Vào nội dung chính
HOA KỲ - TRÁI ĐẤT HÂM NÓNG

Chính phủ Mỹ : Cần ‘‘khẩn cấp’’ chống biến đổi khí hậu

Theo AFP, trong một báo cáo công bố hôm qua, 07/05, Nhà Trắng tái khẳng định « tính khẩn cấp » của việc chống Trái đất bị hâm nóng tại Mỹ, quốc gia thải khí CO2 thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Cố vấn khoa học của Tổng thống Mỹ tuyên bố, báo cáo đưa ra những báo động "mạnh mẽ và rõ ràng nhất" từ trước đến nay. Báo cáo kể trên được công bố trên địa chỉ www.globalchange.gov.

Trang bìa bản báo cáo về tác động của biến đổi khí hậu đến nước Mỹ
Trang bìa bản báo cáo về tác động của biến đổi khí hậu đến nước Mỹ Trang mạng của chính phủ Hoa Kỳ www.globalchange.gov/‎
Quảng cáo

Trước bài phát biểu trên đài CBS của Tổng thống Obama, ông John Holdren, cố vấn khoa học của Tổng thống đưa ra nhận định tóm lược, biến đổi khí hậu « không phải là một đe dọa xa xôi », mà là một hiện thực nhãn tiền. Cố vấn của Tổng thống Hoa Kỳ nêu ra một loạt ví dụ để nói lên tình trạng báo động của các tác động biến đổi khí hậu đối với chính nước Mỹ : cháy rừng sớm hơn tại miền Tây Nam, mưa mãnh liệt hơn tại vùng Đông Bắc, nước biển đe dọa tiểu bang Florida… Báo cáo đưa ra các ví dụ cụ thể như : tiểu bang miền bắc Alaska nóng nhanh gấp hai lần phần còn lại của nước Mỹ…, xa lộ số 1 ở tiểu bang Lousiana (con đường chiến lược cho vận tải dầu mỏ) có nguy cơ chìm dưới mặt biển…, số lượng bão nhiệt đới gia tăng…

Theo người phát ngôn Phủ Tổng thống Mỹ, báo cáo nói trên - kết quả bốn năm làm việc của hơn 250 khoa học gia - nhằm cung cấp thông tin dễ hiểu và đầy đủ cho các công dân Mỹ, để họ hiểu được tác động của biến đổi khí hậu đến khu vực nơi mình sống. Báo cáo cũng dự kiến trước các phê phán từ phía phe hoài nghi, bằng việc cung cấp rất nhiều dẫn chứng, có lập luận rõ ràng với nhiều minh họa, để nói lên thực trạng của biến đổi khí hậu và vai trò của con người vào quá trình này.

Báo cáo về tính cấp thiết của việc chống biến đổi khí hậu nằm trong các cố gắng của chính quyền Obama thúc đẩy một chương trình chống biến đổi khí hậu tại Quốc hội lưỡng viện. Nỗ lực của Tổng thống Mỹ gặp nhiều cản trở từ phía phe Cộng hòa, chiếm đa số tại Hạ viện. Theo AFP, chính sách chống biến đổi khí hậu đầy tham vọng của Obama, như các cam kết tranh cử, đã bị chặn đứng kể từ năm 2009, do sự chống đối quyết liệt của Quốc hội. 

Ngày 16/02/2014 mới đây, tại Jakarta trong chuyến công du Châu Á, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry tuyên bố cần coi “biến đổi khí hậu” là một thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt, tương tự như vũ khí hạt nhân, thậm chí đây có thể coi là “vũ khí hủy diệt đáng sợ nhất”.

Khí thải C02 2013 : Châu Âu giảm, Đức đội sổ

AFP, ngày 07/05/2014, loan tin mừng lượng khí thải trung bình năm 2013 của Liên Hiệp Châu Âu giảm. Tuy nhiên, một số nước đi ngược lại xu thế này, trong đó có Đức trở thành quốc gia quán quân thải khí CO2 trong số các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, với 760 triệu tấn CO2 năm 2013, tăng 2% so với năm trước. Số liệu do Eurostat, Viện thống kê Châu Âu cung cấp.

Tổng cộng 28 nước Liên Âu tạo ra 3,35 tỷ tấn CO2 năm ngoái, so với 3,43 tỷ tấn năm 2012, giảm - 2,5%. Khí thải C02, do việc sử dụng các năng lượng hóa thạch, chiếm 80% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Đức cùng với 5 quốc gia Châu Âu khác đi ngược lại xu thế giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính nói chung của Liên Âu trong năm vừa qua. Cụ thể là, từ cao xuống thấp : Đan Mạch tăng 40 triệu tấn (+6,8%), Estonia tăng 18 triệu tấn (+4,4%), Bồ Đào Nha 46 triệu tấn (3,6%), Pháp 345 triệu (+0,6%) và Ba Lan 290 triệu (+0,3).

Đức là quốc gia có chủ trương chuyển triệt để sang năng lượng xanh, từ bỏ hoàn toàn năng lượng hạt nhân, bảo đảm năng lượng tái tạo chiếm 80% vào năm 2050, so với 25% như hiện nay. Tuy nhiên, việc từ bỏ năng lượng hạt nhân quá nhanh, khi chưa có nguồn thay thế, khiến Đức phải gia tăng tiêu thụ than, vốn có sẵn trong nước, khiến lượng khí thải của quốc gia này tiếp tục tăng lên, chứ không giảm như mong muốn.

Các quốc gia đi đầu trong việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong năm ngoái là Chypre (5,5 triệu, -14,7%), Rumani (63 triệu, -14,6%), Tây Ban Nha (224 triệu, -12,6%) và Slovenia (12,9 triệu, -12%).

Tháng 1/2014, Ủy ban Châu Âu đưa ra một loạt các mục tiêu vào ngưỡng cửa 2030 để nền kinh tế của Liên Hiệp Châu Âu vừa có sức cạnh tranh, vừa tạo ra ít khí thải. Dự kiến mức khí thải của nền kinh tế Châu Âu vào thời điểm này sẽ giảm 40%, tỷ trọng của năng lượng tái tạo là 27%, giảm lãng phí năng lượng 27%. Đề nghị của Ủy ban Châu Âu sẽ được Hội đồng Châu thảo luận vào tháng 10/2014. Nếu Liên hiệp Châu Âu kiên trì được mục tiêu năng lượng tái tạo chiếm 30% vào năm 2030, thì mỗi năm sẽ có thêm 1 triệu việc làm mới được tạo ra tại Châu Âu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.