Vào nội dung chính
NGA - INTERNET

Bức màn sắt của Putin trên thế giới mạng Nga

Thông tín viên nhật báo Libération tại Matxcơva trong bài viết hôm nay 02/05/2014 « Internet : Putin làm nguội lạnh nhiệt tình » cho biết, với cái cớ đấu tranh chống khủng bố, đạo luật mới của Nga giúp chính quyền khống chế toàn bộ không gian mạng, và khiến cho Pavel Dourov, người sáng lập mạng Facebook của Nga phải bỏ xứ đi lưu vong.

Mạng lưới internet tại Nga luôn bị giám sát chặt chẽ.
Mạng lưới internet tại Nga luôn bị giám sát chặt chẽ. (Photo : AFP)
Quảng cáo

Pavel Dourov, khuôn mặt trẻ tuổi đã thành lập nên Vkontakte (VK), mạng xã hội lớn nhất của Nga tương đương với Facebook, đã quyết đi định cư ở nước ngoài và không hề có ý định quay trở lại, ít nhất là cho đến khi nào chưa có cải cách trên quê hương của mình.

Như một lời vĩnh biệt, Pavel Dourov đã đăng trên trang VK của anh một loạt các vi-nhét mô tả những thay đổi mà nếu không có chúng « việc trở lại Nga là vô nghĩa » : các phiên tòa mở rộng, đơn giản hóa thủ tục để ngăn chận tham nhũng, thi tuyển công chức mở rộng cho mọi người, tự chủ kinh tế cho các địa phương, đa dạng hóa hệ thống giáo dục…Rất nhiều cải cách như thế, mang ý nghĩa tự do rộng rãi cho xã hội dân sự, khuyến khích sáng tạo và cạnh tranh. Nhưng nước Nga lại đang hướng về một hướng hoàn toàn ngược lại : luôn tập quyền, kiểm soát chặt chẽ, thiếu minh bạch, kể cả trên internet.

Nhà tỉ phú mới 29 tuổi đã phải đau lòng từ bỏ vị trí lãnh đạo và doanh nghiệp của mình, được thành lập vào năm 2006. Từ nhiều tháng qua, Dourov mâu thuẫn với một số cổ đông của VK, trong đó có những người thân cận điện Kremli.

Sự thất vọng này một phần có liên quan đến vấn đề quan điểm: Dourov luôn bảo vệ nguyên tắc bảo mật và mặc nhiên từ chối cung cấp các dữ liệu về những người sử dụng VK cho chính quyền Nga, cũng như việc đóng các tài khoản mà Matxcơva cho là gây phiền nhiễu vì các lý do rõ ràng là chính trị. Mới đây anh một lần nữa lại cự tuyệt cơ quan tình báo Nga (FSB) khi họ đòi phải cho tiếp cận dữ liệu cá nhân của những người tổ chức nhóm Euromaidan, điều phối viên của phong trào thân châu Âu tại Ukraina.

Sự kiện « Mark Zuckerberg » của Nga phải đi lưu vong tình cờ trùng hợp với việc thông qua một đạo luật mới trong khuôn khổ đấu tranh chống khủng bố. Được cho là để lập lại trật tự trên mạng, nhưng trên thực tế luật này kết thúc sự tự do của cư dân mạng. Cũng giống như mọi chế độ toàn trị khác, không gian cuối cùng của tự do ngôn luận là internet. Và vì chiếm một vai trò đặc biệt trong việc hình thành công luận ly khai, các blogger là mục tiêu đầu tiên bị luật mới nhắm đến.

Từ nay, những blog nào có trên 3.000 lượt đọc mỗi ngày sẽ phải báo cáo với chính quyền như là một phương tiện truyền thông. Một mặt, các blogger bị buộc phải chịu trách nhiệm về những gì mình viết ra, cũng như đối với báo chí, nhưng mặt khác họ không có được những quyền của giới báo chí. Các blogger còn bị quy trách nhiệm cả về nội dung của những lời bình luận.

Đạo luật cũng cấm công bố các dữ liệu về đời tư. Có nghĩa là các hoạt động của luật sư chống tham nhũng và là blogger nổi tiếng Alexei Navalny, chuyên tố cáo các tài sản bí mật của các quan chức cao cấp Nga, từ nay chính thức trở thành bất hợp pháp. Các bài viết « cực đoan » sẽ bị trừng phạt. Điều này đồng nghĩa với cánh cửa mở rộng cho mọi lạm dụng của chính quyền, vì tại Nga, từ « cực đoan » được Nhà nước hiểu là bất phục tùng, có tư tưởng không chính thống, hay chỉ đơn giản là bất bình.

Nhằm giám sát chặt chẽ hơn, các nhà cung cấp dịch vụ internet và chủ nhân các mạng xã hội được lệnh cung cấp tất cả các thông tin liên quan đến lượng truy cập các trang liên quan, và phải trao cho FSB các dữ liệu cá nhân, văn bản và địa chỉ của cư dân mạng, để lưu trữ trong các máy chủ ở Nga.

Lâu nay chính quyền Nga bỏ rơi thế giới mạng, ông Vladimir Putin còn bảo rằng chẳng biết internet để làm gì. Nhưng nhiệm kỳ tổng thống thứ ba của ông song hành với việc siết chặt các phương tiện truyền thông độc lập hiếm hoi còn hiện diện. Trong một phát biểu ngay lập tức trở thành khuôn mẫu, Putin gần đây đã giải thích cái nhìn của mình : « Internet là một chương trình do CIA triển khai ».

Trong bối cảnh chống Mỹ một cách hoang tưởng của chính quyền Matxcơva, lời tuyên bố trên không hề là điềm lành cho cư dân mạng Nga. Nhất là khi Thượng viện Nga lại còn dự định thành lập « một hệ thống thông tin thuần Nga, hạn chế trong nước Nga, để giải phóng khỏi sự thống trị của Mỹ ». Theo Libération, đây là việc tách « Runet », thế giới mạng Nga ra khỏi mạng toàn cầu, nói tóm lại, là buông bức màn sắt xuống.

Chiến dịch tranh cử tổng thống kỳ lạ ở miền đông Ukraina

Về tình hình Ukraina, nhật báo Le Figaro đề cập đến « Một chiến dịch tranh cử tổng thống kỳ lạ tại Donbass » ở miền đông nước này. Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến kỳ bầu cử, khu vực miền đông thân Nga hơn bao giờ hết là mảnh đất hết sức khó khăn cho các ứng cử viên : không có cuộc mít-tinh nào cũng như không có việc tiếp xúc cử tri.

Lâu nay chỉ lo ngại về bạo lực, người dân Donbass từ tuần rồi mới biết đến chiến dịch tranh cử thông qua các áp-phích của hai ứng cử viên địa phương Mikhail Dobkin và Serhif Tihipko. Áp-phích hiện diện khắp nơi, nhưng ứng viên thì xuất hiện hết sức kín đáo.

Không có cuộc mít-tinh nào được tổ chức, cũng như không thể gặp mặt các cử tri của mình. Các hành động ném trứng, hắt mực xanh vào người, những đe dọa của phe thân Nga hay những người dân tộc chủ nghĩa Ukraina khiến họ không có can đảm xuất hiện ở những nơi công cộng. Việc thị trưởng Kharkov Guennadi Kernes bị ám sát hụt hồi đầu tuần cũng làm cho bầu không khí thêm nặng nề đối với 23 ứng cử viên.

Ngoài các ứng viên là người tại chỗ, tất cả ứng cử viên khác đều bị coi là « người của phương Tây ». Khuôn mặt triển vọng nhất là nhà tỉ phú Petro Porochenko hôm 24/4 khi đến Louhansk, thành trì của phe thân Nga, đã bị 400 người đón tiếp bằng cách chận lại không cho ra khỏi sân bay. Cảnh sát phải vất vả mới đưa được ông ra, và khi đến được trường đại học Louhansk, ông đã có những tuyên bố cứng rắn trước các sinh viên. Porochenko nói : « Những người thân Matxcơva không hiểu cả tiếng Ukraina lẫn tiếng Nga, họ chỉ hiểu được ngôn ngữ của sức mạnh ».

Một nhân vật có trọng lượng khác là bà Ioulia Timochenko cũng ghé qua Donetsk hôm 18/4 để chứng tỏ sự gan dạ của mình, nhưng bà cũng không dám gặp gỡ những người tranh đấu thân Nga như đã hứa trước đó.

Tập Cận Bình quay lại với uy quyền Thiên tử

Liên quan đến châu Á, bài viết của thông tín viên nhật báo kinh tế Les Echos mang tựa đề « Tập Cận Bình quay lại với uy quyền Thiên tử » nhận định, quan niệm về quyền lực của người đứng đầu Trung Quốc có gốc rễ từ thời Trung Hoa xa xưa. Trên đỉnh cao quyền lực ngày càng mong manh cả về tài chính lẫn đạo đức, là triều thần và một quân vương ngự trị.

Tờ báo nêu ra một nghịch lý. Một mặt, chính quyền trung ương Bắc Kinh tiến hành một chiến dịch chống tham nhũng với quy mô chưa từng thấy, không ngần ngại tấn công vào những nhân vật tên tuổi của chế độ. Mặt khác, khuôn mặt biểu tượng cho phong trào chống tham nhũng là Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong) vừa bị tòa phúc thẩm y án bốn năm tù giam. Bắc Kinh đã hóa rồ chăng, khi vừa kiên quyết chống tham nhũng nhưng lại vừa bỏ tù một nhân vật có thể hỗ trợ cho cuộc chiến của mình ?

Theo Les Echos, điều có vẻ là mâu thuẫn này thực ra chính là quan niệm về quyền lực của Tập Cận Bình, một quan niệm bắt rễ từ nước Trung Hoa cổ xưa. Trên đỉnh tháp quyền lực, hoàng đế Trung Hoa chính là « Thiên tử », chiếu chỉ của vua cũng là mệnh lệnh của trời.

Với chính sách ngày càng tỏ ra cứng rắn, Bắc Kinh đã chọn lựa thái độ : không chấp nhận đối trọng. Nếu phương Tây chủ trương tư pháp độc lập với chính quyền, thì cách diễn đạt của Bắc Kinh lại khác hẳn : chính người đứng đầu bộ máy Nhà nước là quan tòa, là người phán xử. Tuy cố trưng ra một bộ mặt hiện đại hơn, tỏ ra gần dân như sự kiện Tập Cận Bình thân chinh đi mua bánh bao tại một quán bình dân, nhưng các nhà đấu tranh chống tham nhũng đã phải trả giá đắt cho một bài học. Đó là không có việc đảm bảo mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, mà chỉ « Thiên tử » mới có quyền ra tay lập lại trật tự.

Cây dẻ của Anne Frank đâm chồi nẩy lộc tại nhiều nước

Trên lãnh vực văn hóa, trong bài « Cây dẻ của Anne Frank mọc ở Washington », nhật báo La Croix cho biết, cây dẻ mà cô bé người Do Thái nạn nhân của phát-xít Đức, tác giả cuốn nhật ký nổi tiếng thế giới Anne Frank từ nơi trú ẩn ở Amsterdam mỗi ngày vẫn nhìn ra thông qua khung cửa sổ nhỏ, nay đã được trồng trước điện Capitol ở thủ đô nước Mỹ.

Cây dẻ nổi tiếng này đã bị bật gốc vào một ngày mùa hè gió lốc năm 2010, nhưng lại không ngừng được phục sinh, để tưởng nhớ cô gái nhỏ Do Thái đã chết khi bị đi đày tại trại tập trung Bergen-Belsen ở miền bắc nước Đức năm 1945. Anne Frank có viết về cây dẻ thân thương của cô trong tác phẩm « Nhật ký Anne Frank », một trong mười cuốn sách được đọc nhiều nhất thế giới, và được Unesco ghi vào danh sách di sản tư liệu toàn cầu.

Một mầm cây lấy từ cây dẻ của Anne Frank hôm 30/4 đã được trồng trên thảm cỏ điện Capitol, tức tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ. Theo sáng kiến của Anne Frank Center USA, năm mầm cây đã được đâm chồi nẩy lộc trên đất Mỹ, năm mầm khác sẽ được trồng tại các địa điểm khác nhau trong đó có đài tưởng niệm Ngày 11/9 tại New York. Những hạt dẻ từ cây dẻ bách niên nổi tiếng này, từ khi cây được chẩn đoán là mắc bệnh, đã được tặng cho nhiều nước. Một cây đã được trồng tại công viên Anne Frank ở Paris, và thành phố Amsterdam đã trồng đến khoảng 150 cây trong một khu rừng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.