào Liên Xô năm 1940, Moldova mới tách ra độc lập từ đầu những năm 1990. Với 3,5 triệu dân trong đó 70% người nói tiếng Rumani, 30% nói tiếng Nga, nước cộng hoà Moldova nằm kẹp giữa Rumani và Ukraina và bên trong lãnh thổ lại có nhiều vùng đất nhỏ ly khai. Trước hết là vùng Transnistria, đã tuyên bố tự trị năm 1992. Tiếp đó còn có vùng Gagaouzia, một vùng đất nhỏ đa số dân là người gốc Thổ Nhĩ Kỳ nói tiếng Nga. Sau vụ Nga sáp nhập Crimée, hai vùng đất này cũng đã tổ chức trưng cầu dân ý đòi được sáp nhập vào Nga.

Nhà nghiên cứu chính trị của Moldova, Oazu Nantoi khẳng định : « Chính phủ Moldova càng muốn xích lại gần châu Âu thì Nga sẽ càng cố gây cản trở. Matxcơva đã « mất » các quốc gia Baltic, nay họ không muốn các nước cộng hoà của Liên Xô cũ đi theo liên hiệp châu Âu ».

Theo Libération, những động thái ngăn cản của Nga đã thấy rõ như gây xáo động trong các vùng đất tụ trị , truyền hình Nga phát qua lãnh thổ Moldova liên tục truyền đi những thông điệp chống EU, rồi đến các đòn kinh tế như việc cách đây ít tháng Nga đột ngột cắt nhập khẩu rượu vang của Moldova, một nguồn thu lớn của nước này.

Bất chấp có rất nhiều thách thức từ bên trong nước cũng như từ bên ngoài vào, ngày mai tại Bruxelles, Moldova phải có sự lựa chọn cam đảm : Hoặc liên kết với EU, hoặc gia nhập liên minh thuế quan do Nga bảo trợ. Trung lập hay lưỡng lự bây giờ không còn là có thể đối với quốc gia nhỏ bé nghèo nhất Châu Âu này. Đây sẽ là một sự lựa chọn không phải không có hệ lụy khi mà bài học Ukraina vẫn là một thực tế hiển hiện trước mắt.

Liệu có một Crimée thứ 2 ở Gruzia ?

Gần tương tự với Moldova, báo Le Monde đề cập đến trường hợp của Gruzia với bài « Gruzia trước cuộc hẹn Châu Âu ». Quốc gia trong khối Xô Viết đồng thời có nhiều hiềm khích với Nga này, ngày mai cũng sẽ đặt bút ký thoả thuận liên kết và tự do mậu dịch với EU. Những khó khăn của Gruzia trước quyết định lịch sử chọn hướng đi cho mình cũng không khác gì nhiều so với Moldova. Với tình hình chính trị bên trong không ổn định, Gruzia cũng gặp những vấn đề về lãnh thổ chia cắt bởi các vùng đất tự trị và nhất là cũng đứng trước nguy cơ bị Nga trả đũa. Theo Le Monde, ở Tbilissi, người ta đang lo ngại Matxcơva sẽ trừng phạt việc Gruzia ngả theo Châu Âu bằng việc sáp nhập vùng đất Nam Osetia vào Nga. Nhưng dù sao Tbilissi vẫn quyết tâm tìm con đường đi riêng cho mình.

Sau 40 năm Mỹ trở lại xuất khẩu dầu thô

Chuyển qua các trang báo kinh tế, Le Figaro cho biết một thông tin bất ngờ : Lần đầu tiên từ 40 năm nay, Hoa Kỳ sẽ là nước xuất khẩu dầu thô.

Tờ báo đánh giá nếu như Hoa Kỳ đang từ nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới trở thành nước xuất khẩu dầu thô thì điều này sẽ làm đảo lộn toàn bộ thị trường nhiên liệu hoá thạch.

Tờ báo dẫn nguồn từ nhật báo kinh tế Mỹ, Wall Street Journal cho biết : Hoa Kỳ mở đường xuất khẩu dầu thô qua việc cho phép hai công ty của Texas là Pioneer Natural Resources và Enterprise Products Partner, ngay từ tháng 8 tới đây xuất khẩu dầu thô.

Trên thực tế, từ năm 1973 chính phủ Mỹ đã cấm xuất khẩu dầu thô mà chỉ cho xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ đã qua lọc. Quyết định này khi đó đã dẫn đến cơn sốc dầu mỏ đầu tiên làm giá dầu bị đội lên gấp 4 lần.

Việc cho phép hai công ty Texas xuất khẩu dầu sơ chế, theo các chuyên gia, sẽ mở đường cho việc gỡ bỏ hẳn lệnh cấm này. Hiện chưa rõ số lượng xuất khẩu dầu của các công ty Mỹ là bao nhiêu nhưng các chuyên gia cũng dự tính từ nay đến năm 2015, mỗi ngày sẽ có khoảng 700 nghìn thùng dầu được đưa ra khỏi nước Mỹ.

Theo Le Figaro, một nguyên nhân góp phần vào quyết định cởi mở nói trên, đó do nước Mỹ gần đây đã rất thành công trong khai thác nguồn năng lượng từ khí đá phiến. Với việc khai thác các nguồn năng lượng mới, từ nay đến năm 2020, dự kiến Mỹ có thể tự đáp ứng nhu cầu năng lượng không còn lệ thuộc vào nguồn dầu mỏ từ các nước OPEC.

Le Figaro cũng cho biết thêm là việc cho phép xuất khẩu dầu thô cũng là một đề tài gây nhiều tranh cãi trong chính giới Mỹ. Các nghị sĩ Quốc hội thì cho rằng lệnh cấm xuất khẩu dầu thô phải được duy trì nhằm bảo đảm cho kinh tế Mỹ được hưởng giá năng lượng thấp. Trong khi Bộ Thương mại thì ủng hộ.

Dù gì thì các chuyên gia về năng lượng cũng nhận thấy quyết định của chính phủ Mỹ về việc xuất khẩu dầu thô có thể sẽ đem lại những thay đổi không nhỏ trên bản đồ năng lượng của thế giới.

Pháp : Cải cách từ đâu

Những vấn đề nội tình thời sự nước Pháp với các cải cách và đội tuyển bóng đá Pháp thi đấu tại Cúp thế giới vẫn là những chủ để được quan tâm nhiều nhất của các báo Pháp ra hôm nay.

La Croix đặt câu hỏi lớn trên trang nhất : « Làm thế nào cải cách nước Pháp trong vòng 10 năm » nhân việc một bản báo cáo phác thảo những hướng phát triển chiến lược về kinh tế, xã hội và chính trị cho nước Pháp trong vòng 10 năm tới vừa được trình lên Tổng thống François Hollande hôm qua. Cũng vẫn là một câu hỏi nhân sự kiện này, Le Monde chạy tựa trang nhất : Làm thế nào để Pháp có thể bật lên ? Câu trả lời thuộc về các nhà làm chính trị nhưng đã cho thấy nhu cầu cấp nước Pháp cần phải có những cuộc cải cách sâu rộng, nhưng bắt đầu từ đâu và thì còn là một đề tài tranh luận dài dài và cái khó nữa là làm cái gì cũng bị chống đối.

Brazil 2014 : Bóng đá Pháp, khoảng lặng sau lễ hội ồn ào

Phần cuối của mục điểm báo hôm nay xin được trở lại trận cầu tối qua của đội tuyển Pháp với Ecuador tại Cúp bóng đá thế giới,mà những bình luận tràn ngập các trang báo hôm nay.

Các cầu thủ áo Lam tối qua đã không thể hiện được gương mặt đẹp nhất của họ. Đang trên đà hứng khởi sau hai chiến thắng ròn rã liên tục của đội nhà, kết quả hoà 0-0 trước đội bóng nhỏ của Mỹ Latinh ít nhiều khiến dư luận bóng đá Pháp có phần thất vọng. Nhật báo Le Figaro chạy tựa một bài viết trên trang thể thao bằng giọng ngán ngẩm : « Dẫu sao cũng chán thật », chán là bởi vì trận đấu không tưng bừng như chiến thắng trước Thuỵ Sĩ hôm thứ Sáu tuần trước, chán là vì các gương mặt mới của đội tuyển đã không thể hiện được gì nhiều lắm, nhất là khi các cầu thủ Pháp có lợi thế chơi hơn người trong gần một hiệp đấu.

Nhật báo Libération thì nói đến một đội tuyển Pháp được « cải tổ mạnh mẽ và gây thất vọng ». Nhật báo L’Equipe thì bình luận, bị suy yếu do có những thay đổi, chơi không sáng tạo và thiếu chính xác, các cầu thủ áo Lam đã có một trận đấu quá thường trước Ecuador.... đúng là vẫn đứng đầu bảng và bất bại, như vậy đội Pháp đã đạt được mục tiêu chính đề ra, nhưng hai trận đầu ra quân trước Honduras và Thuỵ Sĩ đem lại hứa hẹn nhiều thì trận thứ ba không thắng được Ecuador lại mang lại cảm giác hẫng hụt .

Tuy nhiên l’Equipe cũng hướng về trận quyết định vào thứ Hai tới khi đội tuyển Pháp đối mặt với Nigeria. Theo tờ báo thì « một cuộc đua khác đang bắt đầu với các cầu thủ áo Lam ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.